Em bé được gây mê, xạ trị áp suất liều cao đầu tiên tại Việt Nam

25/11/2020 - 18:29

PNO - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vừa thực hiện xạ trị áp sát suất liều cao trẻ em có gây mê lần đầu tại Việt Nam.

 

Hiện, bé đã điều trị xong ra viện hoàn toàn bình thường không có tác dụng phụ.
Bệnh nhi được thực hiện xạ trị áp suất liều cao tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Bệnh nhi là bé Phạm Khánh V. (2 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương) bị ung thư âm đạo (dạng sarcoma cơ vân âm đạo) với khối u 5cm lan xuống âm hộ.

Trước đó, bệnh nhi được Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) hoá trị 6 chu kỳ và cần tiếp tục xạ trị bổ túc.

Việc điều trị ưu tiên là khỏi bệnh nhưng vẫn cố gắng giữ được chức năng âm đạo và buồng trứng. Do đó, xạ trị áp sát (còn gọi là xạ trị trong) là phương pháp điều trị bảo tồn, xu hướng mới trong điều trị hiện nay.

Sau khi hội chẩn với chuyên gia từ Mỹ, Singapore đều thống nhất xạ trị áp sát tại chỗ; các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên hệ với các bệnh viện chuyên điều trị ung thư ở Hà Nội và TPHCM, nhưng đều bị từ chối vì phải thực hiện gây mê.

Sau đó, người nhà xin chuyển bé đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Bác sĩ Ck2 Trần Tứ Quý - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - nhận định: Xạ trị áp sát là lựa chọn duy nhất khả thi nhưng cơ hội sẽ vụt mất nếu bị từ chối gây mê.

Không gây mê đồng nghĩa không thể thực hiện xạ trị áp sát. Cuối cùng, bệnh nhi được thiết kế 1 bộ áp cá nhân phù hợp với kích thước âm đạo dựa vào hình ảnh MRI (cộng hưởng từ) trước điều trị. Đồng thời, bác sĩ phải tính toán tối ưu hoá liều xạ giống như xạ trị ngoài để giảm liều đến bàng quang, trực tràng. Việc xạ trị được tiến hành trong 10 buổi cho 10 ngày liên tục. 

Hiện, bé đã xuất viện và sức khỏe bình thường. Đây là ca xạ trị áp sát suất liều cao trẻ em có gây mê duy nhất tại Việt Nam tới thời điểm hiện tại.

"Mẹ và ông ngoại của bé đã đưa em lặn lội tới tất cả bệnh viện ung bướu nhưng đều bị từ chối. Cái lắc đầu này có thể chối bỏ mọi nỗ lực của gia đình bệnh nhi. Chối bỏ khát vọng sống của em và mẹ. Nhưng chúng tôi không làm vậy. Chúng tôi lựa chọn cơ hội bước tiếp của cuộc đời em”, bác sĩ Trần Tứ Quý - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nhớ lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, một bác sĩ chuyên về thực hiện xạ trị cho bệnh nhi ung thư phân tích: Với những trẻ bị ung thư trên 5 tuổi, các bé sẽ nghe lời dặn của bác sĩ và chịu nằm im khi xạ trị.

Tuy nhiên, trẻ quá nhỏ dưới 5 tuổi sẽ không hợp tác nằm im; do đó buộc phải gây mê cho bé ngủ để xạ trị. Chưa kể, việc xạ trị phải thực hiện nhiều lần cho một ca ung thư.

Để thực hiện gây mê, bệnh viện phải có phòng gây mê và phòng hồi tỉnh... Tuy nhiên, số lượng trẻ bị ung thư cần thực hiện gây mê khi xạ trị rất ít, trong khi việc xây dựng tốn kém và các bệnh viện lớn đang rơi vào quá tải nên họ không có phòng này, chứ kỹ thuật thực hiện rất dễ dàng.

Bệnh Rhabdomyosarcoma (sarcoma cơ vân) chiếm khoảng 3% - 4% và là loại ung thư đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư trẻ em. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 7 tuổi và có thể xuất phát từ nhiều cơ quan khác nhau.

Riêng bệnh nhi ở Hải Dương thì khối u lại xuất phát từ âm đạo nên việc bảo tồn được chức năng cơ quan cho bé là một vấn đề thách thức.  


Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI