Gieo vào lòng người khát vọng vươn lên

14/09/2020 - 07:26

PNO - "Suốt 30 năm qua, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai và học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” luôn được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn cuộc sống".

 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân trao học bổng cho học sinh khó khăn sáng 13/9 trong chương trình “Tiếp sức vượt khó” của Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân trao học bổng cho học sinh khó khăn sáng 13/9 trong chương trình “Tiếp sức vượt khó” của Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM

Năm học 1991-1992, chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai được Hội LHPN TPHCM triển khai trong toàn hệ thống Hội. Hưởng ứng chương trình này, học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” của Báo Phụ Nữ TPHCM đã ra đời. Nhân dịp bước vào năm học mới 2020-2021, chúng tôi phỏng vấn bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - về các chương trình học bổng dành cho nữ sinh này. Bà Phượng Trân cho biết:

- Ngay sau Đại hội đại biểu phụ nữ TPHCM lần V (1991-1996), Hội LHPN TPHCM đã phát động xây dựng quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là một hoạt động mới do Hội LHPN quận 5 thể nghiệm đầu tiên vào năm 1990, được đại hội đánh giá cao và nhất trí chọn làm một trong những hoạt động quan trọng của hệ thống Hội Phụ nữ nhằm chăm lo thiết thực hơn cho hội viên, phụ nữ, thông qua việc trao học bổng cho con em họ, giúp trẻ có điều kiện đến trường.

Ba mươi năm qua, kiên trì tiêu chí “thắp sáng ước mơ”, chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai từng ngày lớn mạnh. Từ TPHCM, theo phát động của Trung ương Hội, đến nay nhiều tỉnh, thành trên cả nước cùng xây dựng quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, hỗ trợ con em cán bộ, hội viên, phụ nữ đến trường.

Hưởng ứng sự phát động của Hội LHPN TPHCM, với tư cách là một đơn vị trực thuộc, tháng 8/1991, Báo Phụ Nữ TPHCM chính thức khởi động chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ nhất, năm học 1991-1992 (tên gọi ban đầu là học bổng “Vì nữ sinh nghèo, vượt khó”) và đã trao 61 suất học bổng đầu tiên cho nữ sinh các cấp phổ thông, mỗi suất 450.000 đồng. 

Phóng viên: Xin cho biết nhận định của bà về hiệu quả của các chương trình học bổng nói trên? 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân: Qua 30 năm, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai của Hội LHPN các cấp tại TPHCM đã hỗ trợ cho 263.192 lượt học sinh, sinh viên với tổng kinh phí hơn 179,8 tỷ đồng. Trong số nhận được học bổng này, đã có 96.858 em học hành đến nơi đến chốn, trong đó có 1.218 em trở thành doanh nhân, 368 em phục vụ trong quân đội, 1.761 em công tác trong ngành khoa học kỹ thuật, 15.956 em là nhân viên của các cơ quan nhà nước, công ty nước ngoài, công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp và 25.645 em làm việc ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. 

Tương tự, 30 năm qua, chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” của Báo Phụ Nữ TPHCM cũng đã trao hơn 8.600 suất học bổng với tổng trị giá hơn 11,5 tỷ đồng, đã tiếp sức đến trường cho hàng ngàn nữ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

* Dịch COVID-19 có làm giảm số suất, trị giá mỗi suất học bổng hay không, thưa bà?

- Điểm lại những đóng góp và ý nghĩa của chương trình học bổng này, chúng tôi thật sự tự hào. Ngoài hai chương trình học bổng này, trong hệ thống Hội LHPN TPHCM còn có các quỹ học bổng “Tiếp sức vượt khó”, “Nhịp cầu ước mơ” của Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM, “Vì nữ sinh viên hiếu học, vượt khó” của Hội Nữ trí thức TPHCM.

Ngày 13/9, Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM đã trao học bổng lần thứ 20 cho 425 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 20 năm qua, mỗi năm, Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM đã trao hơn 400 suất học bổng, trợ sức cho các học trò nghèo ở các mái ấm, nhà mở, gia đình nghèo ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận. Tháng Mười tới, Hội Nữ trí thức TPHCM sẽ trao học bổng lần thứ sáu cho các nữ sinh viên...

Dù tình hình kinh tế đất nước nói chung, TPHCM nói riêng gặp khó khăn do dịch COVID-19 nhưng các đơn vị đều đã mời gọi được sự chung tay của các tổ chức, cá nhân nên số suất học bổng dự kiến vẫn được bảo đảm, chất lượng từng suất học bổng vẫn không giảm sút.

* Thưa bà, chương trình học bổng của hệ thống Hội hiện nay có gì khác trước và điều gì khiến bà tâm đắc? 

- Thực tế suốt 30 năm qua, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai và học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” luôn được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn, đối tượng nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai ban đầu là “con em cán bộ, hội viên khó khăn, hiếu học” đã được mở rộng thành “con em cán bộ, hội viên, phụ nữ khó khăn, hiếu học”.

Học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” ban đầu cũng chỉ trao cho nữ sinh phổ thông, những năm gần đây đã mở rộng cho cả nữ sinh đại học, cao đẳng không chỉ ở TPHCM mà cả ở các huyện miền núi, vùng biên giới... Thêm vào đó, các quỹ học bổng mới của Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM, Hội Nữ trí thức TPHCM cũng lần lượt ra đời.

Riêng với học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, từ năm học 2019-2020, chúng tôi đã tổ chức thêm dự án “Nâng bước em đi” nhằm chia sẻ, hỗ trợ, động viên những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Dự án hỗ trợ học phí đại học cho nữ sinh tới 5 năm với đối tượng được xét chọn là nữ sinh được nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai thi đậu đại học, mức hỗ trợ là 18 triệu đồng/năm. Cứ nửa học kỳ, ban tổ chức lại gặp gỡ các em một lần.

Trong năm đầu tiên (năm học 2019-2020), Hội đã hỗ trợ 10 sinh viên. Để được nhận học bổng, các em phải duy trì học lực từ khá trở lên. Nếu không đạt, các em sẽ không còn nằm trong dự án nữa.

Có thể nói, bằng rất nhiều nỗ lực, các cấp Hội và các đơn vị thành viên đã tổ chức, vận hành rất tốt các nguồn quỹ học bổng, lựa chọn đúng đối tượng, trao đúng số tiền, giám sát được hiệu quả. Điều này khiến nhiều nhà hảo tâm tin tưởng,  đồng hành lâu dài.

Sau khi được nhận học bổng để duy trì con đường học vấn, nhiều học sinh, sinh viên thành đạt đã quay trở lại đóng góp cho nguồn quỹ học bổng này ở địa phương, đơn vị. Điều đó trở thành nguồn động viên to lớn để những người làm chương trình tiếp tục hành trình nhân văn này.

* Xin cảm ơn bà. 

Nghi Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI