Lo ngại tình trạng mua bán động vật hoang dã để… phóng sinh

12/08/2022 - 06:25

PNO - Mặc dù các cơ quan chức năng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng tuyên truyền, kêu gọi bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, nhưng tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã để phục vụ cho việc phóng sinh vẫn không giảm.

Cá, chim và cả những động vật hoang dã như rùa cũng được bán phóng sinh
Cá, chim và cả những động vật hoang dã như rùa cũng được bán phóng sinh

Hàng trăm điểm nuôi nhốt động vật hoang dã

Tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong (Q.10, TPHCM), bên cạnh một chiếc lồng lớn nhốt hàng trăm con chim se sẻ, chị chủ cửa hàng chào mời mọi người đi chùa mua chim phóng sinh rằm tháng Bảy với giá 10.000 đồng/con. Bị nhốt trong lồng quá lâu, nhiều chú chim đã chết, được vứt ra vỉa hè. Thỉnh thoảng, có người ghé vào cửa hàng mua chim, bỏ qua lồng nhỏ, chắp tay vái lạy rồi mở cửa lồng thả chim bay đi.

Tương tự, tại giao lộ Hồng Bàng - Ngô Quyền (Q.5, TPHCM), một người đàn ông ngồi lề đường bán những con rùa nhỏ để phóng sinh với giá 200.000 đồng/con. Chị Nguyễn Thị Bạch Hằng (Q.8, TPHCM) cho biết, dịp rằm tháng Bảy, trên các tuyến đường gần chùa, đâu cũng thấy người ta mua bán động vật phóng sinh. “Nhiều người vì muốn tạo phước, đã mua rùa thả xuống sông mà không biết ở khúc sông phía dưới có người đứng chờ vớt lên bán lại” - chị Bạch Hằng chia sẻ.

Khảo sát mới đây của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tại hơn 400 ngôi chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TPHCM cho thấy, nhiều nơi vẫn đang nuôi nhốt, phóng sinh rùa và các loại động vật hoang dã khác. Hiện tượng này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm TPHCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về vấn đề này. Kết quả là trong những ngày gần đây, đơn vị này đã tiếp nhận khá nhiều động vật hoang dã từ các cơ sở tôn giáo tự nguyện bàn giao.

Mới nhất, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng đã phối hợp với cơ quan chức năng tiếp nhận tám cá thể rùa quý hiếm từ chùa Pháp Bửu (H.Hóc Môn). Trước đó, tiếp nhận 20 cá thể rùa quý hiếm từ chùa Candaransi (Q.3).

Theo ENV, trong năm 2021 có 11 ngôi đền, chùa tự nguyện chuyển giao 237 cá thể động vật hoang dã về các trung tâm cứu hộ. Đơn vị này kêu gọi không phóng sinh rùa để bảo vệ loài động vật hoang dã này.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng vừa có văn bản đề nghị các đơn vị thuộc giáo hội, các chùa, tu viện… tổ chức các hoạt động truyền thông kêu gọi nhân dân, phật tử không sát sinh, xâm hại động vật hoang dã. Tuyệt đối không săn bắt, buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Tích cực tham gia quá trình đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

“Ý nghĩa của phóng sinh chính là hộ sinh, bảo vệ mạng sống cho động vật được phóng sinh, nhưng cách phóng sinh hiện nay có thể tạo nghiệp cho những người bắt động vật để phục vụ nhu cầu phóng sinh”, theo thượng tọa Thích Minh Quang - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Còn theo ông Huỳnh Vũ Ngọc Quý - Trưởng bộ môn Sinh thái và Tài nguyên môi trường, Viện Kỹ thuật biển - việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài động vật hoang dã. 

Sơn Vinh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI