Gia đình chồng giữ truyền thống cúng tết với đầy đủ lễ nghĩa, nghi thức

23/01/2023 - 11:17

PNO - Trải qua hàng ngàn năm người ta sẽ cô đặc những tập tục lễ nghi, bỏ bớt những rườm rà, nhưng vẫn luôn tôn trọng, giữ gìn những giá trị tinh thần.

Chị Hạnh Dung thân mến, 

năm em về làm dâu nhà chồng là 3 năm em hãi hùng Tết. Gia đình anh vốn giữ truyền thống, lễ nghĩa rất kỹ lưỡng. Ba ngày Tết, kể từ sau khi cúng rước ông bà về là phải cúng đủ ngày ba bữa, trong đó có một bữa phải nấu xong bưng nguyên mâm cỗ lên trên nghĩa trang.

Ngày nào cũng thế, và cỗ cúng phải khác nhau chứ không phải cứ múc thịt kho, khổ qua là xong như nhà mẹ em thường làm. Cho nên ba ngày Tết là ba ngày em quần quật, chỉ biết có nấu ăn, bếp núc - chuyện mà trước kia em chỉ đọc thấy trên báo.

Kể chuyện với gia đình hay bạn bè em, ai cũng bảo em là phài thay đổi cái nề nếp đó của nhà chồng, phải thoát ra, phải này phải kia. Nhưng em không biết làm cách nào. 

Năm nay, em quyết định nói với chồng là em muốn thay đổi. Rằng em nghĩ gia đình nên lấy một, hai ngày quan trọng, thí dụ bữa cúng tất niên, rước ông bà về, cúng Giao thừa. Rồi xong những ngày còn lại nên đi du lịch, đi chơi xuân. Chứ cứ cắm đầu vào nấu ăn thế này, em thấy sợ Tết.

Chồng em vừa nghe nói thế đã hỏi em: Thế rước ông bà về rồi để ông bà đói suốt ba ngày Tết à? Em nghe câu đó, ấm ức quá nên cũng cãi lại vài câu. Ý em là chuyện cúng kiếng chỉ lòng thành là chủ yếu, chứ ông bà đâu có ăn thật đâu mà phải nặng nề làm khổ con cháu quá vậy? Chỉ có thế mà chồng em cũng giận, bảo em muốn đi đâu thì đi, đi luôn cũng được.

Thiệt tình là em muốn khăn gói đi khỏi nhà từ hôm qua. Nhưng ai cũng cản em, kể cả những người khuyên em "làm cách mạng". Thành ra bây giờ em cũng không biết mình đúng hay sai nữa chị?

Hoàng Ly

Em Hoàng Ly thân mến,

Dù sao thì, câu đầu tiên chị muốn "an ủi" em là hôm nay đã mùng 2, cũng chỉ còn cúng hôm nay và một bữa đưa ông bà ngày mai nữa là những mệt nhọc của em cũng qua, và em sẽ có đến 362 ngày trước mắt để "suy tính" một kế hoạch "làm cách mạng" cho những ngày Tết về sau của mình. 

Lời đầu tiên, chị muốn an ủi em rằng, em không phải thế hệ đầu tiên muốn làm "cách mạng" cho những nề nếp, phong tục có vẻ như ràng buộc, làm giảm tự do của những người trẻ. Trước em, chắc là đã có những cuộc cách mạng nho nhỏ, và sau em chắc rồi cũng thế.

Nhưng vì sao nghìn nghìn đời rồi, qua bao nhiêu thế hệ, những phong tục tập quán ấy vẫn còn được giữ gìn, thì chắc cũng có những lý do của nó.

Hạnh Dung có thể kể một câu chuyện thật của mình hay không? Đó là ngày trước, khi còn là một cô gái trẻ, Hạnh Dung đã du học nước ngoài. Khi đó, Hạnh Dung có biết gì về phong tục tập quán truyền thống đâu. Ở nhà có chăng chỉ thấy những gì bà, mẹ làm mà chưa để ý kỹ.

Rồi đến ngày đi ra nước ngoài, đêm Giao thừa đầu tiên cũng chẳng quan tâm gì, bỏ đi chơi ở nhà bạn. Đến gần giờ Giao thừa, mới chợt thấy thiếu vắng đến kinh khủng một điều gì đó: sự ấm áp của mâm cỗ cúng tổ tiên, không khí gia đình thân thương...

Thế là bỏ cỗ bàn của bạn bè, chị vội vã trở về căn phòng sinh viên của mình, lục tủ tìm vài miếng măng, nấu bát canh, kho nồi thịt, đơm đĩa táo và đặt bàn cúng đơn sơ trong căn phòng sinh viên.

Và kỳ lạ là khi đó, chị đã tự động làm những điều mà chưa được ai chỉ dạy cụ thể, chỉ vô tình thấy bà thấy mẹ làm, mà giờ ký ức sống động đó dẫn dắt mình làm theo một cách thành kính, trân trọng, yêu thương.

Cái giờ phút ngồi một mình trước mâm cỗ cúng nho nhỏ, cảm thấy khói nhang quấn quýt kia cho mình cảm giác được gần với gia đình, người thân; thầm chúc gia đình, ông bà, cha mẹ một năm mới an khang, hạnh phúc; và có một nơi gởi gắm lời cầu ước những điều tốt đẹp của riêng mình - nó thiêng liêng vô cùng.

Từ đó về sau, suốt quãng đời sinh viên xa xứ, xa nhà, chị luôn làm cơm cúng ông bà chiều 30. Trong căn phòng sinh viên có một góc nho nhỏ thắp nhang cho ngày rằm, cho những lúc mình chao đảo, buồn phiền một mình nơi đất khách. Những tập quán, phong tục đó trở nên vô cùng thiêng liêng mà mình tự làm theo, như là được chỉ dạy, dẫn dắt một cách tự nhiên.

Kể với em câu chuyện này, Hạnh Dung chỉ muốn nói với em một điều, có những hồn cốt linh thiêng của phong tục tập quán không phải tự nhiên mà được truyền, được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Giá trị văn hóa, giá trị tâm linh của chúng vô cùng thiêng liêng và thật sự có ích cho đời sống con người.

Chỉ có điều, trải qua hàng ngàn năm và để thích nghi hơn với đời sống hiện đại, người ta sẽ cô đặc những tập tục lễ nghi đó hơn, bỏ bớt những rườm rà, cầu kỳ, không phù hợp, nhưng luôn ở tinh thần: tôn trọng, giữ gìn và yêu kính những giá trị tinh thần của chúng.

Đó chính là điều chị mong muốn em nhận ra, để có thể có được những cách thuyết phục chồng thông cảm. Những gì tốt đẹp nhất nên giữ gìn, những gì quá rườm rà, làm khó đời sống hiện đại hôm nay, thì nên bỏ bớt trên tinh thần tôn trọng, giữ gìn những điều tốt đẹp mang ý nghĩa tinh thần. Có thể lúc bình thường ta không cảm nhận được, nhưng vào những khi khó khăn, đó chính là chỗ dựa, mang đến cho ta sức mạnh tinh thần, em ạ.

Hạnh Dung cũng từng thấy nhiều gia đình rất truyền thống, thậm chí từng bị gọi là "cổ hủ" nặng nề. Thế nhưng khi có những bàn bạc thuyết phục hợp tình, hợp lý, thì họ có những thay đổi rất linh hoạt để vừa giữ được hồn cốt văn hóa dân tộc, nếp nhà tốt đẹp... để con cháu được nhẹ nhàng, thảnh thơi hơn.

Hạnh Dung mong em hiểu được điều Hạnh Dung muốn gửi gắm trong lời khuyên của mình, để có thể có những cách thuyết phục chồng và gia đình hợp lý hơn, cũng như để chính mình cảm thấy được khía cạnh khác vô cùng tốt đẹp của công việc một nữ chủ nhân: giữ gìn truyền thống, nếp nhà cho cả những thế hệ mai sau!

Chúc em một năm mới an lành!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI