Giờ mình cưới nhau rồi!

22/12/2020 - 09:02

PNO - Sánh bước vào lễ đường ra mắt hai họ, người thân, bạn bè… tưởng như là điều rất đỗi bình thường của đôi lứa yêu nhau. Thế nhưng, tha thiết đó đôi khi lại vượt tầm với của nhiều công nhân nhập cư. Chia sẻ với khó khăn đó của anh chị em, Liên đoàn Lao động, Hội LHPN, Quận đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Q.Bình Tân đã tổ chức lễ cưới tập thể cho tám cặp đôi thanh niên, công nhân trên địa bàn quận vào dịp cuối năm.
Đám cưới tuy giản dị mà ấm cúng như tô điểm thêm hạnh phúc của những cảnh đời đã nhiều chông chênh, mất mát.

Dìu nhau qua gian khó 

Một ngày sau đám cưới, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xinh - anh Nguyễn Tài Vụ như vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi. Miết tay lên chiếc nhẫn đang đeo ở ngón áp út bàn tay trái, chị Xinh rưng rưng: “Sống bên nhau gần 13 năm, con gái cũng đã gần 12 tuổi, đây là lần đầu tiên tôi được biết đến đôi nhẫn cưới, được trang điểm, làm tóc và mặc váy cô dâu”.

Ngồi bên vợ, anh Vụ cười hoài: “Hồi hộp dữ lắm và bất ngờ nữa. Ban tổ chức đã làm cho mình một bữa tiệc quá chu đáo, quá ân cần”. 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Xinh - anh Nguyễn Tài Vụ sánh bước trong ngày vui
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Xinh - anh Nguyễn Tài Vụ sánh bước trong ngày vui

Chị Xinh năm nay 32 tuổi, quê ở Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị theo bạn bè vào TP.HCM làm công nhân tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đóng tại Q.Bình Tân. Xinh là chị đầu, sau Xinh còn hai cô em gái. Nhà chỉ có một sào ruộng, ba mẹ nuôi thêm ít gà vịt bán, cuộc sống cứ đắp đổi qua ngày. Làm cùng công ty, chị gặp rồi thương anh Vụ lúc nào không hay.

Anh người Cà Mau, bằng tuổi chị, mồ côi cha từ nhỏ. Quyết định đến với nhau, anh chị chỉ có tay trắng. Hai bên nội, ngoại cũng nghèo, thành ra chẳng ai dám bàn đến chuyện cưới hỏi. Họ chỉ về ra mắt cha mẹ rồi quay lại TP.HCM ngay.

Chị Xinh kể, khi mang thai con gái - bé Nguyễn Ngọc Thu Minh - chị vừa vui vừa buồn, vì không biết sau này phải nuôi con thế nào. Bé tròn bảy tháng, chị phải gửi con cho bà ngoại chăm sóc tới giờ. Làm riết thấy không dành dụm được gì, anh Vụ vay mượn mở một quán nhậu, ngày làm trong phân xưởng, tối bán quán. Giai đoạn 2016, 2017, làm ăn thua lỗ, anh chị dẹp quán và ôm một món nợ 200 triệu đồng. Chị suy sụp chỉ nghĩ tới đường cùng.

“Anh Vụ hiền lắm, lại hay tếu táo chọc vợ cười. Sau thời gian chông chênh, hai đứa lại động viên nhau ráng lên, mình còn sống đây thì khó khăn nào cũng vượt qua được. Anh nghỉ công ty, ra ngoài làm phụ hồ, năm nay dịch bệnh nên lại thêm lao đao. Nợ nần thì tụi tôi cũng trả được chút ít rồi. Tôi cũng tủi thân, thiệt lòng thì có người phụ nữ nào chẳng mong được khoác áo cô dâu. Ngày 10/12/2020, sẽ mãi là kỷ niệm đẹp nhất trong đời tôi, không bao giờ quên được” - chị Xinh bộc bạch. 

Cũng như vợ chồng chị Xinh, vợ chồng chị Neang Phưa - anh Danh Hoàng Dũng không ngờ sẽ có được một đám cưới ấm cúng như vậy sau gần tám năm chung sống. Năm 2007, chị Phưa từ tỉnh An Giang lên TP.HCM làm giúp việc nhà, lương 600.000 đồng/tháng. Ba chị đi phụ hồ, còn mẹ phải ngày đêm trông chừng cô em gái mắc bệnh thần kinh. Năm 2011, Phưa quyết định rời nhà chủ đi tìm chỗ trọ rồi xin làm công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Run rủi thế nào, chị lại sống cùng phòng với cháu gái anh Dũng.

Chị nói vẫn nhớ hoài kỳ nghỉ lễ 30/4/2011, anh Dũng đạp xe từ H.Bình Chánh qua P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân thăm cháu. Chị Phưa chia sẻ: “Nhìn ảnh nhễ nhại mồ hôi mà miệng cười rạng rỡ, tôi thương luôn. Anh hơn tôi chín tuổi, đứa sinh năm 1977, đứa 1986. Lúc đó, bạn bè chọc sao mà già rồi vẫn ế xệ vậy, ảnh chỉ cười.

Sau này quen nhau, anh mới thổ lộ tại nhà nghèo quá nên không dám thương ai. Chắc vì đồng cảnh nên hai đứa dễ xích lại gần nhau. Từ nhỏ tôi chỉ biết nhà mình, lớn lên là nhà chủ, rồi công ty, phòng trọ, có gặp gỡ ai đâu”. 

Cùng qua đổ vỡ, vợ chồng chị Bùi Thị Mỹ Hạnh càng trân trọng hơn hạnh phúc đang có
Sau gần tám năm bên nhau, cuối cùng vợ chồng chị Neang Phưa cũng đã có được một tiệc cưới ấm cúng.
Anh Dũng đi phụ hồ, chị Phưa làm công nhân. Để tiết kiệm chút ít tiền trọ, anh chị dắt díu nhau xuống tuốt huyện Bến Lức, tỉnh Long An thuê phòng, mỗi ngày vợ theo xe đưa rước của công ty lên TP.HCM, còn chồng nắng mưa trên các công trình. Nhìn các con đến với nhau không trầu cau, không rượu mừng, mẹ Phưa bần thần trách giận bản thân. Phưa an ủi: “Nếu có khổ, con sẽ chịu trách nhiệm mà không than vãn gì hết. Chừng nào khá hơn, tụi con sẽ làm một bữa tiệc ra mắt”. Ước mơ “chừng nào khá hơn” đó kéo dài gần tám năm, con trai đã tròn năm tuổi rồi mà vẫn chưa thành. Bởi vậy, khi nghe thông tin được hỗ trợ làm đám cưới, chị Phưa cứ khóc suốt. Ba giờ sáng ngày 10/12, vợ chồng chị chở nhau lên Nhà Văn hóa Lao động Q.Bình Tân để trang điểm, làm tóc. Ai cũng khen Phưa đẹp quá, chị bẽn lẽn: “Lần đầu tiên trong đời tôi được chăm chút mặt mày, được tết tóc, cài hoa như vầy, cảm giác thiệt lạ”. Anh Dũng thì lúng túng ôm bó hoa cưới, cứ vài phút lại nói “cảm ơn” mọi người. 

Nguyện suốt đời thuỷ chung

Đám cưới tập thể tổ chức tại nhà hàng Đại Hỷ, đường Nguyễn Cửu Phú, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân. Các cặp đôi được tặng nhẫn cưới, hỗ trợ xe đưa đón, trang điểm, làm tóc, hoa, bánh kem, hai bàn tiệc để mời gia đình, bạn bè tới chung vui. Ngoài ra, ban tổ chức còn bố trí cả ê-kíp quay phim, chụp ảnh in album cho các cặp vợ chồng làm kỷ niệm. Hội LHPN TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam và Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân cũng gửi tặng các cặp đôi nhiều vật dụng gia đình như mền, gối, nồi cơm điện, bộ nồi inox, ấm chén.

Các cặp đôi chung bước trong lễ cưới tập thể
Các cặp đôi chung bước trong lễ cưới tập thể

Cha mẹ cô dâu chú rể đa phần đều đã lớn tuổi và đau bệnh, nhưng vẫn cố gắng lặn lội từ Cà Mau, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên tới TP.HCM trong ngày vui của con. Bà Võ Thị Khiêm - mẹ chú rể Võ Thành Công và cô con dâu Bùi Thị Mỹ Hạnh - xúc động nói: “Tôi từ Tiền Giang lên đây. Con tôi dở dang, chật vật đủ đường. Nó mồ côi cha, còn có mình tôi để dựa dẫm, mà tôi thì đau dữ lắm, chân nhích từng bước. Lần này con tôi gặp được Hạnh là duyên lành. Tôi luôn day dứt vì không thể lo đám cưới tươm tất cho các con. Thấy tụi nhỏ sánh bước vô lễ đường hôm nay, lòng người mẹ coi như đã được an ủi. Tôi biết ơn ban tổ chức rất nhiều”. 

Đổ vỡ hôn nhân ở tuổi 29, cộng với áp lực tiền bạc khiến chị Bùi Thị Mỹ Hạnh, 40 tuổi, quê ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, rơi vào trầm cảm phải điều trị suốt thời gian dài. Tới nay, chị vẫn uống thuốc mỗi ngày. Gần hai năm trước, chị gặp anh Võ Thành Công, 38 tuổi, cùng quê và cùng cảnh dở dang. Dù đã nên duyên, anh Công vẫn thuê trọ ở huyện Hóc Môn để làm trong một xưởng sản xuất giấy, còn chị Hạnh thì sống với mẹ già dưới tỉnh Tiền Giang, mỗi ngày đi về làm việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.

Cùng qua đổ vỡ, vợ chồng chị Bùi Thị Mỹ Hạnh càng trân trọng hơn hạnh phúc đang có
Cùng qua đổ vỡ, vợ chồng chị Bùi Thị Mỹ Hạnh càng trân trọng hơn hạnh phúc đang có

“Đám cưới ngày 10/12 như liều thuốc tinh thần giúp tôi phấn chấn hơn. Bây giờ, tôi đã chính thức dọn qua ở với mẹ chồng. Vợ chồng tôi động viên nhau ráng tích cóp thêm chút nữa rồi anh Công về luôn dưới này cất lại căn nhà cho mẹ, sinh đứa con. Dù có thế nào, chúng tôi cũng sẽ trân trọng hạnh phúc này, nguyện nắm tay nhau đi suốt cuộc đời còn lại” - chị Hạnh tâm tình. 

Thảo Nguyên

Có chút luyến tiếc là chúng tôi không thể làm trọn vẹn một lễ cưới có đầy đủ nghi thức theo truyền thống. Vốn dĩ ban tổ chức đã chuẩn bị tám chiếc xe hoa, lên kế hoạch cho các anh chị dâng hoa tại tượng đài Bác Hồ. Vì dịch COVID-19, các hoạt động này đành phải hủy bỏ. Trong năm 2021, chúng tôi sẽ nỗ lực tổ chức một lễ cưới tập thể nữa với số lượng cặp đôi được hỗ trợ tăng lên, nghi thức cũng đầy đủ, chỉn chu hơn. 

Chị Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Tân

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI