Giáo dục mang đến hiểu biết, niềm tin và bình đẳng

24/01/2017 - 20:00

PNO - Rất ấn tượng với các nữ nghiên cứu sinh Việt Nam đã và đang tham gia Học bổng Cheveing, ông Alex Curtis *(Bộ Ngoại giao Anh) dành cho báo Phụ Nữ nhiều chia sẻ thú vị.

Ông Alex Curtis là thành viên của Ban Ngoại giao Nữ hoàng, hiện phụ trách học bổng Chevening và kết nối cựu sinh viên của học bổng này tại bộ phận Học bổng của Bộ Ngoại giao Anh.

Giao duc mang den hieu biet, niem tin va binh dang
Ông Alex Curtis (giữa) và các nữ nghiên cứu sinh Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Thưa ông, học bổng Chevening khác biệt thế nào so với các chương trình học bổng khác của Anh, cũng như các quốc gia khác?

- Chevening cung cấp hai loại học bổng: học bổng Chevening và học bổng nghiên cứu Chevening, nhằm phát triển các nhà lãnh đạo toàn cầu từ năm 1983. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Anh, Khối Thịnh vượng chung và các tổ chức đối tác. Các nghiên cứu sinh được chính Đại sứ quán Anh và Cao ủy Anh lựa chọn trên toàn cầu.

Học bổng Chevening hoạt động ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, không bao gồm Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Yêu cầu cho các ứng viên là có bằng đại học loại tốt, thành thạo tiếng Anh và có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc.

Học bổng Chevening mang tính cạnh tranh rất cao. Năm 2016, trên 63.050 ứng cử nộp đơn, chỉ 1.900 người trúng tuyển cho niên khóa 2017-2018. Các nghiên cứu sinh học khóa thạc sĩ một năm tại nhiều trường đại học ở Anh và nghiên cứu nhiều lĩnh vực, trong đó ba ngành được chọn nhiều nhất cho khóa 2016-2017 là luật, chính sách xã hội và tài chính.

Hội cựu sinh viên Chevening (Chevening Alumni) có gần 46.000 thành viên, tạo được ảnh hưởng lớn và được đánh giá rất cao. Nhiều thành viên của Hội đang ở vị trí lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh doanh, truyền thông, xã hội dân sự, khoa học và công nghệ, học thuật… khắp các nước.

* Tỷ lệ nữ nghiên cứu sinh đạt học bổng Chevening có đáng kể và gia tăng hàng năm không, thưa ông? Họ để lại ấn tượng gì với ông?

- Khoảng 54% nghiên cứu sinh niên khóa 2016-2017 là nữ. Suốt thời gian tôi tham gia Chevening (2014-2016), tỷ lệ nữ trong hai năm đầu là 51%. Ở Việt Nam, số nữ nghiên cứu sinh nhiều hơn hẳn so với nam. Điều này làm tôi rất thú vị vì đây là lĩnh vực phụ nữ chiếm ưu thế và phá vỡ các khuôn phép cũ.

Trong năm 2014-2015, tất cả sáu nghiên cứu sinh Việt Nam đều là nữ; năm 2015-2016 có 26 nữ, sáu nam và năm 2016-2017 tỷ lệ này là 20:7.

* Các học giả nữ mà ông từng gặp có những điểm chung nào không? Ai trong số họ khiến ông cảm thấy cảm động hoặc ngưỡng mộ?

- Tôi luôn ấn tượng về chất lượng học tập, sự thông minh, nhiệt tình và cách thức tham gia của họ. Tôi đặc biệt khuyến khích các nữ nghiên cứu sinh tự tin hơn và tận dụng mọi cơ hội để phát triển tiềm năng. Sự trải nghiệm là rất đa dạng, các nữ nghiên cứu sinh có những thách thức riêng của mỗi người.

Một cô người Pakistan từng cho biết, khi cô trúng tuyển, gia đình cho là cô đã ích kỷ vì “bỏ rơi” con mình suốt một năm để đi học. Tôi luôn ngưỡng mộ những câu chuyện “hậu trường” của các nữ nghiên cứu sinh. Không gì có thể làm giảm nhiệt tình của họ trong việc cố gắng đạt được những điều mình mong muốn.

Nhiều người là điển hình về làm thế nào để đạt được bước tiến lớn, vượt khỏi giới hạn của mình (thậm chí là hạn chế trong văn hóa của họ) và truyền cảm hứng cho bạn học. Niên khóa 2014-2015 có một nghiên cứu sinh duy nhất là nữ, đến từ Madagascar (một trong những nước nghèo nhất thế giới). Phải đến lần thứ hai tham gia Chevening, cô mới thành công.

Cô chia sẻ: “Có rất nhiều thách thức, nhưng sự kiên trì là chìa khóa cho tất cả”. Khi tôi hỏi cô ấy sẽ làm gì để đóng góp trở lại sau khi học, câu trả lời đã khiến tôi thật sự ấm lòng: “Trở lại Madagascar, tôi phụ trách phát triển mô hình du lịch bền vững có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ ứng tuyển cho học bổng uy tín này. Nó thay đổi cuộc sống của tôi. Đối với một nước đang phát triển như Madagascar, đó là một cách để có được nền giáo dục tốt hơn và thoát khỏi đói nghèo. Tôi rất vui vì hiện Madagascar có hơn 10 nghiên cứu sinh Chevening”.

Tôi lại hỏi, học bổng có giúp một phụ nữ đạt nhiều thành tựu không? Cô ấy tự tin trả lời: “Ở Madagascar, các vấn đề về giới vẫn tồn tại, dù không còn nghiêm trọng như trước. Là một phụ nữ trẻ quản lý đội ngũ nhiều nam giới nên tôi luôn gặp thách thức. Nhưng, tôi đã học được ở Anh rằng, làm việc nhóm là chiến lược quan trọng nhất dẫn đến thành công”.

* Ông nghĩ thế nào về vai trò của phụ nữ trong sự phát triển của xã hội? Theo ông, phụ nữ thường gặp trở ngại gì khi họ muốn phát triển tiềm năng của mình? Chính phủ hoặc các tổ chức cần làm gì để hỗ trợ họ?

- Tôi không thấy sự khác biệt thực sự giữa nam và nữ. Chúng ta khác nhau theo cách riêng, nhưng tất cả đều có điều gì đó để cho đi, bất kể giới tính. Dù tôn trọng các nền văn hóa và truyền thống khác nhau, nhưng tôi thấy đó là quyền cơ bản của phụ nữ, họ có quyền lựa chọn làm việc, ở nhà hoặc kết hợp cả hai.

Vai trò của phụ nữ trong cuộc sống, trong sự phát triển của bất kỳ xã hội nào, không chỉ là điều quan trọng mà còn cần thiết. Phụ nữ nên tin vào điều này và chính bản thân họ phải làm cho sự thay đổi ấy xảy ra.

Không có câu trả lời dễ dàng hay nhanh chóng để đạt được bình đẳng hơn, nhưng giáo dục (các cấp) sẽ mang đến sự hiểu biết, niềm tin, chấp nhận và cuối cùng là sự bình đẳng hơn giữa các giới.

Lan tỏa nhiều hơn nữa những câu chuyện tốt về phụ nữ, nhấn mạnh thành tựu nổi bật của phụ nữ sẽ giúp thay đổi nhận thức của mọi người, bởi “nếu cô ấy có thể, tôi cũng có thể”.

Nam giới cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ. Trong một sự kiện Chevening kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ, một người (nam) đã cho ý kiến: “Tại sao  đàn ông muốn tham dự sự kiện này?”. Câu trả lời rất đơn giản: Nếu muốn thay đổi nhận thức của nam giới đối với phụ nữ, hãy để họ đến, nhìn và hiểu đó là gì.

* Theo ông, có gì tương đồng và khác biệt giữa nữ nghiên cứu sinh Việt Nam và các nước? Việc kết hôn với một phụ nữ Việt Nam có phải đã khiến ông dành nhiều quan tâm hơn cho nghiên cứu sinh Việt Nam?

- Kết hôn với một phụ nữ Việt Nam giúp tôi nhanh chóng nhận ra áo dài như một “ký hiệu” của nữ nghiên cứu sinh Việt Nam trong các trang phục dân tộc tại những sự kiện. Nói được một số từ tiếng Việt cũng giúp tôi bắt chuyện rất nhanh với đại diện quê vợ và bắt đầu tình bạn.

Dù tôi xem các nghiên cứu sinh đều như nhau, không phân biệt nguồn gốc, nhưng Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của tôi và mang đậm dấu ấn trong cuộc sống hàng ngày của vợ chồng tôi. Chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho nghiên cứu sinh Việt Nam và tư vấn cho họ nhiều chủ đề, ít nhất là những nơi họ có thể mua thức ăn Việt!

Tôi vô cùng ấn tượng với chất lượng của nghiên cứu sinh Việt Nam, đặc biệt là các bạn nữ. Chương trình học bổng Chevening được thiết kế để tìm kiếm ứng viên đạt chất lượng nhất. Đối với bất kỳ ai có ước mơ, đừng từ bỏ sự cố gắng nào. Chevening mang đến sự thay đổi cho rất nhiều người, bất kể nguồn gốc.

Giao duc mang den hieu biet, niem tin va binh dang
Ông Alex Curtis (giữa) và các nghiên cứu sinh Việt Nam đoạt học bổng Chevening - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chevening không phải dành cho tầng lớp thượng lưu, mà mở ra rất nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu, kết nối. Nếu bạn đáp ứng được các tiêu chí của chương trình, bạn hoàn toàn có thể làm nên sự khác biệt cho bạn và xã hội nói chung.

Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và sẽ rất quan trọng nếu phụ nữ có cơ hội đóng góp, giúp định hướng sự thay đổi đó. Qua học bổng Chevening, bạn có thể định hình Việt Nam trong tương lai.

Tôi kêu gọi các ứng viên Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, hãy đón lấy cơ hội này qua trang web http://www.chevening.org/apply. Vợ chồng tôi chắc chắn chào đón bạn nồng ấm.

Alex Curtis thực hiện ((Đỗ Ngọc Thảo dịch)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI