Gần tết, lại nhộn nhịp mua bán thú rừng

26/12/2022 - 07:16

PNO - Gần tết, nhiều đối tượng tìm cách săn bắt và bán thịt thú rừng. Trên các “chợ mạng”, lời rao mua, bán thịt các loài động vật hoang dã cũng nhộn nhịp hơn ngày thường. Nhiều loại bẫy thú cũng được chào bán trên mạng.

Gom hàng, cấp đông số lượng lớn

Tuần trước, Công an huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam phát hiện 2 phụ nữ sống ở thị trấn Khâm Đức và xã Phước Xuân thu mua, tàng trữ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) với số lượng lớn, gồm 21 con chồn, 5 con sóc, 6 con nhím, 6 con thỏ. Tất cả đều được ngụy trang, cất giấu trong các tủ đông để bán lại cho các quán nhậu dịp tết Quý Mão 2023.

Trên các “chợ mạng”, việc rao bán, mua các loài hoang dã để dự trữ, dùng trong dịp tết cũng đang nhộn nhịp. Đ.N. - sống bằng nghề đi rừng ở tỉnh Bắc Kạn - đang có chục con chồn bạc má trữ trong tủ đông, muốn bán cho khách sống ở Bắc Kạn hoặc Thái Nguyên. Đ. cho biết, số chồn này đã được để dành 2-3 tháng nay bởi càng cận tết, giá sẽ càng cao hơn, còn giá ngày thường là từ 420.000-450.000 đồng/kg.

Hình ảnh mật gấu, túi mật gấu được đăng tải lên trang Facebook để quảng cáo, rao bán trái phép
Hình ảnh mật gấu, túi mật gấu được đăng tải lên trang Facebook để quảng cáo, rao bán trái phép

Trên mạng xã hội Facebook, T.M.H. giới thiệu mình ở tỉnh Bình Thuận, đang có nhím đá (don), sóc Côn Đảo, cheo cheo, tất cả đều là hàng đông lạnh. H. khuyên khách mua “nên trữ hàng ngay, chần chừ là mấy bữa nữa khó kiếm vì khách lẻ, khách sỉ đều đang liên hệ mua với số lượng lớn”. Theo H., khách chỉ cần báo loài ĐVHD muốn mua và số lượng, anh ta sẽ đáp ứng. H. cũng nói mình chỉ có hàng đông lạnh, bởi hàng tươi sống không nhiều, có tới đâu là khách quen mua hết tới đó.

Ngoài chồn, cheo cheo, don, nhím, thỏ rừng, nhiều loài ĐVHD khác như chim, rắn cũng được các đối tượng cấp đông, chờ bán dịp tết. Từ cuối tháng Mười một, T.Đ.R. (TPHCM) đã rao bán rượu ngâm các loài ĐVHD như rắn hổ mang, tắc kè, bò cạp, rết, giá 500.000-1 triệu đồng/bình. Thậm chí, R. còn giới thiệu 1 bình rượu ngâm con nai nhỏ. 

T.D.D. (TP Hà Nội) cho biết, cuối năm, nhiều người chọn các món chế biến từ chim để đổi khẩu vị. Hiện đang là mùa chim di cư, nên anh ta gom được khá nhiều hàng, gồm chim sẻ, cu gáy, sâm cầm.

Gần tết, trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều trang Facebook rao bán các loại bẫy thú rừng kèm theo số điện thoại để giao hàng số lượng lớn. Người bán còn quay các clip hướng dẫn cách bẫy thú rừng.

Đủ chiêu để né kiểm duyệt, theo dõi

Việc chuyển không gian hoạt động lên các “chợ mạng” diễn ra mạnh trong 3 năm gần đây. Để né sự kiểm duyệt của các nền tảng mạng và sự theo dõi của cơ quan chức năng, các đối tượng buôn bán, tàng trữ, tiêu thụ các loài ĐVHD liên tục đổi tên nhóm hoặc chuyển sang chế độ riêng tư. Các từ ngữ, hình ảnh cũng được biến đổi, như “bán 7,5kg tê tê” được viết thành “banh 7,5kg”; dùng từ “sút” thay cho “bán”, “cần bảo tồn” thay cho “mua” hoặc viết “bán”, “mua” dưới dạng ký tự lạ. Khi có người hỏi “banh” là hổ mang hay tê tê, người bán cũng trả lời tắt là “tt”.

Nhiều trang mạng công khai rao bán bẫy chim, thú rừng
Nhiều trang mạng công khai rao bán bẫy chim, thú rừng

C.H.R. tự giới thiệu mình ở tỉnh Phú Yên, chuyên cung cấp sỉ, lẻ ĐVHD cho nhà hàng, quán nhậu, tiệc cưới. R. rao bán trên Facebook cá nhân: “Em về 1 heo móc hàm 17kg, 2 mang, con 11kg, con 17kg, 1 banh 4,6kg”, “2 chồn hương mới về, hàng bắn”, “thợ báo về có 2 mang, 1 cheo”.

H. cho biết, do gần tết, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nên H. hạn chế rao bán, nhưng “ai cần mặt hàng gì, cứ gọi trực tiếp cho em là có”. H. là đầu mối thu gom, tiêu thụ ĐVHD. Muốn mua hàng của H. lần đầu, khách đặt cọc, H. sẽ giao hàng tận nơi qua dịch vụ giao nhận.

M.T. - sống ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định - là thành viên tích cực trong một nhóm về săn bẫy thú rừng trên Facebook. Nhóm của T. thường sang tỉnh Hà Nam, đi rừng ban đêm. Họ vừa rao bán 2 con cầy bạc má. Chỉ 2 giờ sau khi rao, họ đã bán được 2 con cầy rừng. Tuần trước, nhóm của T. bẫy được 1 con cầy vòi mốc 6,5kg, rao bán cùng 7 con cầy bạc má. Riêng cầy vòi mốc, T. rao bán 12 triệu đồng.

Trong nhóm về săn bẫy thú rừng, còn có T.H. “cung cấp đồ rừng, rắn các loại, chim rừng và chim phóng sinh”. H. liên tục rao bán cầy hương, cầy bạc má, cheo cheo, có khi ghi “lưu ý: hàng móc nguyên con, còn lông”. Trên nhóm, không ít người rao bán cả các loại bẫy thú, bẫy chim, kẹo (đạn). Các loại bẫy được giới thiệu với hình ảnh rõ ràng, thậm chí có cả video hướng dẫn cách bẫy.

Bà Bùi Thúy Nga - cán bộ Mạng lưới Giám sát buôn bán ĐVHD (TRAFFIC) - cho biết, trước tết hoặc lễ, ĐVHD thường được rao bán mạnh do nhu cầu tìm kiếm, mua các sản phẩm này tăng. Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng như của các sàn thương mại điện tử, người bán cố tình viết sai chính tả, thậm chí viết sai quy cách hoặc dùng tiếng lóng. Khi có động tĩnh, các đối tượng sẽ xóa bài. 

Bà nói: “Họ sử dụng rất nhiều số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản ảo để làm nhiễu loạn thông tin. Nếu căn cứ vào bằng chứng trên mạng xã hội để xử phạt thì họ bao biện, cho rằng rao bán chỉ để câu view, câu like chứ thực tế họ không có hàng”.

Một thanh niên tên M.T khoe con cầy vòi mốc mới bẫy được
Một thanh niên tên M.T ở Nam Định khoe con cầy vòi mốc mới bẫy được

Bà Bùi Thị Hà - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) - nhận định: “Tuy không gian mạng là ảo nhưng các giao dịch và lợi ích thu được từ hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép là có thật. Chúng ta đã có một hệ thống quy phạm pháp luật khá toàn diện để xử lý vi phạm về ĐVHD từ thực tế cho đến môi trường mạng. Đã có hàng ngàn trường hợp quảng cáo mua bán ĐVHD trên mạng xã hội, trong đó có cả ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, cần được bảo vệ ở cấp độ cao nhất. Chỉ riêng hành vi quảng cáo mua bán trái phép ĐVHD là có thể bị xử phạt vi phạm hành chính dù rao trên bất cứ nền tảng nào. Việc xử phạt nghiêm khắc với hành vi quảng cáo mua bán ĐVHD sẽ góp phần răn đe, góp phần xóa bỏ vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng”.

Tại hội thảo “Nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu các rủi ro từ buôn bán ĐVHD trái pháp luật trên không gian mạng” ngày 30/11, TRAFFIC Việt Nam cho hay, từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, có hơn 8.000 tin, bài rao bán công khai các sản phẩm ĐVHD, trong đó phần lớn là các loài nguy cấp và quý hiếm. Facebook và Zalo là 2 nền tảng quảng cáo bán các sản phẩm ĐVHD nhiều nhất.

Theo ENV, năm 2021, có khoảng 2.500 vụ việc vi phạm về săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài ĐVHD trên mạng xã hội; năm 2020, có hơn 1.700 vụ việc. Năm 2021, có khoảng 1.500 vụ buôn bán ĐVHD trái phép bị xử lý, số tiền xử phạt hành chính là 11 tỉ đồng. 

Phạt nặng các đối tượng rao bán, vận chuyển động vật hoang dã

Ngày 5/12, Công an huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Phương - 36 tuổi, ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội - về hành vi “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Trước đó, Lê Thị Phương khai nuôi, nhốt rắn hổ chúa nặng khoảng 10kg tại nhà ở tổ 3, phường Tiền Châu, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó rao bán trên mạng xã hội với giá 31 triệu đồng. Sau khi có khách đặt mua, ngày 3/12, Phương đã giết mổ rắn rồi mang đi giao hàng, bị Công an huyện Lâm Thao kiểm tra, phát hiện và bắt giữ trên đường vận chuyển.

Tháng 10/2022, UBND tỉnh Điện Biên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Thị Tuấn (tỉnh Điện Biên) 70 triệu đồng về hành vi quảng cáo bán mật gấu trái phép trên nhiều tài khoản Facebook khác nhau. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Thị Bích Hậu (phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) 85 triệu đồng về hành vi quảng cáo, rao bán mật gấu. UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Phạm Hương Lan (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) 77,5 triệu đồng về hành vi đăng bài rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, móng gấu, cao khỉ và nhiều sản phẩm khác trên Facebook cá nhân. 

Doanh nghiệp công nghệ thông tin chung tay

Cuối tháng 11/2022, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao trách nhiệm xã hội hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu các rủi ro từ buôn bán ĐVHD trái pháp luật trên không gian mạng” với sự tham dự của hơn 70 đại biểu đại diện cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử và mạng xã hội. 

Đại diện WWF nhận định, với kết nối quốc tế và khu vực, các công ty công nghệ Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật thông qua việc chặn quảng cáo và không cho phép hoạt động mua bán ĐVHD trên các nền tảng của mình. 

Đại diện Công ty TNHH Benew, Tập đoàn Âu Lạc, Công ty TNHH Havana Vietnam, Công ty TNHH Minh Quân Phú Quốc, Công ty cổ phần Viễn thông 3G, Công ty cổ phần Starfruit, Công ty cổ phần Vi2Si, Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet, Công ty TNHH Cộng Đồng Tâm đã ký cam kết tăng cường các hoạt động chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật trên không gian mạng. Đại diện các công ty cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ nguồn lực để chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Minh Tuệ

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI