Giáo dục bằng bạo lực sẽ 'gặt hái' bạo lực

26/11/2018 - 06:41

PNO - Không ít người cho rằng, bạo lực sẽ giúp họ giải quyết được vấn đề tức thì. Niềm tin này đã gây ra vô vàn thảm họa và đáng sợ hơn, nó lại xuất phát từ chính môi trường học đường.

Giao duc bang bao luc se 'gat hai' bao luc
Trải nghiệm bạo lực nặng nề ở tuổi thơ sẽ gây tổn thương đến quá trình phát triển của trẻ

Dạy dỗ hay sỉ nhục?

Vì nói tục, một học sinh ở tỉnh Quảng Bình phải nhận 231 cái tát của bạn cùng lớp. Không chỉ đau đớn về thể xác, em học sinh này còn phải chịu nỗi đau tinh thần không biết đến khi nào mới nguôi ngoai. Khi người ta được dạy rằng “bạo lực” sẽ giải quyết được ngay những nhu cầu cấp thiết giữa người và người trong điều kiện chẳng đủ thời gian để chia sẻ, thấu hiểu thì xã hội chính là nơi gánh chịu hậu quả.  

Tháng 9/2018, một khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy, có đến 50% trẻ từ 13-15 tuổi từng chứng kiến bạo lực ở trường học và phổ biến nhất là từ hình phạt của giáo viên hoặc bắt nạt lẫn nhau. Môi trường học đường lẽ ra là môi trường giáo dục thì bỗng trở thành nơi mà khi nhắc đến, nhiều học sinh còn nguyên cảm giác sợ hãi, có em phải chọn cái chết để mong giải thoát. Một trong số đó là trường hợp em nam sinh lớp Năm Navneet Prakash ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ.

Em học ở trường Saint Anthony, vì quá kinh hãi với cách “dạy dỗ” của cô giáo mà quyết định tự tử. Em để lại bức thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc độc: “Hôm nay là ngày đầu tiên con làm bài kiểm tra. Cô giáo phạt con đứng thật lâu và mắng nhiếc con thậm tệ, con đã khóc rất nhiều. Hôm qua cô cũng bắt con đứng suốt 3 tiết học. Con không tin cô nữa. Con phải chết. Con chỉ mong điều cuối cùng là cô đừng hành hạ những học sinh như cô đã làm với con”. 

Những đứa trẻ cần lắm những nơi an toàn, nhưng bạo lực không chỉ len lỏi vào trường học mà còn là cơn ác mộng chúng phải đối diện từng ngày ở khắp mọi nơi. Vài ngày trước, đoạn clip quay cảnh một ông bố người Singapore bắt con gái nhỏ quỳ gối rồi tát mạnh con trong bãi xe được phát tán trên mạng khiến nhiều người hãi hùng. Có vẻ như đứa bé đã làm gì đó khiến người bố tức giận. Thay vì dạy dỗ con gái, anh ta chọn cách làm nhục con ở nơi công cộng. Hiện cảnh sát đang tiếp nhận điều tra vụ việc.

Nhân nào quả nấy

Chuyên gia tâm thần học Dorothy Lewis ở Đại học New York tháng 8/2018 đã công bố nghiên cứu những dấu hiệu bất thường ở tuổi thơ dẫn đến hành vi giết người hàng loạt của nhiều đối tượng phạm tội. Trong đó, nổi bật nhất là yếu tố kẻ phạm tội ấy từng chứng kiến hành vi bạo lực khủng khiếp hoặc chính họ là nạn nhân. Hậu quả là họ bị trơ lì cảm xúc trong thời gian dài, ảnh hưởng đến niềm tin cuộc sống, cho rằng bạo lực là cách được chấp nhận để giải quyết vấn đề.

Nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ Adrian Raine giải thích rằng, những yếu tố sinh học và xã hội xung quanh hành vi bạo lực mà một người trải nghiệm ở tuổi thơ sẽ khiến họ căm ghét xã hội khi đến tuổi vị thành niên. Nếu không được khuyến khích và nâng đỡ, họ sẽ có những lệch lạc về niềm tin, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống về sau. Điều đáng sợ là niềm tin ấy đi vào vô thức và khi lớn lên, họ cũng không hiểu vì sao mình có khuynh hướng bạo lực.

Ở Mỹ, quốc gia có nền giáo dục phát triển, hiện vẫn còn khoảng 20 bang áp dụng hình thức trừng phạt bằng đòn roi, nhưng mỗi trường hợp sử dụng đòn roi đều phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn của roi về độ dày và dài, đánh riêng trong phòng giám thị với sự giám sát của bên thứ ba và đơn thuần chỉ là đòn roi mà không đi kèm sự nhiếc móc hay thái độ hạ nhục học sinh.

Thông thường, các bang khi áp dụng hình thức này phải được sự đồng ý của phụ huynh và chính em học sinh ấy phải cam kết chấp nhận hình phạt. Đây là hình thức kỷ luật tăng mạnh vì em học sinh đã nhiều lần tái phạm một lỗi gì đó hoặc em và gia đình chọn hình phạt này thay vì phải nghỉ học 5 ngày. Cách thức này hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận dù nó hoàn toàn nghiêng về quan niệm đánh là hình thức kỷ luật và cố gắng không để các em bị thương tổn tinh thần. 

Tuy nhiên, một khảo sát công bố vào tháng 11/2018 chỉ ra kết quả nghiên cứu với học sinh của 20 thành phố lớn ở Mỹ, nơi cho phép dùng đòn roi với học sinh, theo đó, những em bị đánh đòn ở trường có khuynh hướng hung hăng hơn những đứa 
trẻ khác. 

Thiên Như (theo listverse, Straits Times, APP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI