F0 tự điều trị sẽ không được cấp chứng nhận khỏi bệnh

12/09/2021 - 18:26

PNO - Chiều 12/9, trong cuộc họp phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, hiện Thành phố có 60.000 người bệnh F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà, ở các cơ sở cách ly có khoảng 27.000 trường hợp.

 

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện

Ngành Y tế TPHCM đang nỗ lực chăm sóc F0 tại nhà qua Trạm Y tế lưu động, Tổ Y tế cộng đồng với đầy đủ gói thuốc hỗ trợ. Ngoài đảm bảo quản lý tốt người bệnh, y tế Thành phố vẫn theo dõi sát, kịp thời phát hiện trường hợp F0 chuyển biến nặng.

Tuy nhiên, trên thực tế có trường hợp địa phương không quản lý tốt F0, để F0 đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh đã hoàn thành cách ly, điều trị nhưng không nhận được chứng nhận. Do đó, UBND TPHCM yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý phải tổ chức giám sát chặt chẽ, tuân thủ cách ly y tế với các F0 này.

Theo ông Vĩnh Châu, mới đây UBND TPHCM ban hành văn bản về việc giám sát F0 tuân thủ cách ly tại nhà. Nếu người cách ly không tuân thủ cách ly tại nhà, địa phương phải chuyển vào khu cách ly tập trung. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 có trách nhiệm ban hành quyết định cách ly và cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly.

"Với người tự làm xét nghiệm dương tính bằng test nhanh, tự điều trị, nếu không báo với y tế địa phương thì sẽ không có cơ sở để địa phương cấp giấy chứng nhận người bệnh từng là F0. Do đó, khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, người dân phải báo với ngành y tế địa phương để quản lý và cấp thuốc đặc trị", ông Châu nói thêm.

Về việc mức độ bảo vệ của vắc xin ngừa COVID-19, ông Châu cho biết sau khi tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19, người được tiêm sẽ có kháng thể, ngăn khả năng mắc bệnh hay bệnh nặng hơn, tiêm 2 mũi thì cơ thể sẽ có nhiều kháng thể hơn. Về mặt khoa học, tất cả vắc xin đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định và không bao giờ đạt 100%. Tỷ lệ bảo vệ chỉ khoảng 70-80%, như vậy vẫn có 20% trường hợp bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm.

Riêng với biến chủng Delta, hệ miễn dịch của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được biến chủng này. Do đó, chủng Delta làm nhiều người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vẫn mắc bệnh. Theo thế giới, với 90% trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa COVID-19 thì thường bệnh nhẹ, không cần thở oxy, hồi sức tích cực, nhưng vẫn có 10% bệnh nặng và tử vong. Vì vậy, không phải trường hợp nào cũng có đủ kháng thể để bảo vệ được cơ thể.

Ông Vĩnh Châu cho biết, việc xét nghiệm kháng thể cho các F0 quá phức tạp, các xét nghiệm đo kháng thể thương mại chỉ đo toàn bộ kháng thể, còn kháng thể trung hòa (loại kháng thể ngăn chặn trực tiếp protein gai trên virus) thì không phải xét nghiệm nào trên thị trường cũng đo được.

"Do đó, việc đo kháng thể này chỉ có tính tương đối. Bộ Y tế chưa có phương án định lượng mức độ kháng thể này. Nhiều trường hợp đo nồng độ kháng thể trong máu cao mà vẫn mắc bệnh. Đo kháng thể rất phức tạp, nếu đo kháng thể một cách chung chung thì có thể còn tốn kém, lãng phí mà chưa mang lại thông tin cụ thể nào", ông Vĩnh Châu nói.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI