Giả chữ ký bác sĩ cấp gần 20.000 giấy nghỉ bệnh cho công nhân

10/06/2022 - 07:25

PNO - Trung bình mỗi ngày, Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm (Đồng Nai) cấp từ 100-200 giấy nghỉ bệnh giả chữ ký của bác sĩ.

“Giả chữ ký để tiết kiệm chi phí”

Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai vừa tiến hành mở niêm phong để kiểm kê số lượng giấy nghỉ bệnh giả chữ ký của bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm (xã Long Phước, H.Long Thành). Quá trình mở niêm phong và kiểm kê có sự chứng kiến của ông Phan Hồ Hoàng Ph. - Giám đốc Phòng khám Y Thánh Tâm và ông Lương Anh B. - Phó giám đốc phòng khám.

Ông Ph. (x), Giám đốc Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm, đang giải trình với cơ quan chức năng về sai phạm của phòng khám
Ông Ph. (áo cam), Giám đốc Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm, đang giải trình với cơ quan chức năng về sai phạm của phòng khám

Qua kiểm kê, xác định số giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) do Phòng khám Y Thánh Tâm cấp từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022 lên đến hơn 19.370 tờ. Trung bình mỗi ngày, phòng khám này cấp từ 100-200 tờ. Tại buổi làm việc với Thanh tra Sở Y tế, ông Ph. đã thừa nhận làm giả chữ ký của bác sĩ để cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho công nhân.

Hơn một tháng trước, vào cuối tháng 4/2022, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm sau khi nghi vấn phòng khám này cấp giấy nghỉ bệnh sai quy định. Tại thời điểm kiểm tra, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám là bác sĩ Hoàng Thị L.P. vắng mặt, không có giấy ủy quyền cho người khác theo quy định. Thanh tra Sở Y tế buộc phải thu giữ và niêm phong nhiều hồ sơ, giấy chứng nhận nghỉ việc do phòng khám này thực hiện.  

Bác sĩ Dương Hồng Danh, Chánh Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai, cho biết ông Ph. Giám đốc Phòng khám Y Thánh Tâm thực hiện khám bệnh và cấp giấy nghỉ việc để người cấp được hưởng BHXH không đúng quy định và không đúng thẩm quyền. “Vụ việc này sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật sau khi hoàn tất hồ sơ về vi phạm của phòng khám” - bác sĩ Danh thông tin.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nhiều năm đi làm tại cơ sở y tế công lập tại Đồng Nai với bằng y sĩ đa khoa, khoảng giữa năm 2021 ông Phan Hồ Hoàng Ph. cùng Lương Anh B. góp vốn mở Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm. Để phòng khám được phép hoạt động, ông Ph. với tư cách là Giám đốc phòng khám đã ký hợp đồng làm việc với nhiều bác sĩ với tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các bác sĩ này không cần có mặt tại phòng khám nhưng vẫn có chữ ký, dấu mộc trên các giấy khám bệnh. Cách thức mà ông Ph. thực hiện là cho nhân viên giả chữ ký của các bác sĩ mà phòng khám đã ký hợp đồng để cấp hàng loạt giấy nghỉ bệnh cho công nhân. Từ đó, công nhân nghỉ việc mà vẫn hưởng lương do cơ quan BHXH chi trả.

Trong năm 2021, thời điểm cách ly xã hội do dịch COVID-19, phòng khám Y Thánh Tâm thực hiện khám bệnh online và cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho 5-10 người/ngày. Sau đó, người nhà bệnh nhân sẽ đến lấy giấy nghỉ bệnh. Nếu bệnh nhân xin nghỉ một ngày và không lấy thuốc, phòng khám sẽ thu 30.000 đồng, còn nghỉ từ hai ngày trở lên thì lấy 60.000 đồng. 

“Nếu bác sĩ đi làm trực tiếp tại phòng khám, ký trực tiếp trên các giấy nghỉ bệnh thì mỗi tháng chúng tôi phải chi trả tiền lương nhiều hơn nữa. Trung bình mỗi bác sĩ đi làm trực tiếp tại phòng khám, tôi phải trả hơn 1 triệu đồng/ngày. Như vậy, mỗi bác sĩ sẽ đội lên hơn 30 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản khác. Trong khi đó phòng khám chưa được ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên phải làm giả chữ ký để tiết kiệm cho phí hoạt động” - ông Ph. thừa nhận khi làm việc với cơ quan chức năng.

Mua bán giấy nghỉ bệnh để trục lợi

Lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho biết, thời gian qua, có một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phản ánh về việc người lao động của công ty được một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp giấy nghỉ việc để hưởng BHXH nhằm hợp thức hóa ngày nghỉ. Hành vi này làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp. 

Sở Y tế Đồng Nai cũng đã vào cuộc xác minh nhiều vụ làm giả giấy nghỉ bệnh. Có trường hợp, trên hồ sơ của các đối tượng còn có dấu mộc của bệnh viện và tên bác sĩ của bệnh viện công nhưng qua kiểm tra xác nhận tất cả đều bị làm giả.

Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai cho biết thêm, đơn vị này đã nhiều lần phát hiện và xử lý các vụ liên quan đến việc lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế bằng hình thức mua bán giấy nghỉ bệnh để hưởng BHXH.

Theo bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai, sở này đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh khi thực hiện cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH phải đúng quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế. Đồng thời, cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy nghỉ bệnh để hưởng BHXH cho công nhân theo đúng quy định. Việc này nhằm tránh tình trạng công nhân không có bệnh nhưng được cấp giấy nghỉ bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp cũng như quỹ BHXH.

Đại diện BHXH Đồng Nai cho biết, hiện tượng làm giấy nghỉ bệnh giả để lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, BHXH trên địa bàn Đồng Nai diễn ra khá nhiều. Trong nhiều cuộc họp giao ban các khu công nghiệp, nhiều công ty phản ánh, người lao động đột ngột thông báo nghỉ bệnh để không tham gia dây chuyền sản xuất. Sau đó, họ đối phó bằng cách làm giấy nghỉ bệnh “khống” để được hưởng chế độ BHXH dù không bị bệnh thật. 

“Doanh nghiệp mất đi người làm, giờ lao động, còn quỹ bảo hiểm mất tiền thanh toán ngày nghỉ bệnh. Điều này làm thiệt hại cho cả doanh nghiệp và cho cả quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Còn đối với người lao động, không ít trường hợp phải rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi cơ quan BHXH phát hiện họ làm giả giấy nghỉ bệnh. Khi đó, công nhân không những không được lãnh tiền BHXH mà còn đối mặt với kỷ luật, thậm chí còn bị công ty sa thải”, đại diện BHXH Đồng Nai khuyến cáo. 

Có thể bị xử phạt đến 10 năm tù

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình), hành vi giả chữ ký bác sĩ để cấp giấy nghỉ bệnh cho hàng loạt công nhân của Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm là vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 214 Bộ luật Hình sự 2014, sửa đổi, bổ sung 2015 quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Khung hình phạt cao nhất cho hành vi này là bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp hành vi chưa tới mức xử lý hình sự thì sẽ bị phạt hành chính theo quy định Nghị định 28/2020.

Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, cơ quan bảo hiểm có quyền khởi kiện về mặt dân sự hoặc tố giác hình sự và yêu cầu bồi thường dân sự trong vụ án hình sự đối với những thiệt hại mà cơ quan này gánh chịu do hành vi vi phạm pháp luật của Phòng khám Đa khoa Y Thánh Tâm. Về phía các doanh nghiệp có công nhân được phòng khám này cấp giấy nghỉ ốm, nếu chứng minh được mình bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của phòng khám cũng có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường.

“Trong vụ việc trên, tôi cho rằng các doanh nghiệp bị thiệt hại nên khởi kiện và tố giác phòng khám và cả người lao động vi phạm đến cơ quan chức năng. Đây là hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước, cho doanh nghiệp, có sự tiếp tay của phòng khám, các cá nhân làm việc ở phòng khám. Điều khiến dư luận dễ bức xúc là hành vi này diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 và kéo dài đến nay.

Tôi cho rằng, cần xử lý nghiêm minh hành vi nêu trên để tạo tính răn đe, đồng thời kết hợp biện pháp tuyên truyền pháp luật đến người dân, công nhân, lao động để họ hiểu các quy định pháp luật. Cơ quan chức năng cũng cần tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định nhằm bảo đảm tính răn đe”, luật sư Hùng phân tích thêm.

 Sơn Vinh 

Gia Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI