Gần 1/5 trẻ em gái trên thế giới kết hôn trước 18 tuổi

20/08/2022 - 11:47

PNO - Cuộc khủng hoảng lương thực thế giới ngày càng trở nên tồi tệ hơn đang dẫn đến sự gia tăng số trẻ em gái dưới độ tuổi vị thành niên bị ép buộc kết hôn.

Plan International Canada (PIC) cho biết tổ chức này đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng trẻ em gái vị thành niên ở các nước đang phát triển bị ép buộc phải kết hôn vì gia đình không đủ điều kiện để nuôi dưỡng các em.

Hiện tượng tảo hôn đang diễn ra nghiêm trọng ở các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực
Hiện tượng tảo hôn đang diễn ra nghiêm trọng ở các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực

Theo PIC, mỗi năm, thế giới có 12 triệu (tương đương 1/5)  trẻ em gái dưới 18 tuổi trở thành cô dâu, buộc các em phải nghỉ học vì mang thai sớm. Các biến chứng khi mang thai và sinh nở là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em gái từ 15-19 tuổi.

Hiện tượng tảo hôn đang diễn ra nghiêm trọng ở các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nơi trẻ em gái thường xuyên bị buộc phải nghỉ học để kết hôn, trong số đó có Nam Sudan, Niger, Mali, Burkina Faso, Chad và Afghanistan.

Bangladesh là một trong những quốc gia có tỷ lệ kết hôn dưới tuổi vị thành niên cao nhất trên thế giới, theo PIC. Trong năm nay, lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của Bangladesh, trong khi nước này lại phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì từ Ukraine, nơi đang diễn ra xung đột kéo dài.

Tanjina Mirza, Giám đốc chương trình của PIC, cho biết ngày càng có nhiều trẻ em gái ở Bangladesh bị ép buộc kết hôn do nghèo đói, thiếu lương thực và tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, nhiều em ở những khu vực thiếu lương thực trầm trọng bị buộc thôi học để lấy chồng.

Theo PIC, nạn đói đang ảnh hưởng đến 345 triệu người, trong đó Ethiopia, Nam Sudan, Haiti, Burkina Faso và Niger nằm trong số các quốc gia bị “mất an ninh lương thực” nhất.

Bà Mirza cho biết, 50 triệu người có thể phải đối mặt với nạn đói trên 45 quốc gia trong năm nay, và “nhu cầu của trẻ em gái” - đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên - thường bị bỏ qua khi nạn đói hoành hành trong xã hội.

“Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng đói kém kinh hoàng, và điều này đang ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên toàn cầu. Tình trạng mất an ninh lương thực khiến trẻ em gái phải đối mặt với những nguy cơ như lạm dụng, lao động trẻ em và tảo hôn. Trong đó, tảo hôn thường được xem là phương cách làm giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình”, bà Mirza lên tiếng.

Tổ chức Tầm nhìn thế giới  (World Vision) cho biết tại Afghanistan, nơi có hơn 22 triệu người đang chịu cảnh thiếu đói, trẻ em gái thường bị buộc nghỉ học và lấy chồng, thậm chí bị gả cho những người đàn ông bạo lực, vì gia đình không đủ tiền nuôi dưỡng các em.

“Afghanistan hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng đói tồi tệ nhất trong lịch sử. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy 55% dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng nghiêm trọng, và trẻ em đang chết dần vì đói. Trong đó, trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái đang bị tác động khủng khiếp nhất”, Giám đốc quốc gia Asuntha Charles của World Vision tại Afghanistan cho biết.

Tỷ lệ phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi ở các vùng nông thôn của Nigeria cao hơn gấp đôi so với các vùng thành thị

Khoảng 46% phụ nữ nông thôn trong độ tuổi 20-49 ở Nigeria đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng không chính thức trước khi trưởng thành, theo một báo cáo ngày 16/8.

Báo cáo này dựa trên Khảo sát các chỉ số của Nigeria (MIS) năm 2021, và Khảo sát mức độ bao phủ tiêm chủng quốc gia mới nhất của nước này (NICS).

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) lưu ý rằng tảo hôn thường là kết quả của tình trạng bất bình đẳng giới kéo dài. Cơ quan này cho biết, tảo hôn khiến cho các bé gái bị mất đi tuổi thơ, bị đe dọa tính mạng cũng như sức khỏe. Trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi cũng có nhiều khả năng bị bạo lực gia đình hơn, và ít có khả năng tiếp tục đến trường hơn.

Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 650 triệu trẻ em gái và phụ nữ kết hôn khi còn nhỏ, theo UNICEF. Khoảng một nửa trong số này là từ Bangladesh, Brazil, Ethiopia, Ấn Độ và Nigeria.

Theo UNICEF, Nigeria là một trong những nước ở khu vực châu Phi có tỷ lệ tảo hôn cao nhất.

Cuộc khảo sát cho thấy cũng đã có những tiến bộ đáng kể về tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

Nhất Nguyên (theo CTV News)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI