"Doanh nhân cần có tư duy phát triển ra toàn cầu"

28/10/2022 - 13:03

PNO - Sáng 28/10, Khối thi đua 5 - UBND TPHCM tổ chức Hội nghị “Doanh nhân trong hội nhập phát triển và xây dựng Thành phố” nhân kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2022).

 

 

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, Khối trưởng Khối thi đua 5 năm 2022 phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 28/10 - Ảnh: Phùng Huy

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, Khối trưởng khối thi đua 5 năm 2022, cho biết năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh COVID-19, TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới lẫn số vốn đăng ký mới. Doanh nghiệp thành lập mới chiếm 27,68% cả nước và số vốn đăng ký mới chiếm 31,39%.

Các số liệu thống kê của thành phố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố tăng trưởng 9,71% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách gần 350.000 tỷ đồng (hơn 90% dự toán năm, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu cả nước ước đạt gần 36 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TPHCM ước tăng 9,44% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%.

“TPHCM đang hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau dịch bệnh. Kết quả này có được là nhờ những quyết sách, chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, của thành phố. Cùng với đó là sự quyết tâm, nỗ lực của các doanh nhân trong việc khắc phục hậu quả do dịch bệnh, khó khăn khách quan do thị trường thế giới biến động rất lớn bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, lạm phát, xung đột Nga - Ukraine… Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn tạo dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế; đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng”, Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM nhấn mạnh.

Hội nghị nhằm mục đích lắng nghe những câu chuyện thực tế, sống động trong hành trình vượt khó của các doanh nghiệp, doanh nhân trong hội nhập và đồng hành cùng thành phố phát triển. Đặc biệt, các chuyên gia, doanh nhân chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý, những đề xuất kiến nghị về môi trường đầu tư, về cơ chế chính sách… để các doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, chăm lo lực lượng lao động, cũng như đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển của thành phố và đất nước.

Đại biểu tham gia Hội nghị Doanh nhân trong hội nhập phát triển và xây dựng Thành phố sáng 28/10 tại TP.HCM.
Đại biểu tham gia Hội nghị "Doanh nhân trong hội nhập phát triển và xây dựng Thành phố" sáng 28/10 tại TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, cho biết Ban tổ chức đã nhận được 24 bài tham luận của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện, Hội, CLB doanh nghiệp và doanh nhân.

Nhìn chung, các tác giả đều thống nhất về vai trò rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân, nhất là sau đại dịch COVID-19 diễn ra lần thứ tư tại TPHCM. Các tác giả cũng thống nhất tiếp tục cần nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TPHCM trong tình hình mới và xây dựng bản sắc văn hóa đặc trưng của doanh nhân Thành phố trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Kiến trúc sư Lê Viết Hải cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy và xây dựng hệ giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập với nền kinh tế thế giới cần có sự khác biệt dựa vào bản sắc văn hóa của dân tộc. Bản sắc văn hóa nổi bật của dân tộc ta là khi quốc gia bị đe dọa người dân sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để bảo vệ tổ quốc. Lợi ích chung luôn được đặt lên trên lợi ích riêng. 

“Các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần có tư duy phát triển ra toàn cầu và nắm bắt khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của Việt Nam như tài nguyên, nhân lực và khả năng thích ứng cao, nhanh nhạy của doanh nghiệp trong nước. Chúng ta cần có sự đồng thuận, ủng hộ và hợp tác từ mọi phía để tập hợp tối đa các nguồn lực cho một khát vọng của cả dân tộc, đưa giá trị thương hiệu Việt Nam có chỗ đứng trong bản đồ kinh tế thế giới”, kiến trúc sư Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM, nguồn nhân lực của một doanh nghiệp là nhân tố trực tiếp và gián tiếp xây dựng nên giá trị cho doanh nghiệp đó, từ nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho tới góp phần xây dựng thương hiệu. Một doanh nghiệp muốn hoạt động và phát triển ổn định phải có sự đóng góp của rất nhiều nguồn lực khác nhau như tài chính, vật chất, công nghệ… Nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại của một tổ chức. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự đầu tư cho hoạt động này.

“Trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư rất nhiều kinh phí cho công nghệ, áp dụng quản lý bằng hệ thống, phần mềm, nhưng theo tôi cho dù một ngày nào đó robot sẽ thống trị mọi thứ, công nghệ dù có tiên tiến phát triển đến đâu thì trí óc con người vẫn là điều tuyệt vời mà không cỗ máy nào có thể thay thế được. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta khi xây dựng chiến lược phát triển cho tương lai đa phần chuẩn bị về yếu tố thị trường, khách hàng, xây dựng cơ sở vật chất… nhưng con người chưa được chuẩn bị đầu tư một cách tương xứng”, bà Lâm chia sẻ.

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI