Gian nan công tác chống hàng giả và gian lận thương mại

16/04/2021 - 06:29

PNO - Tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề gây bức xúc dư luận. Bởi, nó tác động tiêu cực đến đời sống người dân, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Thế nhưng, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện xu hướng mới, tinh vi và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

575 vụ vi phạm bị xử lý

Riêng tại TPHCM, hồi đầu tháng Tư, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021. Ngày 15/4, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TPHCM (Ban chỉ đạo 389 TPHCM), bà Phan Thị Thắng tiếp tục khẳng định vấn đề đấu tranh với loại tội phạm này là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các đơn vị liên quan trong ban chỉ đạo.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại các chợ trên địa bàn TP.HCM - Ảnh tư liệu
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại các chợ trên địa bàn TPHCM - Ảnh tư liệu

Chỉ trong quý I/2021, lực lượng quản lý thị trường tại TPHCM đã kiểm tra hơn 14.900 vụ cả chuyên ngành lẫn liên ngành (tăng 9.609 vụ so với cùng kỳ năm ngoái) và phát hiện 575 vụ vi phạm. Các hành vi nhập lậu, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn chiếm đa số. Tổng số tiền xử lý vi phạm nộp ngân sách hơn 17 tỷ đồng, gồm tiền phạt hành chính, tiền bán hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp. Các lực lượng đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 5 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu chờ bán còn khoảng 77,4 tỷ đồng. Có 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn tiền phạt chưa thi hành với số tiền hơn 680 triệu đồng.

Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, đánh giá, công tác quản lý được các đội bám sát địa bàn, bám sát nội dung, đối tượng, mặt hàng trọng điểm theo kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại trước, trong và sau tết Nguyên đán vừa qua. Đồng thời, các phòng chuyên môn, đội quản lý thị trường địa bàn phối hợp thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021. 

Khó ngăn chặn nếu hàng lậu vào thị trường nội địa

Theo Quỹ chống hàng giả (ACF), các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó cơ quan chức năng. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm thời gian qua gồm: thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, vật liệu xây dựng; các mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện; mặt hàng tiêu dùng, thời trang...

Các mặt hàng thời trang thường gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu
Các mặt hàng thời trang thường gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu

Vi phạm chủ yếu là gian lận về xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu. Hòng trốn tránh kiểm tra, kiểm soát, đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối…

ACF cho biết, buôn lậu, gian lận thương mại không được ngăn chặn hiệu quả thì khi vào thị trường nội địa, các loại hàng hóa này lập tức được hợp thức hóa bằng rất nhiều phương thức, phân phối thông qua các kênh tiêu thụ đa dạng, linh hoạt. Khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm rất khó khăn. Về giả mạo xuất xứ, hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là không thể, đặc biệt, đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở...

Một khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, khiến việc phát hiện vô cùng khó. Với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể rõ ràng chẳng hạn như nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật… thì lại càng khó khăn.

Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì lực lượng chức năng khó có thể xác định vi phạm.

Theo ACF, chẳng hạn việc phân biệt giữa nông sản nhập khẩu và nông sản trong nước gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, việc mua bán nông sản, đặc biệt là các loại quả không chỉ được thực hiện tại các chợ, siêu thị, cửa hàng mà còn ở các chợ cóc, gánh hàng rong, xe ô tô dừng dọc đường hoặc xe thồ di chuyển trên đường, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Đôi khi chỉ phân biệt được qua cảm quan, kinh nghiệm, nhưng để xác định vi phạm thì phải có chứng cứ rõ ràng. Hoặc nếu giám định để xác định vi phạm, lại phải có chỉ tiêu phân biệt thì kết quả giám định đó mới được dùng để xác định vi phạm. Điều này rất khó thực hiện trong thực tế. 

 

Cuối tháng 3/2021, UBND TPHCM có công văn đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo 389 TPHCM và UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chính quyền thành phố yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nguồn gốc, giấy phép, sở hữu trí tuệ, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại… đối với hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố được chỉ đạo công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuận lợi trong việc thực hiện và kiểm tra, kiểm soát.

 

Quốc Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI