Mâm cúng tết giản tiện dành cho gia đình hiện đại

04/02/2019 - 06:00

PNO - Làm sao để có một mâm cúng tết giản tiện nhất trong ngày năm mới nhưng vẫn đầy đủ để tỏ lòng thanh kính với ông bà tổ tiên là chủ đề được nhiều gia đình hiện đại quan tâm.

Mâm cúng Giao thừa 

Lễ giao thừa trong dân gian có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân” tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới. Đây chính là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no.

Mâm cỗ cúng đêm giao thừa gồm có: Hương, đăng, trà, nước. Đăng là 2 cây đèn hoặc 2 cây nến để tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Nước phải là nước trong, nước sạch hoặc có thể dùng một chút rượu. 

Mam cung tet gian tien danh cho gia dinh hien dai
 

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, người ta vẫn dùng gà trống để cúng. Thêm vào đó, có thể đặt vào mâm lễ những sản vật khác như xôi, bánh chưng, bánh kẹo, mứt, hoa tươi… Ngoài ra, lễ vật có ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét - miền Nam), bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết.

Cỗ mặn gồm: Bánh chưng, giò - chả, xôi gấc, thịt gà, xôi đậu xanh, các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Cỗ ngọt và chay gồm: hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt, rượu/bia và các loại đồ uống khác.

Mam cung tet gian tien danh cho gia dinh hien dai
 

Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên là đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn để mong một năm mới an khang và gặp nhiều may mắn. 

Mâm cúng mùng Một tết 

Trong buổi sáng đầu tiên của năm mới, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng đủ đầy để dâng lên gia tiên, với tất cả lòng thành kính, cầu mong một năm mới bình an, may mắn. 

Mâm cơm đầu tiên của năm mới không thể thiếu đĩa thịt gà trống thiến, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, xôi, nem rán, thịt đông, bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Ở miền Bắc, mâm cơm cúng không thể thiếu đĩa dưa, hành.

Trên bàn thờ ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục, cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí tết thêm đầm ấm, sum vầy.

Mam cung tet gian tien danh cho gia dinh hien dai
 

Thông thường, gà được làm từ chiều 30 tết vì người Việt có tục kiêng sát sinh vào ngày đầu năm.

Sau khi mâm cỗ đã được sửa soạn tươm tất, chủ nhà bưng lên bàn thờ, tiếp theo lần lượt những người trong nhà ra trước bàn thờ vái lậy để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Người lớn tuổi nhất trong nhà sẽ đọc văn khấn để mời gia tiên dùng bữa và chứng giám cho lòng thành của con cháu.

Mâm cúng mùng Hai tết

Về cơ bản mâm cỗ mùng 2 tết không khác so với mâm cỗ cúng ngày mùng Một đầu năm, tuy nhiên, bạn có thể thêm vào một vài món ăn mới để mâm cỗ thêm ngon và hấp dẫn.

Mam cung tet gian tien danh cho gia dinh hien dai
 

Gà luộc, đây là món ăn thường không thiếu vắng trong mâm cỗ ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Bánh chưng, bánh thường được các gia đình nấu vào giáp tết như từ 27 cho đến 30 âm lịch hàng năm. Canh rau củ thập cẩm, xôi hai màu, chả trứng ngũ sắc.

Khi cúng tất cả thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.

Mâm cúng mùng Ba tết – Mâm cúng hóa vàng

Người xưa quan niệm, mâm cỗ cúng hóa vàng được coi là một phần nghi lễ rất quan trọng trong phong tục tập quán của người Việt Nam. Ngày 30 tết Nguyên đán, con cháu sẽ làm lễ cúng mời tổ tiên về dự 3 ngày tết. Do vậy, đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như hoa quả, mâm ngũ quả và bánh kẹo phải đợi đến “ngày hóa vàng” mới được hạ xuống.

Mam cung tet gian tien danh cho gia dinh hien dai
 

Trong mâm cơm hóa vàng, con gà cúng phải là gà trống to, tròn, chắc nịch, có đôi chân đẹp và được bày biện cẩn thận. Đây là vật tế trong nghi lễ truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ hóa vàng. Tiếp đó là bánh chưng, tượng trưng cho sự vuông tròn của trời đất. Đi kèm với bánh chưng là dưa hành.

Ngoài ra, các bà nội trợ mỗi gia đình có thể làm thêm các món nem, nộm, cuốn như phở cuốn, nộm gà xé phay, nộm hải sản… Các món này có tính thanh mát, dễ ăn, điều hòa lại lượng đạm từ thịt mỡ, bánh chưng. 

Đến mùng Bốn tết, mâm cỗ tương tự mùng Hai tết

Mâm cúng bao gồm gà luộc, đây là món ăn thường không thiếu vắng trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Bánh chưng, canh rau củ thập cẩm, xôi hai màu, chả trứng ngũ sắc… 

Khi cúng tất cả thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong nhà mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt. Như vậy, mâm cúng 4 ngày tết cũng gần giống nhau giúp các bà nội trợ không khó để chuẩn bị. 

Mâm cơm đầu năm mới thể hiện tất cả mong ước của gia chủ về một năm mới an lành, ấm no, thành công và hạnh phúc. Mâm cơm này trước để cúng thần linh, ông bà tổ tiên để xin lộc may mắn đầu năm.

Hết tuần hương, mâm cơm được dọn cho cả nhà cùng ăn, với ý nghĩa hưởng lộc của thần linh, tổ tiên phù hộ, cả năm không ốm đau, làm ăn phát đạt, gia đình thuận hoà, tránh mọi tai ương. Với những hướng dẫn ở trên, Tết này nhiều gia đình đã có thể chuẩn bị những mâm cúng giản tiện nhưng vẫn đủ lòng thành để dâng lên tổ tiên và thần linh. 

Trần Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI