Giáo dục '3 không': Không 'nhân bản' học sinh, không kiểm tra, không chạy theo thành tích

17/07/2019 - 07:55

PNO - Giáo dục phổ thông Phần Lan được mệnh danh là nền giáo dục số một thế giới với triết lý giáo dục nhân bản, cấp tiến và hiệu quả. Họ quan niệm học sinh phải được học trong hạnh phúc, không áp lực, căng thẳng. ..

Bà Seija Elina Nyholm, Tổng hiệu trưởng Trường phổ thông quốc tế Việt Nam - Phần Lan, đã có những chia sẻ xung quanh những điều làm nên nền giáo dục mà đến nước Mỹ cũng phải mơ ước.

* Phóng viên: Bà đánh giá đâu là điểm nổi bật trong giáo dục phổ thông của Phần Lan? 

- Bà Seija Elina Nyholm: Tôi nghĩ điều khiến chúng tôi khác biệt với nhiều hệ thống giáo dục khác là việc mỗi học sinh (HS) đều có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục cơ bản (lớp Một - Chín) như nhau. Là quốc gia với dân số chỉ có 5,6 triệu người, chúng tôi nghĩ mọi người dân cần được giáo dục tốt, người nghèo cũng như người giàu, trẻ em ở thành phố cũng như ở thôn quê. Tài nguyên quý giá nhất của chúng tôi là con người và chúng tôi không muốn lãng phí tài nguyên ấy.

Hệ thống giáo dục của Phần Lan không thật sự hoàn hảo, nhưng chúng tôi làm việc chăm chỉ, nghiêm túc để phát triển chương trình giảng dạy dựa trên những nghiên cứu khoa học mới nhất. Giáo viên là những chuyên gia có trình độ cao với bằng thạc sĩ giáo dục.

Chính phủ Phần Lan cũng cố gắng đảm bảo các nguồn tài nguyên được phân bổ đều giữa các trường học trên toàn quốc. Không giống như các quốc gia khác, chúng tôi không có khái niệm trường tư - trường công. 99% trường học Phần Lan được tài trợ từ ngân sách công, do đó hầu hết trẻ em đều học ở trường địa phương gần nhất với chúng. 

Bên cạnh đó, có nhiều hỗ trợ cho HS học lực yếu hơn. Sự hỗ trợ có thể đến từ bên trong trường (nhu cầu giảng dạy đặc biệt, ngôn ngữ, đội ngũ tư vấn viên chuyên biệt về sức khỏe, tâm lý…) hoặc từ bên ngoài nhà trường (ngôn ngữ trị liệu, dịch vụ gia đình, dịch vụ y tế). 

Giao duc '3 khong':  Khong 'nhan ban' hoc sinh, khong kiem tra, khong chay theo thanh tich

Bà Seija Elina Nyholm, Tổng hiệu trưởng Trường phổ thông quốc tế Việt Nam - Phần Lan và các học sinh

* Điều đó có làm HS chểnh mảng việc học? 

- Có rất nhiều điều có thể làm phân tâm sự học của HS trong thế giới hiện đại. Vì vậy, cách của Phần Lan là giúp người học phát triển động lực học tập từ bên trong thông qua việc khám phá niềm vui học tập. Trẻ em luôn tò mò về thế giới xung quanh. Theo đó, chương trình giảng dạy không nằm ngoài mục đích khai thác đặc tính tự nhiên đó của trẻ trong các hoạt động vui chơi, học hỏi, hợp tác và giao tiếp để học các kỹ năng, kiến thức mà chúng sẽ cần khi trưởng thành.

Đi học là một quyền lợi, không phải là nghĩa vụ và hầu hết trẻ em đều thích khám phá những điều mới khi đến trường. Các hệ thống giáo dục vận dụng áp lực, cạnh tranh và sự trừng phạt sẽ giết chết niềm vui học tập của HS. Khi ấy, trường học sẽ trở thành nghĩa vụ và HS chẳng khác gì robot, không thể tự suy nghĩ mà chỉ chờ lệnh tiếp theo.

Chúng tôi cần những người sáng tạo, đổi mới và sẵn sàng hợp tác với người khác để cùng tạo ra kiến thức mới. Cạnh tranh cũng rất quan trọng, nhưng đó không phải là lý do duy nhất để học.

* Mỗi năm chỉ học 180 ngày, không có kỳ thi nào, vậy các trường sẽ đánh giá HS như thế nào?

- Có một câu chuyện khá hoang đường cho rằng không có bài kiểm tra ở Phần Lan. Thật ra, chúng tôi cũng có nhiều bài kiểm tra đó chứ. Nhưng kiểm tra không phải là phương pháp duy nhất để đánh giá HS. Giáo viên liên tục đánh giá HS của mình bằng nhiều phương thức (thuyết trình, bình luận sách, tiểu luận, thí nghiệm, tham gia lớp học, làm video, biểu diễn…). Từ đó, giáo viên có thể hiểu nhiều hơn về HS. 

Học sinh cũng được yêu cầu đánh giá các bạn cùng lớp và chính bản thân chúng. Điều này giúp các em có được sự hiểu biết tốt hơn về quá trình học tập của mình. Sử dụng nhiều phương pháp sẽ đánh giá chính xác hơn về khả năng của HS.

Chúng tôi không có các bài kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc gia mà HS phải thực hiện mỗi năm như ở các nước. Bài kiểm tra tiêu chuẩn quốc gia duy nhất mà chúng tôi thực hiện có chăng là bài thi vào các trường đại học, cao đẳng cuối năm lớp 12 của HS.

Giao duc '3 khong':  Khong 'nhan ban' hoc sinh, khong kiem tra, khong chay theo thanh tich
 

Trường học giúp học sinh phát triển động lực học tập từ bên trong thông qua việc khám phá niềm vui học tập.

* Một số nền giáo dục có quan niệm không đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau. Quan niệm này được thực hiện như thế nào khi mà thực tế mỗi cá thể có năng lực, sở thích, thế mạnh… khác nhau? 

- Khái niệm bình đẳng trong giáo dục Phần Lan không có nghĩa là mọi người đều phải học những điều giống nhau và nhận được kết quả như nhau. Giáo dục giúp HS khám phá lĩnh vực họ thật sự giỏi. Một số HS thích con số, một số khác thích con chữ, ca hát, vẽ, tin học, chạy bộ, xây dựng, làm việc trong nhà, làm việc ngoài trời...

Mỗi HS đầu tiên cần biết những điều cơ bản của tất cả điều tôi vừa đề cập, sau đó công việc của nhà trường là giúp HS tìm ra những gì HS giỏi và thích làm. Bước tiếp theo là phát triển tài năng và kỹ năng của mỗi HS thành một công việc và một sở thích mà các em có thể theo đuổi khi lớn lên. 

* Nhiều trường tiểu học ở Israel dạy học mà không có giới hạn giữa các môn học. Kinh nghiệm dạy liên môn ở Phần Lan được áp dụng như thế nào, thưa bà? 

- Ở Phần Lan vẫn có các môn học và tôi nghĩ rằng việc loại bỏ hoàn toàn các môn học là vô lý. Giáo viên lớp (lớp Một - Sáu) được đào tạo để dạy tất cả các môn học, trong khi giáo viên bộ môn (chủ yếu lớp Bảy - 12) chuyên về một số môn học cụ thể. T

uy nhiên, các nhà giáo dục từ lâu đã nhận ra sự cần thiết phải giúp HS nhìn thấy sự kết nối của kiến thức với thế giới. Vì vậy, chương trình giảng dạy có các mô-đun học tập liên môn, HS nghiên cứu một hiện tượng cụ thể. 

Ví dụ, nếu chủ đề là “chuyến bay” thì cách tiếp cận thông qua các môn học như sau: môn sinh học nghiên cứu các ví dụ về loài chim (bay và không bay); môn vật lý nghiên cứu khí động học của chuyến bay; môn tiếng Anh là đọc những bài thơ, truyện ngắn hoặc cuốn tiểu thuyết về chủ đề bay; môn âm nhạc, học và biểu diễn một bài hát về chủ đề bay; môn lịch sử nghiên cứu cách con người phát minh ra máy bay; môn toán học nghiên cứu hệ thống giá cả hàng không; môn nghệ thuật, làm biểu tượng hoạt hình đất sét liên quan đến bay; môn công nghệ, chế tạo một cỗ máy có thể bay. 

Những mô-đun liên môn này có thể diễn ra trong một tuần hoặc dài, ngắn hơn tùy chủ đề. Thành công của phương pháp học liên môn là giúp HS học được rất nhiều những gì HS không biết trước nên sẽ được thỏa sức sáng tạo và khám phá.

Xin cảm ơn bà.

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI