Gần 1/5 bề mặt Trái đất đã bị biến đổi trong hơn 60 năm qua

12/05/2021 - 07:31

PNO - Các nhà nghiên cứu cho biết nhân loại đã tái sử dụng đất với diện tích tương đương châu Phi và châu Âu cộng lại, kể từ năm 1960.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications, nếu tính tất cả các quá trình chuyển đổi biến rừng thành đất trồng trọt hay thảo nguyên thành đồng cỏ trong hơn 60 năm qua, ước tính khoảng 43 triệu km2, gấp 4 lần so với các dự đoán trước đó.

Nghiên cứu mới này dựa trên số liệu thống kê sử dụng đất dài hạn do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc tổng hợp, xác định các khu vực đô thị, đất trồng trọt, rừng, đồng cỏ, các vùng có thảm thực vật thưa thớt…

Nghiên cứu cho thấy, khoảng 17% bề mặt đất của Trái đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng ít nhất một lần kể từ năm 1960. Đôi khi trên cùng một mảnh đất còn bị chuyển đổi nhiều lần. Nếu tính tất cả thay đổi như vậy, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng tương đương 32%.

Gần 1/5 bề mặt Trái đất đã bị biến đổi trong hơn 60 năm qua.
Gần 1/5 bề mặt Trái đất đã bị biến đổi trong hơn 60 năm qua.

Tác giả chính của nghiên cứu Karina Winkler, nhà địa vật lý tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, nói với AFP: “Việc sử dụng đất đóng vai trò trung tâm trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm khí hậu, đa dạng sinh học và sản xuất lương thực nên cần phải có các chiến lược sử dụng đất bền vững”.

Thực vật và đất - đặc biệt là trong các khu rừng nhiệt đới - hấp thụ khoảng 30% carbon dioxide do con người tạo ra, vì vậy những thay đổi cảnh quan quy mô lớn có thể quyết định đến sự thành công hay thất bại trong việc đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trái đất hiện tại đã nóng lên 1,2 độ C so với tiêu chuẩn thời kỳ tiền công nghiệp, đủ để tạo ra một loạt các cơn bão chết người, mực nước biển dâng và các tác động khác.

Kể từ năm 1960, tổng diện tích rừng bao phủ của Trái đất đã giảm gần một triệu km vuông, trong khi các diện tích đất trồng trọt và đồng cỏ tăng mạnh.

Karina Winkler lưu ý: “Nạn phá rừng nhiệt đới đã xảy ra để lấy đất sản xuất thịt bò, mía và đậu tương ở vùng Amazon của Brazil, cọ dầu ở Đông Nam Á, và ca cao ở Nigeria và Cameroon. Giá dầu cao - đạt đỉnh khoảng 145 USD/thùng dầu thô vào năm 2008 - cũng thúc đẩy việc chuyển đổi rừng sang trồng cây năng lượng sinh học”.

Minh Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI