Bác sĩ cùng bệnh nhi nhảy múa để tạm quên đi bệnh tật

20/09/2020 - 07:07

PNO - Nhạc được bật lên, bác sĩ đến bên cạnh, mời bé trai bốn tuổi một điệu nhảy. Sau đó, hơn 10 cặp bác sĩ, bệnh nhi khác cũng tiếp tục nhún nhảy trên nền nhạc rộn ràng.

Điệu nhảy đặc biệt của bác sĩ và bệnh nhi

Trong căn phòng nhỏ ở Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, nơi tình cờ trở thành sân khấu mini, các bác sĩ và bệnh nhi ca hát, nhảy múa; tiếng cười nói rộn rã xua đi mệt nhọc, đớn đau, bệnh tật của các bệnh nhân nhỏ tuổi.

Màn hình ti vi được bật lên, những nhân vật hoạt hình đầy màu sắc cùng nhau nhảy múa theo điệu nhạc sôi động làm cho bệnh nhi không thể rời mắt, cha mẹ các em cũng khá bất ngờ khi nghe các bé thủ thỉ, rằng “con muốn đi chơi”. Bởi lẽ trước đó chưa lâu, suốt những ngày xem bệnh viện là nhà, các em gần như chỉ dán chặt mình vào giường bệnh, đau đớn, uể oải, chán chường, mọi sinh hoạt thường ngày chủ yếu xoay quanh chiếc giường. 

Ở đó, một bé trai bốn tuổi đã nằm viện vài tháng nay, gầy gò, nhỏ xíu, vừa dứt đợt truyền hóa chất nắm tay mẹ kéo vào phòng. Tại đây, bé ngồi dõi theo các nhân vật hoạt hình màu tím, màu đỏ… chốc chốc lắc lư theo các động tác vui nhộn rộn rã trên màn hình ti vi. Một “chú bác sĩ” thấy vậy đến ngồi chung, nhún nhảy làm quen với bé. Một lát sau, “chú bác sĩ” lại khều khều cậu bé: “Mình nhảy nha con”. Nói xong, “chú bác sĩ” nắm tay bé cùng đứng dậy, một tay đặt ngang hông, một tay tạo dáng theo nhạc. Bé trai cũng không kém, đứng lên, nhảy y chang động tác của vị bác sĩ yêu trẻ con. 

Cứ thế, hai chú cháu nhún nhảy, chắp tay thành hình nụ hoa, thành chiếc cây xinh xắn đung đưa theo gió… Rồi cậu bé lại chỉ cho “chú bác sĩ” điệu nhảy đưa tay chào, vỗ tay… và kết thúc bằng màn đập tay liên tục đầy phấn khích. Mẹ của cậu bé đứng ngay phía sau, nhìn con nhảy múa đầy xúc động. Lâu lắm rồi con trai của chị mới vui cười như vậy. Những phụ huynh của các bé khác cũng chảy nước mắt theo.

Các cô chú bác sĩ, điều dưỡng khác cũng nắm tay những bé gần đó lần lượt chuyển nhạc và nhảy múa theo nhiều động tác khác nhau. Để con yên tâm vui đùa, cha mẹ các bé cũng bỏ qua ngại ngần, bước lên “sân khấu” đứng bên cạnh con mình cổ vũ, nhảy múa theo. Không khí ủ rũ, lo toan, bộn bề thường nhật tại bệnh viện bỗng được xua đi, các bác sĩ tô lại gam màu sáng hơn, ở đó không còn bệnh tật, không còn tiếng trẻ quấy khóc. Ở đó, lúc này đây, các bé cũng như những đứa trẻ đồng trang lứa khỏe mạnh ngoài kia, vui cười hạnh phúc.

Bệnh nhi nhảy say sưa cùng bác sĩ Khanh
Bệnh nhi nhảy say sưa cùng bác sĩ Khanh

Hơn 30 phút cùng nhau chơi đùa, hát ca, các bác sĩ không còn khiến các bé sợ hãi khi thấy màu áo trắng. Các bé mạnh dạn hơn, bước tới nắm tay bác sĩ, ôm vai, lắc tay hay nũng nịu đòi bế. Có vẻ bác sĩ không còn là nỗi ám ảnh với kim tiêm, dịch truyền, thuốc đắng. Cô chú bác sĩ xòe tay ra tặng bé viên kẹo ngọt, chiếc xe hơi đồ chơi nhỏ xíu, con gấu bông xinh xinh… cùng nụ cười ấm áp.

Hỏi bác sĩ Nguyễn Quốc Vụ Khanh, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM - “chú bác sĩ” đầu tiên nhảy cùng bé trai bốn tuổi - rằng anh có ngại không khi “biểu diễn” trước đồng nghiệp, trước phụ huynh những động tác trẻ con ấy, “chú bác sĩ” cười: “Cái gì cũng có lần đầu tiên mà. Hầu hết các bé đang điều trị tại đây phải trị bệnh trong thời gian rất dài.

Các bé mắc bệnh ung thư, bệnh lý ác tính nên hệ miễn dịch rất kém, rất khó để có những hoạt động thiết thực vì phải đảm bảo môi trường vô trùng, số lượng người tham dự cũng phải được kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nhất. Chính vì vậy, các chương trình vui chơi thường chỉ gói gọn nội bộ làm cho các bé vốn ít tiếp xúc được với người khác lại thu người hơn, nhất là đợt dịch COVID-19 vừa rồi phải giãn cách, trẻ càng chỉ muốn nằm trên giường bệnh xem điện thoại, máy tính bảng. Vậy là chúng tôi bàn bạc cùng nhau tìm cách để giúp trẻ lên tinh thần trong những ngày nằm trên giường bệnh”.

Bật lại clip nhảy cùng bệnh nhi, bác sĩ Khanh thoáng ngượng ngùng. Trước khi lên ý tưởng nhảy cùng bệnh nhi, anh và đồng nghiệp đã chuẩn bị hơn 10 động tác đơn giản nhưng đến lúc “gay cấn” anh lại quên hết, những điệu nhảy với cậu bé bốn tuổi kia đều là… tự chế. May mắn cho anh, bé trai nhảy cùng “khá chuyên nghiệp”, thậm chí bé còn có nhiều động tác đẹp mắt hơn cả anh. 

Quan trọng nhất, sau lần nhảy theo nhạc, các phụ huynh đã tìm gặp bác sĩ, bày tỏ mong muốn có thêm nhiều buổi sinh hoạt tương tự để con của họ có thể… tập thể dục, chịu ra khỏi phòng thay vì nằm lì trên giường bệnh.

Nhảy cùng bé sẽ trở thành hoạt động rèn luyện thể chất cho bệnh nhi

Khi nghe phụ huynh bày tỏ mong muốn được nhảy cùng con, các bác sĩ ở Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đã lên kế hoạch để các bé tập thể dục theo nhạc vào thời điểm giữa giờ hằng ngày. Không chỉ bác sĩ nhảy với bé mà cha mẹ cũng sẽ được tham gia cùng, giúp con mình chủ động thực hiện các bài tập rèn luyện thể chất như trước đây thay vì bác sĩ phải… năn nỉ.

Đa số các bé đang được điều trị tại đây đều mắc bệnh nặng. Để trị bệnh, các bé phải nghỉ học trong thời gian dài, có bé ở bệnh viện đến nay đã là năm thứ hai, nên tự ti, mặc cảm, khó có thể hòa nhập với cộng đồng, nhất là khi trở lại trường học. Bé thường cáu gắt, bó buộc mình, không thể phát triển tốt. Do vậy, cùng nhau nhảy, cùng nhau vui đùa cũng là một trong những liệu pháp không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn hỗ trợ cả về tinh thần cho bệnh nhi.

Một bác sĩ nói: “Thông thường bệnh nhi phải tập vận động bằng cách đi bộ qua lại ở hành lang bệnh viện, có thể chơi đùa với nhau, bé cũ rủ bé mới cùng chơi, cùng tập. Tuy nhiên, thời gian qua do dịch COVID-19 xuất hiện, các bé buộc phải cách ly, phải tập trong phòng nên chán, cứ nằm xem điện thoại, máy tính bảng. Vì vậy khi nghe bé hỏi lúc nào được nhảy với bác sĩ nữa, nhiều phụ huynh rất mừng, còn chúng tôi cũng sẵn sàng bật nhạc, tập thể dục chung với các bé”.

Ngoài ra, các bác sĩ ở Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM cũng thực hiện mô hình “Lớp học niềm tin”, hướng dẫn các bé những chủ đề về kỹ năng sống. Trong đó, các bé hướng dẫn, trao đổi với các bạn, với cô chú bác sĩ. Từ đó, bác sĩ sẽ biết bé đang gặp vấn đề gì và có thể can thiệp kịp thời, giảm bớt căng thẳng cho bé. Đặc biệt, từ khi mô hình trên ra đời, nhiều bé đã “biết” cười trở lại, “biết” chia sẻ thay vì im lặng như trước kia.

Việc điều trị ung thư phải trải qua thời gian dài nên việc phối hợp giữa bệnh nhi, bác sĩ và người nhà phải là sự kết hợp không chỉ điều trị mà còn là thấu hiểu, sẻ chia để mang lại hiệu quả tốt nhất. Cả ba sự kết hợp này phải bền vững mà hoạt động với bệnh nhi là một trong những điều kiện tạo nên sự gắn kết. 

Ngoài những hoạt động vui chơi, các bác sĩ  còn tặng quà sinh nhật cho các bé đang điều trị
Ngoài những hoạt động vui chơi, các bác sĩ còn tặng quà sinh nhật cho các bé đang điều trị

Không chỉ dành tâm huyết, tình yêu thương cho bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Quốc Vụ Khanh còn có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đóng góp sáng kiến, cải tiến, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.

Vì vậy, ngày 22/7/2020, bác sĩ Nguyễn Quốc Vụ Khanh là một trong những bác sĩ trẻ được nhận giải thưởng Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2020 do Đoàn Sở Y tế TP.HCM tổ chức với đề tài nghiên cứu Đánh giá hiệu quả điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho ở trẻ em bằng phác đồ Fralle 2000 trong 10 năm, giải nhất cuộc thi báo cáo viên trẻ hội nghị Huyết học truyền máu khu vực phía Nam mở rộng năm 2019.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI