Giao tiếp kiểu hươu cao cổ

31/01/2024 - 06:27

PNO - Giao tiếp phi bạo lực là phương pháp “giao tiếp của hươu cao cổ”, bởi hươu cao cổ là một trong những loài động vật trên cạn có trái tim lớn nhất. Chúng có chiếc cổ rất dài, giúp “nhìn xa, trông rộng”.

Qua nhiều năm làm việc với phụ nữ gặp căng thẳng, trầm cảm vì mâu thuẫn hôn nhân, tiến sĩ xã hội học Trần Kiều Như - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng Caring From Distance - cho rằng: “Đôi khi sự thay đổi trong khả năng của chúng ta cũng có thể cứu vãn mối quan hệ trên bờ vực thẳm và kỹ năng giao tiếp phi bạo lực, suy nghĩ thực tế là những công cụ vô cùng hữu ích”.

Tiến sĩ xã hội học Trần Kiều Như
Tiến sĩ xã hội học Trần Kiều Như

Sau trăng mật là… vỡ mật

Đó là điều mọi người thường đùa về hôn nhân, nhưng cũng hàm chứa sự thật rằng: không dễ dàng để 2 con người với những sở thích, thói quen, lịch sử gia đình khác biệt có thể chung sống hài hòa với nhau dưới một mái nhà.

Lúc mới yêu, Bửu Nam thấy Ngọc Vân - người yêu mình - hướng ngoại, sinh động, vui vẻ và hấp dẫn. Ngược lại, Vân thấy chồng mình lúc đó điềm tĩnh, từ tốn, đầy cuốn hút. Nhưng khi lấy nhau về, Nam mệt mỏi với việc vợ đi chơi suốt ngày, bắt chồng cùng đến những nơi đông đúc, ồn ào, tham gia những cuộc hội họp mà chồng không chút hào hứng.

Nam trách vợ “đi gì mà đi suốt ngày, bỏ bê gia đình nhà cửa”, còn Vân thì chỉ trích “chồng như ông già, chỉ thích ngồi nhà, rủ đi đâu cũng không đi, không chiều vợ”. Đã vậy, mỗi lần cô đi chơi cũng không thoải mái, vì nét mặt khó chịu, không hài lòng của anh.

Trong một bối cảnh khác, mâu thuẫn giữa Kim Yến và Quách Hưng lại ở chỗ: vợ thích mọi thứ trong nhà đặt đúng nơi đúng chỗ, ngăn nắp và sạch sẽ, còn chồng thì đi làm về vứt áo lên sofa, dùng bông ngoáy tai xong vứt chỏng chơ trên bồn rửa, đồ dùng cá nhân mỗi thứ một nơi.

Mỗi lần như vậy, Yến lại thấy khó chịu, bực bội đi dọn lại, nhưng đâu lại vào đấy. “Em chán lắm rồi! Sao anh lúc nào cũng bừa bộn như vậy? Đi làm về đã mệt, nhà cửa lại như chuồng heo, không thể chịu nổi!”. Trước sự tức giận của vợ, Hưng chỉ lầm lì im lặng, bỏ ra ngoài sân xem điện thoại, khiến Yến càng chán nản. 

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

Thông thường, trước các xung đột, chúng ta có xu hướng chỉ “soi” vào hành vi của người khác, cho rằng người đó “bừa bộn”, “lười biếng”, “đi suốt ngày không chăm lo gia đình”, từ đó cảm thấy cáu giận, thù địch với họ. 

Theo tiến sĩ Trần Kiều Như, khi áp dụng kỹ năng giao tiếp phi bạo lực, chúng ta sẽ thay đổi góc nhìn, chú tâm vào nhu cầu cảm xúc của bản thân và người khác, qua đó đặt mình vào vị trí người khác để hiểu cảm xúc và nhu cầu của người kia và từ đó có thể bình tĩnh để cùng nhau tìm giải pháp ổn thỏa. 

Giao tiếp phi bạo lực là phương pháp của tiến sĩ  tâm lý học người Mỹ  Marshall Rosenberg. Ông gọi đây là “giao tiếp của hươu cao cổ”, bởi hươu cao cổ là một trong những loài động vật trên cạn có trái tim lớn nhất. Chúng có chiếc cổ rất dài, giúp “nhìn xa, trông rộng”. Một đặc điểm nữa là hươu cao cổ có thể ăn lá có gai và chuyển hóa chúng thành dinh dưỡng. 4 thành phần của giao tiếp phi bạo lực bao gồm: quan sát, cảm xúc, nhu cầu và đề nghị; thể hiện qua mẫu câu.

Thể hiện bản thân: Khi nghe/thấy... tôi cảm thấy... bởi tôi cần... Liệu bạn có thể...

Thấu hiểu người khác: Khi nghe/thấy... bạn cảm thấy... bởi bạn cần... Bạn có muốn...

Trong tình huống của Yến, cô có thể chia sẻ với chồng mình rằng: “Khi thấy nhà cửa bừa bộn, em cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi, vì em mong mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Gọn gàng của em khác với tiêu chuẩn gọn gàng của anh. Vậy chúng ta có thể thống nhất như thế nào là đủ gọn gàng cho không gian chung không?”.

Hay với trường hợp của Vân, khi áp dụng giao tiếp kiểu hươu cao cổ, cô có thể nhận ra chồng mình là người hướng nội, mất nhiều năng lượng khi tới nơi đông người, cần có thời gian một mình để phục hồi, từ đó tôn trọng nhu cầu của anh, cùng trao đổi về các dịp gặp gỡ phù hợp để anh tham gia.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Cẩn trọng với suy nghĩ tự động

“Chồng tôi khô khan, ít nói, không dịu dàng với vợ, không chơi với con, cứ đi làm về là nằm dài xem ti vi, điện thoại, mặc cho vợ tất bật nấu ăn, chăm con. Trách móc, phàn nàn chồng nhiều lần không ăn thua, tôi thấy mệt mỏi và chán nản. Mối quan hệ ngày càng xa cách”. Đây là vấn đề nhiều phụ nữ phải đối mặt và việc đầu tiên chúng ta cần làm, theo tiến sĩ Trần Kiều Như, là hãy chậm lại, quan sát và lắng nghe những “suy nghĩ tự động” trong đầu mình, sau đó áp dụng “suy nghĩ thực tế” để cải thiện tình hình.

“Mỗi ngày chúng ta có khoảng 7.000-10.000 suy nghĩ chạy qua đầu, trong đó có nhiều suy nghĩ nảy ra một cách tự động mà chúng ta không ý thức về nó, lặp đi lặp lại một cách vô thức. Chúng ta có thường cho rằng nguyên nhân xảy ra tình huống là do bản thân hoặc do các yếu tố bên ngoài” - tiến sĩ Kiều Như nói.

Chẳng hạn, người vợ thấy chồng không chơi với con, có thể  nghĩ rằng: “Anh ta không quan tâm đến con cái, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, không biết đỡ đần cho vợ”. Đây là những suy nghĩ dẫn đến cảm xúc tức giận và tiêu cực với người chồng. Hay người vợ có thể cho rằng nguyên nhân do mình: “Số mình hẩm hiu không lấy được chồng tốt; không được xinh đẹp, giỏi giang như chị A nên không được chồng thương, chồng chiều” dẫn tới việc hoài nghi bản thân, thất vọng và tự đánh giá thấp mình.

Làm thế nào để nhận ra những suy nghĩ tự động của bản thân? Theo tiến sĩ Trần Kiều Như, ta có thể dùng cảm xúc như dấu hiệu. Mỗi khi lo lắng, tức giận, tự ti, hãy kiểm tra lại suy nghĩ của bản thân. Hãy tự hỏi “mình đang nghĩ gì lúc này” và viết ra những suy nghĩ khiến bạn thất vọng và tức giận về chồng.

“Sau khi nhận biết suy nghĩ tự động của mình, hãy học cách suy nghĩ thực tế bằng cách tự hỏi bản thân: Suy nghĩ này khiến mình cảm thấy như thế nào? Nếu mình tiếp tục suy nghĩ như vậy, cơ thể và hành vi của mình sẽ ứng xử như thế nào? Suy nghĩ như vậy có lợi ích gì không? Yếu tố khách quan nào có thể đóng góp vào tình huống đã xảy ra?“ - tiến sĩ Kiều Như chia sẻ thêm.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Khi luyện tập suy nghĩ thực tế, nhiều phụ nữ nhận ra rằng, việc chồng lười làm việc nhà, ít giao tiếp với con, ít chăm con… có thể liên quan tới cách mà chồng được nuôi dạy. Khi còn ở với cha mẹ, chồng không phải làm việc gì, mỗi lần vào bếp thì mẹ lại đuổi ra, “lóng nga lóng ngóng để mẹ làm cho”. Hay người chồng lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ không hạnh phúc, mâu thuẫn và xung đột nên không học được cách giao tiếp nhẹ nhàng, ít chia sẻ, dễ bị nóng giận. 

Tiến sĩ Như cho biết, khi chúng ta áp dụng suy nghĩ thực tế và giao tiếp kiểu hươu cao cổ vào cuộc sống hằng ngày, từ chỗ không hiểu, không chấp nhận được người kia, chúng ta sẽ thấu hiểu và đồng cảm hơn; những tức giận, khó chịu và ức chế với người kia sẽ dần được xoa dịu, mở ra cánh cửa giao tiếp bằng trái tim.

Bắt đầu bằng những thay đổi trong khả năng  

“Người ta thường nói 2 bàn tay mới vỗ thành tiếng, nhưng đôi khi những nỗ lực thay đổi từ 1 phía cũng thay đổi bầu không khí gia đình theo một cách khác hoàn toàn. 1 phía còn hơn không có phía nào. Hãy nỗ lực đúng cách trước khi quyết định kết thúc hôn nhân, nếu bất đồng giữa vợ chồng chưa tìm được cách giải quyết. Kể cả hậu ly hôn, khả năng vẫn có những bất đồng xảy ra, nhất là trong trường hợp đã có con chung” - tiến sĩ Như chia sẻ.

Mấu chốt của những thay đổi ở đây là sự thấu hiểu, chân thành, tôn trọng, thành ý muốn cùng nhau làm mọi thứ tốt hơn. Chẳng hạn, trong tình huống người chồng không chơi với con, người vợ có thể rủ chồng cùng cả nhà chơi cầu lông (là bộ môn chồng thích và chơi giỏi). Các con thấy ba chơi tốt, thích thú và khen ngợi, khiến người chồng nhận ra rằng chơi với con cũng vui và mình có thể làm được.

Hay một người vợ muốn chồng giúp đỡ việc nhà có thể học cách nói rõ nhu cầu của mình, thay vì mặc định chồng phải tự hiểu và chia sẻ, chẳng hạn: “Anh có thể tắm cho con được không?”, “Anh đi đổ rác rồi mua giúp em quả cà chua nhé”. Việc giao tiếp sẽ hiệu quả hơn nhiều. 

Nguyễn Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI