Đừng để trẻ phải chịu đựng cơn đau cong, vẹo cột sống

29/08/2023 - 12:09

PNO - Ngoài một số trường hợp trẻ bị gù, cong vẹo cột sống do dị tật bẩm sinh thì tư thế ngồi học không đúng, trẻ mang vác quá nặng, kích thước bàn ghế ngồi học không phù hợp lứa tuổi cũng là lý do khá phổ biến ở trẻ gù, vẹo.

Kết quả học tập giảm sút

Từ khi lên lớp Bốn, em N.T.N.A. (15 tuổi, ở Đồng Nai) đã cảm thấy nhiều cơn nhức mỏi vùng lưng. Mỗi khi ngồi học kéo dài khoảng 2 tiếng, lưng của A. như bị gãy gập, nhói nhiều ở sườn phải. Tuy nhiên, gia đình nghĩ do con ngồi quá lâu nên mua thuốc giảm đau cho em uống. Gần đây, A. thường có cảm giác khó thở, mệt và không giữ được thăng bằng khi chạy bộ hay leo cầu thang. Nhất là khi vào lớp Mười, mặc áo dài, lưng của A. bị vẹo, lệch rõ về bên phải.

Thấy vậy, mẹ đưa A. đến bệnh viện địa phương thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán em bị vẹo cột sống mức độ nặng nhưng không được điều trị. Mặc dù không bị bạn trêu chọc, nhưng A. cho biết em cảm thấy mình khác biệt so với bạn bè, kết quả học tập giảm sút. Khi mẹ của A. đưa em đến Bệnh viện 1A điều trị, bác sĩ cho biết, A. bị vẹo cột sống thắt lưng, mức độ nặng, cong vẹo 44 độ, mất độ ưỡn sinh lý cột sống cổ, tổn thương vị trí cột sống L2, đốt sống T10. Nguy hiểm hơn, các đốt sống ngực bị biến dạng nên ảnh hưởng hô hấp. A. được các bác sĩ cho tập trị liệu, hiệu chỉnh cơ xương khớp. Sau hơn 10 buổi tập, em giảm các cơn đau mỏi lưng, không còn cảm thấy khó thở nhiều như trước. 2 vai của A. đã gần bằng nhau, giảm lệch vẹo thấy rõ. Em được bác sĩ hướng dẫn thêm các bài tập về nhà để tập luyện duy trì.

Tương tự, năm 13 tuổi, em P.V.D. (16 tuổi, TPHCM) được gia đình đưa đi khám và phát hiện bị vẹo cột sống. Em được điều trị bằng phương pháp mang áo nẹp định hình cột sống. Tuy nhiên, cột sống của D. bị vẹo thấy rõ qua nhiều năm. Điều này làm cho D. mất tự tin, không thể tham gia các trò chơi thể thao vận động nhiều. Khi lên cấp III, việc ngồi học quá nhiều không chỉ làm cho cột sống của D. tổn thương nặng nề hơn, các cơn đau dai dẳng, mà còn đau cổ vai gáy liên tục. 
 

Kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A giúp bệnh nhi tập bài tập điều chỉnh cơ xương khớp chữa cong vẹo cột sống - ẢNH: T.A.
Kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A giúp bệnh nhi tập bài tập điều chỉnh cơ xương khớp chữa cong vẹo cột sống - Ảnh: T.A.

Đầu tháng Tám, quá đau, D. được đưa đến Bệnh viện 1A thăm khám, bác sĩ nhận định hình thể em đã mất đối xứng, vai trái lệch cao gần 5cm so với vai phải, lồng ngực biến dạng, cột sống cong chữ S. góc hơn 60 độ, khung chậu lệch vẹo… Em được bác sĩ cho thuốc giảm đau, điều trị cổ vai gáy, chờ đến khi khỏi các cơn đau, căng cơ, bác sĩ sẽ tiếp tục cải thiện cột sống cho D. bằng các bài tập điều chỉnh cơ xương khớp. 

Không điều trị sớm có thể tật nguyền

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Anh - Trưởng Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A - cho biết, gù vẹo cột sống là một biến dạng của cột sống khá phổ biến. Ngoài một số trường hợp trẻ bị gù, cong vẹo cột sống do dị tật bẩm sinh thì tư thế ngồi học không đúng, trẻ mang vác quá nặng, kích thước bàn ghế ngồi học không phù hợp lứa tuổi cũng là lý do khá phổ biến ở trẻ gù, vẹo.

Trong đó, cột sống bị cong lệch sang một bên theo hình chữ C, hoặc cong ở 2, 3 vị trí của cột sống trở lên theo hình chữ S, lệch vai. Các dị tật này thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển mạnh của trẻ, thường trước tuổi dậy thì, làm cho người bệnh bị gù, vẹo và xoay cột sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng khác… Từng có trường hợp trẻ bị phát hiện quá trễ, không thể chữa khỏi dẫn đến bị tật nguyền suốt đời. 

Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh, ngày nay nhiều trẻ khi được phát hiện có tật về cột sống thường được điều trị hỗ trợ bằng áo nẹp định hình, nhưng đây không phải là phương pháp tối ưu. Bởi áo nẹp không giúp điều trị khỏi vẹo cột sống, mà chỉ phần nào giúp ngăn ngừa vẹo cột sống tăng nặng. Hầu hết áo nẹp phải được mặc cả ngày và đêm, suốt nhiều năm liền, rất bất tiện. Đây cũng là giai đoạn trẻ thiếu kiên nhẫn, cảm thấy rườm rà, đa số trẻ sẽ bỏ mang áo nẹp, làm cho bệnh tiến triển nhanh hơn.

Nhiều năm nay, phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp khắc phục các trường hợp cột sống lệch, vẹo trong giai đoạn sớm, mức độ nhẹ. Thay vì phải mang áo nẹp, trẻ chỉ cần thực hiện các bài tập để điều chỉnh cột sống. Trẻ vẫn có thể đến trường, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí bình thường. 

Trường hợp phát hiện trễ, trẻ bị gù, vẹo cột sống quá nặng, các đốt sống đã biến dạng thì phải trải qua ca phẫu thuật lớn. Lúc này, người bệnh phải được phẫu thuật hàn xương, nhằm hàn dính các đốt sống lại với nhau bằng cách đặt dụng cụ nắn chỉnh cột sống, giữ cho cột sống được thẳng và lành xương. 

Tuy nhiên, nếu trẻ còn quá nhỏ, việc hàn xương sớm sẽ gặp nhiều nguy cơ, như làm cột sống ngắn lại, ảnh hưởng đến chức năng tim, phổi, không hiệu quả nếu cột sống của bé cong vẹo nhiều đoạn hay toàn bộ. Ngoài ra, phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, đau đớn, tổn thương tủy và rễ thần kinh dẫn đến liệt hạ chi, không lành xương, khớp giả… Chính vì vậy, phụ huynh cần quan sát, phát hiện sớm các vấn đề về cột sống và đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe