"Forrest Gump": Cần bao nhiêu IQ cho một cuộc đời hạnh phúc?

26/09/2020 - 06:52

PNO - Phim giành được 6 giải Oscar năm 1995, trong đó có giải “Phim hay nhất” và hàng loạt giải thưởng danh giá khác. Bộ phim dẫn đầu top 10 doanh thu phòng vé trong năm 1994, xếp thứ tư trong số các bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại cho đến thời điểm đó và là một trong 100 bộ phim vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh Mỹ.

“ - Tại sao anh lại chạy vậy, anh chạy vì hòa bình thế giới chăng? Anh làm điều này vì những người vô gia cư à? Hay anh chạy vì quyền phụ nữ? Hay là vì môi trường? Hay vì động vật?

- Chỉ là tôi thấy thích chạy thôi!”.

Forrest Gump đã lý giải về hành trình chạy xuyên nước Mỹ trong hơn hai năm của mình như vậy. Người đàn ông với chỉ số IQ “đâu cỡ 70” ấy, không lý tưởng lớn lao, không quan điểm tôn giáo, chính trị… Với tất cả sức lực, anh cắm cúi chạy về phía trước. Bằng cách ấy, quá khứ lùi dần sau lưng anh, cả những mất mát hay những khổ đau, anh tiếp nhận mỗi ngày mới một cách giản đơn và thuần khiết, như cái cách mà cuộc đời này đang hiện hữu và anh hạnh phúc.

Cứ thế, 26 năm đã trôi qua nhưng hành trình số phận kỳ lạ mà phi thường của Forrest Gump vẫn mãi là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho khán giả trên toàn thế giới.

“Điện ảnh phản trí” (Anti-intellectual movies) và dấu ấn văn hóa Mỹ

Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, trào lưu “phản trí” (Anti-intellectualism) bắt đầu nhen nhóm tại Hoa Kỳ, khởi nguồn từ cuốn sách đoạt giải Pulitzer có tựa đề Anti-intellectualism in American Life (1963) của nhà sử học Richard Hofstadter.

Trong tác phẩm của mình, Richard Hofstadter đã đưa ra khái niệm về tư tưởng “phản trí” của một nhóm trung lưu chống lại các đặc quyền của tầng lớp “élite” (tinh hoa) ở Mỹ thời điểm đó. Đó là xu hướng chống lại các học thuyết hiện đại đang ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và rườm rà, đến gần với sự “tối giản hóa” trong tư duy để nhìn nhận lại sự vận động của lịch sử văn hóa và xã hội Mỹ một cách đơn giản, nhẹ nhàng và nguyên sơ nhất.

Cùng với trào lưu này, những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà làm phim Hollywood đã nắm bắt rất nhanh tư duy của thời đại, một loạt tác phẩm thuộc thể loại “Anti-intellectual movies” (Điện ảnh phản trí) đã ra đời trong giai đoạn này như: The Shawshank Redemption, Pulp Fiction… và tiêu biểu hơn tất cả, chính là Forrest Gump.

Forrest Gump là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Robert Zemeckis được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của Winston Groom (nhà văn người Mỹ nổi tiếng vừa qua đời tại nhà riêng ở tuổi 77). Phim được công chiếu lần đầu tại Hoa Kỳ vào tháng 7/1994.

Phim là câu chuyện về cuộc đời của cậu bé Forrest Gump bị thiểu năng trí tuệ, đứa con trai tội nghiệp của người mẹ đơn thân tại vùng Greenbow, Alabama nước Mỹ. Câu chuyện trải dài từ khi cậu còn nhỏ tới trung niên và trở thành một người cha.

Với chỉ số IQ bằng 75 và các khớp xương cột sống bị cong vẹo, phải sử dụng nẹp chân để di chuyển. Thời đi học, Gump bị bạn bè xa lánh, giễu cợt, thậm chí bị tấn công. Tuy nhiên, với trí tuệ ngây thơ, đơn giản, cùng sự yêu thương của người mẹ và một trái tim nhân hậu, Gump đã biến những bi kịch đời mình thành những giá trị lớn lao. Anh tạo ra những kỳ tích từ chính những điều vô cùng bình thường, bé nhỏ, mà anh có.

Tom Hanks không phải là lựa chọn đầu tiên cho vai diễn Forrest Gump. Trước đó, nhiều diễn viên kỳ cựu như John Travolta, Bill Murray, Chevy Chase và cả Sean Penn đã được xem xét cho vai diễn nửa chính kịch, nửa hài kịch này.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các lựa chọn trên đều không thể thực hiện và vai diễn đã đến tay Hanks. Sau một tiếng rưỡi đọc kịch bản, nam diễn viên đã ngay lập tức ký hợp đồng tham gia bộ phim. Và quả thực, Hanks đã dựng nên một Forrest vô cùng sống động và chân thực. Diễn xuất tuyệt vời của nam tài tử đã biến Forrest Gump thành một biểu tượng kinh điển của điện ảnh, vai diễn cũng đã giúp tài tử dành giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” tại giải Oscar năm 1995.

Nếu như trong nguyên tác tiểu thuyết của Winston Groom, Forrest Gump là câu chuyện đậm chất châm biếm chính trị sâu sắc thì khi lên màn ảnh, đạo diễn Robert Zemeckis đã “bẻ lái” để bộ phim mang nhiều hơn tính triết lý và những bài học về nhân sinh, về cuộc đời. Tuy nhiên, dù vậy, khi xem phim, khán giả cũng không thể không thích thú với sự xuất hiện của một loạt sự kiện văn hóa, chính trị nổi bật nhất trong lịch sử nước Mỹ, suốt 3 thập kỷ nhưng được kể lại vô cùng hài hước, độc đáo qua góc nhìn của một “chàng ngốc”.

Đó là thời kỳ chiến tranh Việt Nam, thời đại ngoại giao bóng bàn Trung - Mỹ, vụ án lịch sử Watergate, những xung đột sắc tộc hay là “thời đại âm nhạc” của Elvis Presley và John Lennon… Và cứ thế, đạo diễn Robert Zemeckis đã khéo léo để mỗi sự kiện lớn trong cuộc đời Gump đều gắn với những sự kiện lớn của nước Mỹ.

Ở những chi tiết này, tư tưởng “phản trí” được thể hiện rõ nét nhất trong cách Gump nhìn nhận và lý giải tất cả các sự việc, ví dụ như anh đã “vô tình” tố cáo những kẻ trộm trong vụ Watergate chỉ bởi những người soi đèn pin ấy khiến anh mất ngủ. 

Với Gump, quả thực chẳng có gì quan trọng cả!

Bộ phim được quay trong hơn một năm, chủ yếu ở California. Trong phim có những đoạn Forrest gặp những nhân vật lịch sử như Tổng thống John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson và Richard Nixon... Nhà sản xuất đã sử dụng các đoạn phim tài liệu và cắt ghép đưa hình của Tom Hanks vào, đồng thời xử lý miệng của các nhân vật lịch sử để lời thoại khớp với kịch bản.

Ngoài ra, các đoạn Forrest cõng Bubba vượt qua mưa đạn hay Forrest thi đấu bóng bàn với tay vợt Trung Quốc và Bush, đặc biệt là đôi chân bị cụt của trung úy Dan đều được xử lý rất công phu bằng CGI (hình ảnh do máy tính tạo ra) một cách xuất sắc.

“Cuộc đời giống như một hộp chocolate”

Dù cài cắm nhiều yếu tố chính trị nhưng theo nhà sản xuất Steve Tisch: “Forrest Gump không tập trung về chính trị hay các giá trị bảo thủ. Đó là câu chuyện về tình người, về sự tôn trọng, lòng bao dung và tình yêu thương vô điều kiện”.

Thực vậy, trong suốt cuộc đời mình, Gump hầu như không tìm cách lý giải tính toán quá nhiều về con người hay số phận, anh tiếp nhận và đối diện với mọi vấn đề mình gặp phải một cách chân thành và bình dị: anh cứu Dan và những người lính bị thương vì họ cần anh, anh thực hiện lời hứa với Bubba vì anh đã hứa, anh mang tiền đi làm từ thiện vì mẹ anh dạy rằng “người ta chỉ thực sự cần một lượng của cải rất ít, phần còn lại chỉ để khoe mẽ mà thôi”.

Và anh yêu Jenny, yêu Forrest “con”, như cái cách mà mẹ anh dành tình yêu thương cho anh, nghĩa là chấp nhận cái thực tại như họ đang là, cả những thiếu xót và những tổn thương. Đó là thứ tình yêu vô điều kiện, một thứ tình yêu cho đi mà không hề mong cầu nhận lại, một thứ tình yêu để chữa lành cho tất cả. Và anh hạnh phúc với tình yêu đó.

Như câu nói cuối cùng của mẹ anh trước khi qua đời: “Cuộc đời này giống như một hộp chocolate. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết bạn sẽ nhận được những gì”. Đâu ai biết trước cuộc sống còn dành cho ta những bất ngờ nào. Dù bạn có thông minh bao nhiêu, bạn cũng không bao giờ lường hết được những gì mà cuộc sống mang đến cho mình.

Trailer Forrest Gump:

 

 

Cho nên, cuộc sống có dễ dàng hay hạnh phúc chính là do cách ta đối diện và ứng xử. Điều này hầu như không đến từ trí thông minh mà đến từ những đức tính bình dị ta cần rèn luyện mỗi ngày như sự nhân hậu, tính kiên trì, sự nhẫn nại và một trái tim bao dung thuần khiết.

Cũng giống với cách mà Hanks giải thích về chiếc lông trắng bay theo gió: “Số phận của chúng ta chỉ được xác định bởi cách chúng ta đối phó với các yếu tố may rủi trong cuộc sống của mình và đó là hiện thân của chiếc lông vũ khi nó xuất hiện...”. 

Lan Anh 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI