Đưa Phim tài liệu đến với khán giả: Vấn đề không phải là thời lượng

30/05/2021 - 18:15

PNO - "Phim tài liệu là hơi thở cuộc sống, trong xã hội có bao nhiêu hơi thở, là bấy nhiêu khía cạnh đề tài".

Tại buổi phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim tài liệu (60 phút) và phim hoạt hình (90 phút) năm 2021, nói về phim tài liệu, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, thế giới đã có nhiều phim tài liệu thời lượng dài, nhưng Việt Nam chỉ chủ yếu sản xuất phim tài liệu 20-30 phút, dẫn đến sự hạn hẹp về đề tài, chiều sâu khai thác và đối tượng hướng đến. Câu hỏi đặt ra là, sự lép vế của phim tài liệu so với các loại hình khác có phải nằm ở câu chuyện thời lượng?

Đừng bắt khán giả ăn mãi một món

Hiện nay, phim tài liệu Việt Nam có thời lượng dài không nhiều; số lượng phim tài liệu có thời lượng dài có thể ra rạp hoặc “bán” được trên các app (phần mềm) càng ít. Sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm - 2014), có thể kể một số tên phim khác: Lửa Thiện Nhân (Đặng Hồng Giang - 2015), chùm phim ngắn Đáng sống (Đặng Hồng Giang - 2016), Đi tìm Phong (Trần Phương Thảo, Swann Dubus - 2018), Màu cỏ úa (Lan Nguyên - 2020)…

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng -  một trong những phim tài liệu ra rạp ở Việt Nam
Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - một trong những phim tài liệu ra rạp ở Việt Nam

Lý giải hiện trạng đó, đạo diễn Đặng Hồng Giang nói: “Đó là điều hiển nhiên, khi mà lịch sử điện ảnh của các nước phát triển đi trước chúng ta quá xa”. Họ có quá nhiều kinh nghiệm làm phim các thể loại điện ảnh nói chung, không riêng gì phim tài liệu. Họ còn có những kênh phát hành chuyên biệt nổi tiếng khắp thế giới như History, Discovery, Animal, National Geographic… Trong khi đó, mảnh đất riêng cho phim tài liệu trên truyền hình vẫn phát triển mạnh, vì truyền hình ở họ rất linh động trong khung thời lượng. Tùy đề tài mà thời lượng phim co giãn, có phim lên tới 60-70 phút là bình thường.

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, từ khi nền điện ảnh Việt Nam bắt đầu có phim tài liệu đã chủ yếu phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Theo ông Đặng Hồng Giang, ở giai đoạn đó, là một sứ mệnh không thể khác.

Song, hiện thực cuộc sống nay đã khác, cách kể chuyện, phương pháp thể hiện… mang nặng tính tuyên truyền đó, về cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh, nhưng đa số các nhà làm phim tài liệu không chịu đổi mới. Thành thử, có hiện tượng, nhắc đến phim tài liệu, đa số khán giả mặc định đó là phim tuyên truyền. Khán giả ăn mãi một món cũng chán, quay lưng là điều dễ hiểu. Kéo theo, các nhà làm phim cũng chẳng mặn mà lắm.

“Chính các nhà làm phim tài liệu đã làm hỏng khái niệm thể loại này trong đầu khán giả. Quay lại các kênh phim tài liệu chuyên biệt mà tôi kể trên, khán giả Việt vẫn trả phí và xem say sưa, mà không để ý rằng, chúng chính là phim tài liệu. Vì sao vậy?”, đạo diễn Đặng Hồng Giang đặt câu hỏi.

Ở đây, cần làm rõ, bản thân đề tài chiến tranh cách mạng hoặc có yếu tố lịch sử không phải là nguồn cơn của sự lép vế đó. Vẫn có những bộ phim tài liệu hiếm hoi về đề tài này vượt thoát khỏi sự nhàm chán của phim tài liệu trong nước, đoạt những giải thưởng quốc tế. Chẳng hạn, Tiếng vĩ cầm ở Mã Lai (1998), thời lượng 35 phút, đạo diễn Trần Văn Thủy đã rinh về giải thưởng Phim ngắn hay nhất (Best Short Film Award) tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43 tổ chức ở Thái Lan (1999). Cũng trong năm này, phim đạt giải Bông sen bạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.

Hay gần nhất, Lời cuối của cha - một bộ phim của đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế như Social World (Ý, 2017), Cottbus (Đức, 2017), Jogja NETPAC Asian (Indonesia, 2017), New Narrative (Đài Loan, 2018), Kochi Biennale (Ấn Độ, 2018)… và đoạt giải thưởng cho dự án phim tài liệu dài, giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim tài liệu quốc tế Dehong (Trung Quốc, 2018)…

Vậy thì, vấn đề không nằm ở thời lượng ngắn hay dài. Nói như đạo diễn Đặng Hồng Giang, quan trọng nhất vẫn là cách kể chuyện, phương pháp thể hiện: “Đôi khi có những phim tài liệu cực ngắn nhưng đọng lại trong lòng khán giả những thông điệp rất khó phai”.

Phim tài liệu là hơi thở cuộc sống

Màu cỏ úa là bộ phim tài liệu độc lập hiếm hoi có thể ra rạp và gây tiếng vang vào năm ngoái. Tác giả - đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ, trước khi làm phim về nhạc sĩ Trần Tiến, chị cứ nghĩ, phim tài liệu phải là một cái gì đó to lớn, hoành tráng. Nguyên định làm một phim dạng ca ngợi và nghiêng về tiểu sử; nhưng trong quá trình làm, chị nhận ra là nên đưa vào đó những góc nhìn cá nhân của mình về một nhân vật nổi tiếng, thông qua những chi tiết nhỏ và rất đời.

2.	Kể lại mối quan hệ cộng sinh, hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, “Honeyland” là bộ phim tài liệu làm nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar
Kể lại mối quan hệ cộng sinh, hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, “Honeyland” là bộ phim tài liệu làm nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar

Màu cỏ úa dạy tôi một bài học: đừng cố làm một bộ phim to tát. Một bức tranh lớn, một thông điệp lớn, hoàn toàn có thể được kể lại thông qua những câu chuyện nhỏ, những nhân vật nhỏ, chi tiết nhỏ và đời thường”, Lan Nguyên nói. Lấy dẫn chứng các phim tài liệu Việt Nam ra rạp trong mấy năm qua và các phim My octopus teacher - phim tài liệu xuất sắc nhất Oscar 2021, Honeyland (2020) - phim tài liệu đạt kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Oscar, hay Nomadland - một phim điện ảnh (có tính tài liệu) đoạt giải Phim xuất sắc nhất Oscar 2021… Lan Nguyên đặt vấn đề: “Đó dường như cũng là xu hướng của phim thế giới đang đi”.

Đặng Hồng Giang mở rộng thêm: “Không cứ là những câu chuyện nhân văn, đời thường. Ví dụ, phim tài liệu điều tra, phim lịch sử… ở các nước cũng rất hút khách. Phim tài liệu là hơi thở cuộc sống, trong xã hội có bao nhiêu hơi thở, là bấy nhiêu khía cạnh đề tài. Các nhà làm phim tài liệu Việt Nam cũng nên đa dạng hóa và cập nhật đề tài, đưa hơi thở hiện thực cuộc sống vào”.

Việt Nam có một mỏ quặng đề tài phong phú mà không phải nền điện ảnh nào cũng có được, nhưng ta chưa biết khai thác để bật nổi nó lên. “Việt Nam là một nước đang phát triển, mọi thứ vẫn đang được định hình, cũ - mới, xấu - tốt đan xen… Có quá nhiều chất liệu để chuyển hóa thành điện ảnh dù thể loại nào, dù phim tài liệu hay phim truyện… nhưng chúng ta chưa làm được… Hiện thực đất nước hôm nay, hiện thực đất nước trong lịch sử, văn hóa vẫn đang vẫy gọi những nhà làm phim nghệ thuật”, đạo diễn Đặng Hồng Giang kết luận. 

Đậu Dung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI