Giáo viên mệt mỏi vì gánh nặng của những việc không tên

26/03/2024 - 06:01

PNO - Tại nhiều quốc gia, các giáo viên đã cảm thấy kiệt sức khi phải làm nhiều việc không tên, không được tính công - ngoài công việc chính là giảng dạy - như chuẩn bị lớp học, hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, sửa bài kiểm tra và hoàn thành nhiệm vụ hành chính. Áp lực này lớn đến mức có thể khiến họ bỏ nghề hoặc gặp phải vấn đề về tâm lý.

Nhiều công việc không lương

Tháng 2/2024, các công đoàn giáo viên ở Anh đã cáo buộc chính phủ “bóc lột” sau khi một cuộc khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Anh (TUC) cho thấy: giáo viên phải làm việc ngoài giờ không lương nhiều nhất so với bất kỳ ngành nghề nào khác. Cuộc khảo sát chỉ ra: 2/5 giáo viên ở Anh phải làm việc không công 26 giờ mỗi tuần, tổng cộng tới 5,5 triệu giờ mỗi năm.

Giáo viên đứng lớp tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Toyama, tỉnh Toyama, Nhật Bản - Nguồn ảnh: Kyodo
Giáo viên đứng lớp tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Toyama, tỉnh Toyama, Nhật Bản - Nguồn ảnh: Kyodo

Patrick Roach - Tổng thư ký công đoàn giáo viên NASUWT - nói: đây là “bằng chứng đáng xấu hổ” cho thấy chính phủ đang dựa vào lao động tự do hơn là đầu tư vào các trường phổ thông và cao đẳng. Ông Roach nhận định: “Việc các giáo viên đang mất trung bình 15.000 bảng Anh/năm khi phải làm thêm giờ không được trả lương chẳng khác gì một vụ cướp giữa ban ngày”. Nghiên cứu còn cho thấy, hơn một nửa số giáo viên được khảo sát cho biết đã làm việc hơn 50 giờ/tuần, một số làm việc hơn 70 giờ. Thời gian làm thêm trung bình hằng tuần của tất cả nhân viên ngành giáo dục là 4,4 giờ.

Ở Bồ Đào Nha, giờ làm việc chính thức của giáo viên là 35 giờ/tuần. Dù vậy, theo dữ liệu từ cuộc khảo sát của công đoàn giáo viên Bồ Đào Nha (FENPROF) năm 2023, trung bình giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở phải làm việc đến 50 giờ 15 phút mỗi tuần. Đáng chú ý, số giờ làm việc của giáo viên đang có chiều hướng tăng lên (vào năm 2017, giáo viên Bồ Đào Nha làm việc trung bình 47 giờ/tuần). Vitor Godinho - đại biểu công đoàn tại FENPROF - nói: “Các giáo viên làm việc nhiều hơn 15 giờ mỗi tuần so với quy định của pháp luật. Để thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao, họ phải hy sinh thời gian cá nhân của mình”.

Ngày 13/3, Liên đoàn Giáo viên Nhật Bản (Nikkyoso) đã gửi kiến nghị kèm theo gần 700.000 chữ ký tới Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, kêu gọi cắt giảm thời gian làm những việc không được trả lương. Điều kiện làm việc trong các trường học Nhật Bản là vấn đề đang được thảo luận tại hội đồng chuyên gia do bộ thành lập, với một đề xuất tăng lương 4% nếu giáo viên đồng ý không yêu cầu trả lương làm thêm giờ. Các quy định hiện tại nêu rõ rằng giáo viên không thể bị ép buộc làm việc ngoài giờ, dù họ thường xuyên chịu áp lực phải hỗ trợ học sinh ngoài giờ học, chẳng hạn như tập thể thao vào cuối tuần và tham gia các chuyến dã ngoại. Các nhiệm vụ hành chính, chuẩn bị cho lớp học và chấm điểm bài làm của học sinh cũng diễn ra ngoài giờ làm việc chính thức. Theo một báo cáo năm 2023, giáo viên ở các trường trung học cơ sở thường làm việc 11 giờ/ngày, các giáo viên cấp tiểu học làm việc 10 giờ 45 phút/ngày.

Bất ổn về sức khỏe tâm thần

Những căng thẳng nghề nghiệp đang gây thiệt hại tinh thần cho giáo viên. Một nghiên cứu do Nhật Bản công bố tháng 8/2023 cho thấy kỷ lục 953 giáo viên nghỉ việc trên khắp Nhật Bản trong năm học 2021 với lý do bất ổn sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân chính là do thời gian làm việc quá dài. Một cuộc khảo sát khác cho thấy, số giáo viên nghỉ phép vì bệnh tâm thần tại các trường công ở Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục 6.539 trường hợp trong năm 2022. Các chuyên gia giáo dục cho biết, xu hướng này một phần là do khối lượng công việc gia tăng giữa đại dịch - chẳng hạn như nhu cầu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm - bên cạnh đó là việc khiếu nại của phụ huynh học sinh ngày càng tăng. Bộ cũng xác nhận rằng có ít người nộp đơn vào làm giáo viên hơn. Điều đó có nghĩa là công việc của các giáo viên thậm chí còn tăng hơn. Tình hình nghiêm trọng đến mức bộ phải công bố các khoản trợ cấp dành cho những giáo viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy việc giảm bớt thủ tục giấy tờ, giải quyết vấn đề thời gian làm việc kéo dài...

Linh La (theo Kyodo, SCMP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI