Đừng để chính sách tốt nhưng việc tiếp cận khó

31/10/2022 - 06:12

PNO - Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ như vậy tại hội thảo chuyên đề “Doanh nhân trong hội nhập, phát triển và xây dựng thành phố” do Khối thi đua 5 (gồm một số cơ quan báo chí, xuất bản và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM) của UBND TPHCM tổ chức ngày 28/10.

Một số chính sách còn hình thức

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - phản ánh, thời gian qua, việc công khai một số chính sách còn mang tính hình thức nên các doanh nghiệp (DN) chưa thể mạnh dạn đầu tư.  

Ông dẫn chứng, UBND TPHCM ban hành chính sách hỗ trợ DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm giai đoạn 2020-2030. Trong đó có các giải pháp như ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ưu tiên quỹ đất sản xuất tại khu công nghiệp. Thế nhưng, đến nay, DN không rõ ưu đãi đầu tư cụ thể ra sao, quỹ đất cho lĩnh vực này là bao nhiêu, nằm ở vị trí nào. 

Lãnh đạo các doanh nghiệp mong các chính sách rõ ràng và dễ tiếp cận hơn (ảnh chụp tại dây chuyền sản xuất của DH Food) - ẢNH: NGUYỄN CẨM
Lãnh đạo các doanh nghiệp mong các chính sách rõ ràng và dễ tiếp cận hơn (ảnh chụp tại dây chuyền sản xuất của DH Food) - Ảnh: Nguyễn Cẩm 

Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - cho rằng, một số chính sách hỗ trợ DN đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống. Muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn, DN phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn, như phải lập báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tự chứng minh thanh khoản và khả năng trả nợ khi cơ cấu lại nợ. 

Theo ông, với các thủ tục này, nhóm DN vừa và nhỏ là nhóm khó tiếp cận chính sách nhất dù cần được hỗ trợ nhất. Riêng chính sách hỗ trợ thuê đất thì đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/9/2022, số tiền giải ngân các chính sách thuộc chương trình sơ bộ chỉ đạt 55.500 tỷ đồng, tương đương 16% trong tổng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Trong đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt tỷ lệ giải ngân chưa tới 1%. 

Trong quá trình sản xuất, các DN rất muốn đầu tư thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng các thủ tục xin giấy phép còn phức tạp. Đại diện Công ty First Solar Việt Nam cho biết đầu năm 2022, công ty này đã đầu tư thêm 60 triệu USD để cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường nhưng việc chờ duyệt các thủ tục rất mất thời gian. 

Đại diện các DN dự hội thảo cũng than rằng, hạ tầng giao thông ở TPHCM hiện chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, gây chậm trễ tiến độ sản xuất. Các tỉnh lộ 8 và 9 chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vào khu công nghiệp Tây Bắc (H.Củ Chi). Các tuyến đường chính dẫn vào cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức) đều vượt quá công suất, dẫn đến ùn tắc nặng, chậm thông quan và tăng chi phí của DN; thời gian vận tải đường bộ từ các khu công nghiệp đến cảng Cát Lái cũng tăng lên so với trước đây.

Bà Ngô Phẩm Trân - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục Đài Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cố vấn đầu tư BDI - đánh giá: TPHCM đang thừa nhân công trẻ nhưng lại thiếu lao động có tay nghề, chuyên môn sâu cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển của TPHCM, gồm 4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu. Các DN hiện đang thiếu lao động tay nghề cao lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), kỹ sư cơ khí, kỹ sư thiết kế trong các lĩnh vực điện tử, vật liệu mới, công nghệ nano nhưng khó tuyển được người và phải đào tạo lại trong 3 tháng, tốn thời gian và chi phí. 

Tăng cường hợp tác, liên kết 

Các doanh nhân bày tỏ, sẵn sàng tham gia quá trình phát triển TPHCM, chẳng hạn tham gia dự án xây dựng thành phố thông minh. Bà Ngô Phẩm Trân đề xuất, có thể liên minh, hợp tác với các nước phát triển cho dự án này. 

Về vấn đề nhân lực, bà Ngô Phẩm Trân đề xuất, nên tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phối hợp với nhau và phối hợp với DN để xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo sát với nhu cầu thực tế của DN hoặc thành lập những trường chuyên đào tạo nguồn nhân lực cao để phục vụ cho DN, thiết lập “trạm giao lưu nhân tài” để nhân tài ở nước ngoài có ý định về nước tham gia. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, UBND TPHCM nên kiến tạo những mô hình, hệ sinh thái, môi trường kinh doanh mới theo những tiêu chuẩn chất lượng cao như trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Chính phủ đã cam kết. Chính quyền cần hỗ trợ DN xây dựng và phát triển 3 nền tảng là tri thức hiện đại, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. UBND TPHCM cũng cần có những giải pháp đột phá và bền vững để DN yên tâm, tin tưởng đầu tư; nghiên cứu, đề xuất Trung ương có cơ chế phù hợp để khai thác mạnh mẽ 3 thế mạnh của TPHCM là đất đai, con người và công nghệ. 

Theo bà Lý Việt Trung - Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, Trưởng khối thi đua 5 - UBND TPHCM đang tiếp tục tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN. UBND thành phố đang có chiến lược xây dựng các tập đoàn kinh tế tầm cỡ, đội ngũ doanh nhân tầm cỡ khu vực và thế giới nhằm dẫn dắt kinh tế của thành phố; xây dựng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ để DN có nhiều điều kiện, cơ hội thuận lợi để phát triển kinh doanh, mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài; thực hiện các chính sách hỗ trợ thích hợp đối với những DN có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế; tập trung phát triển các lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh cao của nền kinh tế. 
“Tôi tin rằng với những định hướng, chủ trương, giải pháp lớn của thành phố, các DN sẽ vượt qua khó khăn để phát triển” - bà Lý Việt Trung bày tỏ. 

Các DN thường chỉ giải quyết vấn đề làm sao để có môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động chứ chưa chú tâm đào tạo đội ngũ kế thừa. Tôi cho rằng, phải tập trung vào con người để làm sao người lao động gắn bó với công ty một cách lâu dài và giúp người lao động xem công ty là ngôi nhà thứ hai để họ có thể truyền kinh nghiệm cho thế hệ kế cận, hay truyền từ đời này sang đời kia. Đã đến lúc cần đẩy mạnh chương trình mentoring (người dẫn dắt) trong cộng đồng DN. Bởi đây chính là những “người truyền lửa”, dìu dắt, hỗ trợ đội ngũ kế thừa, góp phần cùng nhau đưa “đầu tàu kinh tế” của cả nước phát triển. Trong đó, tập trung vào các yếu tố gồm con người cũng như tầm quan trọng của mentoring; đồng thời đề xuất cần phát động thành chương trình hành động của TPHCM.

TPHCM có khoảng 500.000 DN và nếu từng ấy chủ DN cùng tham gia hoạt động này sẽ đào tạo ra biết bao nhiêu thế hệ lãnh đạo DN kế cận cho TPHCM.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TPHCM

Chú trọng xây dựng văn hóa DN tại nơi làm việc, nơi sản xuất từ bản sắc văn hóa Việt Nam như trọng tình nghĩa, giữ chữ tín trong môi trường kinh doanh đầy tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị thành phố tiếp tục quan tâm đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh.

Ông Phạm Minh Tâm chuyên viên chính cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TPHCM

Doanh nhân Việt cần có tư duy toàn cầu và mạnh dạn phát triển kinh doanh ra nước ngoài, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của Việt Nam như tài nguyên, nhân lực và khả năng thích ứng cao, nhanh nhạy của doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó các doanh nhân cần xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam phù hợp với hội nhập toàn cầu để làm căn cứ đánh giá và xem đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong việc trao giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu TPHCM và Doanh nhân tiêu biểu TPHCM. 

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong