Dùng cồn can thiệp, chữa trị dị dạng mạch máu

13/09/2022 - 06:31

PNO - Nếu không được chẩn đoán phù hợp và điều trị kịp thời, hai bé gái sẽ phải đối diện với những biến chứng nguy kịch do mạch máu dị dạng gây chèn ép hoặc vỡ ra. Các bác sĩ đã dùng phương pháp can thiệp hiệu quả với chi phí rất thấp để xử lý hiệu quả bệnh lý này.

Dị dạng mạch máu phức tạp

Sáng 8/9, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định đã can thiệp điều trị thành công cho hai bé gái bị dị dạng mạch máu phức tạp. Trường hợp thứ nhất là bé gái L.K.H. (6 tuổi, ngụ tại tỉnh Lào Cai) bị dị dạng hỗn hợp tĩnh mạch, bạch mạch bẹn trái. Theo chị N. - mẹ của bệnh nhi - gia đình phát hiện bé H. có bất thường từ lúc hai tuổi. Mỗi lần đi đứng, chạy nhảy bé hay kêu đau và mỏi chân. Phần bụng của bé phình to dần lên, khi bệnh nhi đứng bụng sẽ phập phồng thấy rõ. 

Trường hợp thứ hai là bé P.B.T. (12 tuổi, ngụ tại tỉnh Quảng Ngãi). T. bị dị dạng tĩnh mạch ở đùi phải. Mạch máu dị dạng ở chân cứ thế phát triển không ngừng khiến chân bệnh nhi sưng to gần gấp đôi bình thường. T. bị đau và nặng chân, không thể đi lại được. Trước khi đến BV Nhân dân Gia Định khám, T. đã can thiệp điều trị ở nhiều nơi nhưng đều không hiệu quả. 

Bác sĩ Nguyễn Đình Luân đang giải thích với mẹ của bé H. về bệnh lý của con trước khi can thiệp điều trị
Bác sĩ Nguyễn Đình Luân đang giải thích với mẹ của bé H. về bệnh lý của con trước khi can thiệp điều trị

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Luân - Trưởng đơn vị X-quang can thiệp, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV - cho biết, đối với hai trường hợp nói trên, các bác sĩ dùng cồn tuyệt đối (Ethanol nồng độ 99,5%) để tiêm vào nhân dị dạng ở mạch máu. Cồn có tác dụng phá hủy nhân dị dạng, kích thích đông máu tại chỗ, từ đó nhân dị dạng sẽ xẹp đi hoặc biến mất.

Quá trình can thiệp cho các bệnh nhân này bắt đầu từ 10g30. Ca can thiệp cho bé H. kéo dài khoảng 40 phút, còn ca điều trị của bé T. diễn ra gần hai tiếng. Cả hai bệnh nhân sau đó được theo dõi, sau 24 tiếng tình trạng ổn định và được xuất viện.

Áp dụng cả tạo hình thẩm mỹ 

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Luân, không chỉ tập trung xử trí dị dạng mạch máu mà tại BV Nhân dân Gia Định còn áp dụng điều trị đa mô thức nhằm giúp bệnh nhân hồi phục toàn diện cả về mặt bệnh lý lẫn thẩm mỹ và tinh thần. Cách đây vài ngày, ê-kíp bác sĩ của BV đã điều trị cho một nữ bệnh nhi bị dị dạng mạch máu gây biến dạng vùng lưng bên trái. Vùng dị dạng này khiến phần lưng trái của bệnh nhi mất cân đối, to hơn phần lưng còn lại tới 40%. Sau khi triệt hết những mạch máu bệnh lý, bé gái này đã được các bác sĩ tạo hình thẩm mỹ của BV tái tạo lại vùng lưng, khôi phục hình thể bình thường.

Hay một nữ bệnh nhân 30 tuổi mới đến khám trong tình trạng môi sưng phồng do mạch máu dị dạng, sau bốn lần tiêm cồn, các mạch máu dị dạng vùng môi của bệnh nhân cũng đã được xử lý triệt để. BV còn phối hợp đa mô thức, đa chuyên khoa để tạo hình thẩm mỹ lại môi cho chị. 

Bác sĩ Luân cho biết, người bị dị dạng mạch máu chiếm tỷ lệ 1% dân số. Mỗi tháng, BV Nhân dân Gia Định điều trị cho khoảng 300 trường hợp. Tới nay, BV đã can thiệp cho 500 bệnh nhân dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn tuyệt đối với tỷ lệ thành công lên đến 97%, tỷ lệ biến chứng rất thấp chỉ dưới 4%. Phương pháp này vô cùng hiệu quả mà chi phí điều trị chỉ khoảng 6 triệu đồng. 

Phân biệt u máu với dị dạng mạch máu

Bác sĩ Nguyễn Đình Luân lưu ý: Dị dạng mạch máu rất hay bị nhầm lẫn với u máu. Nếu là u máu thì phẫu thuật được coi là cách điều trị hiệu quả. Đối với dị dạng mạch máu thì lại có nhiều cách can thiệp, như dùng keo, hạt để gây tắc mạch, hay cồn tuyệt đối như ở các ca bệnh kể trên.

Tuy đều mắc phải ngay từ khi mới sinh nhưng u máu chỉ phát triển tới lúc trẻ hai tuổi, sau đó từ từ thoái biến hoặc ngừng lại. Còn dị dạng mạch máu thì không dừng lại mà cứ thế phát triển to lên, dây thần kinh bị chèn ép gây đau nhức, ảnh hưởng các chức năng lân cận. Đó là chưa kể nếu dị dạng mạch máu động, tĩnh mạch sẽ gây chảy máu, khiến thiếu máu nuôi ở những đoạn xa trên cơ thể, hoại tử, nguy hiểm tính mạng.

Khó khăn nhất khi điều trị cho những bệnh nhân bị dị dạng mạch máu là quá trình phải đi lại nhiều lần, không thể xử lý triệt để ngay. Mỗi lần can thiệp bệnh nhân sẽ phải gây mê, vì thế đôi khi gia đình bệnh nhân không hợp tác, bỏ trị liệu giữa chừng.

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI