Dưỡng sinh năm 2023: Nâng cao chính khí, giữ ấm cơ thể

21/03/2023 - 06:05

PNO - Theo ngũ vận lục khí - phương pháp dự đoán thời tiết - bệnh tật của y học cổ truyền - thì cả năm Quý Mão 2023, khí hậu có chiều hướng thiên về lạnh.

Theo đó, các chứng bệnh do hàn (lạnh) sẽ phát sinh nhiều hơn. Do đó, cần chăm sóc tốt cho hệ tim mạch, tâm thần kinh (tạng tâm), hệ hô hấp, da liễu (tạng phế), hệ tiêu hóa và đặc biệt là phần cốt tủy, nội tiết, sinh dục (tạng thận). 

Đặc điểm của khí hậu năm 2003 còn dễ gây rối loạn nhịp tim, chân tay lạnh. Một chứng bệnh khác cũng dễ gặp là tiểu tiện ít. Vào mỗi mùa cụ thể, hàn tà sẽ kết hợp thêm tà khí của mùa tương ứng gây bệnh. Do vậy, quan trọng là chú ý phòng bệnh, tăng cường chính khí, tăng khả năng miễn dịch.

Gừng nướng giúp làm ấm tỳ vị, tiêu hóa
Gừng nướng giúp làm ấm tỳ vị, tiêu hóa

Cụ thể, từ nay đến đầu tháng Tư âm lịch, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch cao. Từ trưa đến chiều nhiệt độ tăng cao, làm tổn thương khí, dễ bị mệt mỏi, hụt hơi. Đêm đến sáng, nhiệt độ lại giảm nhiều; cái lạnh đột ngột dễ khiến khí huyết ngưng trệ, cân mạch co rút. Những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch cần cẩn trọng; giữ cho tinh thần lạc quan, an tịnh; chọn thực phẩm thanh đạm dễ tiêu, có vị cay, ngọt, chế biến mềm, ăn ấm; tránh thực phẩm béo, có vị chua.

Đầu tháng Tư đến đầu tháng Sáu âm lịch, khí hậu vừa hàn lại vừa ẩm thấp. Đây là 2 loại tà khí khiến dương khí (năng lượng ôn ấm, vận hành hoạt động của cơ thể) bị tổn thương trầm trọng, kinh mạch ách tắc; gây các bệnh về tiêu hóa, tiêu tiểu, phụ khoa.

Từ đầu tháng Sáu đến cuối tháng Tám âm lịch, khí hậu vừa hàn lại vừa khô, gây tổn thương tân dịch và phế. Triệu chứng thường gặp là sốt nhẹ, sợ lạnh, không ra mồ hôi, hơi nhức đầu, ho khạc ít đờm, miệng mũi khô, ngứa họng… Từ cuối tháng Tám đến cuối tháng Mười âm lịch, khí hậu trở lạnh nhiều hơn. Đầu tháng Mười một đến cuối tháng Chạp, khí hậu vừa lạnh lại vừa gió.

Để phòng bệnh, cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt khi ra ngoài vào sáng sớm hay đêm khuya; tránh chỗ gió lùa, máy lạnh, quạt xả trực tiếp vào người. Sau khi thức giấc, cần làm ấm cơ thể kỹ trước khi rời khỏi giường. Duy trì vận động, tối thiểu 30 phút/ngày. Tránh ăn các đồ sống lạnh, thực phẩm có tính hàn; khi chế biến món ăn cần cân đối tính hàn nhiệt; kết hợp gừng, sả, riềng, tiêu để tăng tính ấm, giảm lạnh. 

Khi có dấu hiệu cảm lạnh, dùng phương pháp xông từ bên trong để đẩy tà khí ra ngoài. Cụ thể, 3 củ hành tím, hành lá, tía tô, 2 lát gừng tươi thái nhuyễn, cho vào tô; thêm 1 lòng đỏ trứng gà, khuấy đều; nấu cháo loãng, khi cháo đang sôi thì đổ vào tô; thêm muối, tiêu khuấy đều rồi ăn nóng. 

Người có bệnh lý tim mạch, huyết áp nên uống thêm trà thảo dược giúp bền thành mạch, an thần, lợi tiểu như: hoa hòe, lạc tiên, vông nem, tâm sen, rễ tranh, rễ nhàu… Người có tiêu hóa kém nên uống thêm trà gừng/sả/vỏ quýt (sao thơm). 

Nếu ho nhiều, dùng 20g lá tía tô tươi, rửa sạch, giã nát, cho thêm nước sôi vào rồi chắt gạn lấy khoảng 100ml nước trong uống. Ho có nhiều đờm, tức ngực, dùng khoảng 4g vỏ quýt khô sắc uống. 

Đông y sĩ Hà Nguyễn

 (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI