Thương hiệu phim "Fast and furious": Hành trình 20 năm nhiều cảm xúc

27/05/2021 - 17:25

PNO - Từ một bộ phim về đề tài đua xe, kinh phí chỉ 38 triệu USD và là phim hạng B, sau 20 năm ra đời, "Fast and furious" đã trở thành một thương hiệu phim hành động. Đây cũng là loạt “bom tấn” không có nguồn gốc từ truyện tranh ăn khách nhất hiện nay của Hollywood (tám phần thu 5,8 tỷ USD).

Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch bệnh, phần mới nhất (phần 9) của thương hiệu phim Fast and furious đã ra mắt sớm với khán giả Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Nga và khu vực Trung Đông vào cuối tuần qua. Còn tại quê nhà, đến tháng Sáu phim mới trình chiếu. Trong ngày đầu ra mắt, phim đã thu gần 70 triệu USD và được dự báo thu 150-180 triệu USD trong tuần đầu trình chiếu.

Ra rạp trễ hai năm so với dự kiến vì đại dịch, nhưng sự có mặt của Fast 9 ở thời điểm hiện tại càng thêm ý nghĩa, khi đánh dấu cột mốc 20 năm ra đời của thương hiệu phim đua xe này. So với những xê-ri phim hành động lâu đời khác như James Bond (59 năm), Mission: Impossible (25 năm), Fast and furious “trẻ” hơn nhưng mức độ ăn khách không hề thua kém, khi tám phần phim Fast and furious đã thu hơn 5,8 tỷ USD.

20 năm cho chín phần phim là một hành trình dài với nhiều thăng trầm và cảm xúc. Nguyên thủy ý tưởng phim đến từ đạo diễn Rob Cohen, sau khi ông đọc bài viết Race X phản ánh chuyện đua xe đêm bất hợp pháp đăng trên tạp chí Vibe (1998). Tên phim ban đầu là Redline rồi đổi thành The fast and the furious sau khi đơn vị sản xuất là hãng Universal ưng tên này và mua lại bản quyền từ đạo diễn Roger Corman - người làm phim The fast and the furious năm 1954.

Phần 9 của Fast and furious tiếp tục làm người xem mãn nhãn bởi phần hành động đỉnh cao
Phần 9 của Fast and furious tiếp tục làm người xem mãn nhãn bởi phần hành động đỉnh cao

Mùa hè năm 2001, trong khi người hâm mộ toàn cầu còn đang lên cơn sốt với Tomb Raider: Lara Croft thì The fast and the furious xuất hiện và lập tức gây tiếng vang bởi những màn đua xe mạo hiểm được dàn dựng một cách rất thủ công. Trong phần này, ấn tượng nhất là màn đua xe “cúp đầu” một tàu hỏa đang chạy của hai nhân vật Brian (Paul Walker đóng) và Dom (Vin Diesel đóng). The Fast and the Furious thu hơn 200 triệu USD toàn cầu và hãng Universal lập tức lên kế hoạch làm phần hai. 

Không may thay, nam chính Vin Diesel từ chối trở lại, chỉ còn mỗi Paul Walker. Thiếu Vin Diesel - linh hồn của phim - và Rob Cohen cũng rời ghế đạo diễn, 2 fast 2 furious trở thành phần phim nhạt nhẽo, thậm chí còn nhận hai đề cử Mâm xôi vàng, dù được đầu tư cao hơn. Tuy vậy, những cảnh hành động trong phim vẫn “ảo diệu”, điển hình là đoạn Brian phóng xe từ đất liền lao lên boong một du thuyền đang chạy.

Sang phần 3 Tokyo Drift, một lần nữa Vin Diesel lại từ chối vì không ưng ý kịch bản, và lần này thì Paul Walker cũng rút theo. Phần 3 đành bẻ lái bằng một cốt truyện tách biệt hẳn hai phần đầu, và cho dù đạo diễn Justin Lin có cố gắng đưa vào bối cảnh Tokyo mới lạ, và những cảnh đua xe đặc sắc, thì đây vẫn là phần phim ít hấp dẫn nhất khi chỉ thu hơn 150 triệu USD - thấp nhất trong số các phần của The fast and the furious

Sau hai lần thất bại, thương hiệu phim này bắt đầu tìm lại hào quang từ phần 4: Fast and furious. Toàn bộ dàn diễn viên trong phần một tái xuất và phim cũng chuyển sang hướng khai thác đề tài trộm cắp, gián điệp chứ không còn nhấn nhiều yếu tố đua xe. Điểm nổi bật của phần này là cú twist táo bạo ở cuối phim khi Brian giải cứu Dom khỏi xe tù, và giới thiệu được nhân vật mới Like Hobbs (The Rock đóng) - người gắn bó với các phần phim sau của Fast and furious

Trên đà thành công của các phần 4, 5, 6, phần 7 được triển khai ngay chỉ vài tháng sau khi phần sáu ra rạp. Nhưng bộ phim vừa khởi quay không lâu, nam chính Paul Walker đã tử nạn. Cái chết đau xót vì tai nạn ô tô của một ngôi sao dòng phim đua xe quả là một bi kịch trớ trêu và khó tin. Để dự án được tiếp tục, 90 cảnh quay của Paul Walker trong các phần phim cũ được tái dùng, còn lại hơn 200 cảnh phim dở dang về nhân vật Brian do hai em trai của anh là Caleb và Cody Walker đóng thay.

Phần 7 trở thành phần phim ăn khách nhất của thương hiệu này (thu hơn 1,5 tỷ USD), nhưng đổi lại từ đây khán giả cũng không còn thấy nhân vật Brian đồng hành cùng Dom nữa. Hình ảnh tài tử Paul Walker ngồi trong xe mỉm cười vẫy tay chào người anh em xuất hiện ở cảnh cuối phim, đã lấy đi không ít nước mắt người xem. 

Kể từ phần 6 trở đi, The Fast and the Furious chính thức chuyển mình thành dòng phim thuần hành động, mang hơi hướm loạt phim Bond hay Mission: Impossible. Những màn đua xe tất nhiên vẫn còn, nhưng ngày càng được nâng cấp lên thành đua với xe tăng, tàu ngầm, thậm chí trực thăng, máy bay phản lực. Độ “ảo diệu” của các pha hành động ngày càng không tưởng, ví dụ ô tô nhảy dù từ máy bay, ô tô lao từ tòa nhà chọc trời sang tòa nhà bên cạnh, dàn siêu xe đâm bổ từ tòa nhà cao tầng xuống mặt đất như mưa… Ở phần 9, những cảnh hành động còn trở nên hoang đường hơn như ô tô đu dây cáp để vượt biển hay ô tô có gắn tên lửa để phóng lên trời! 

Sở hữu các yếu tố xế xịn, gái đẹp, nhưng điều lấy lòng khán giả của thương hiệu The fast and the furious là yếu tố tình cảm gia đình, tình bạn, tình anh em được đề cao trong cốt truyện. Brian từ chỗ đối đầu với Dom đã trở thành anh em chí cốt của Dom và những người thân của anh gồm Letty (bạn gái Dom), Mia (em gái Dom). Mối quan hệ giữa Dom và đặc vụ Luke Hobbs cũng từ chỗ là địch thủ chuyển thành cộng sự. Dù họ chiến đấu như thế nào, thì mục đích cuối cùng vẫn là bảo vệ gia đình mình.

Câu nói của Dom: “Họ không phải là bạn bè, họ chính là gia đình tôi” cũng là tinh thần của bộ phim. Hollywood không thiếu những bộ phim hành động bom tấn, cũng không thiếu những bộ phim về đề tài tình cảm gia đình, nhưng một bộ phim trộn lẫn thành công cả hai yếu tố đó như Fast and Furious thì không dễ có. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI