Dự án đường Vành Đai 3: Đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân

03/06/2022 - 06:50

PNO - Dự án đường Vành Đai 3 sẽ ảnh hưởng đến hơn 3.800 hộ dân của bốn địa phương gồm TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Để tránh gây xáo trộn cuộc sống người dân, chủ đầu tư dự kiến sẽ bố trí nơi ở mới cho các hộ bị giải tỏa gần nơi ở cũ.


Tái định cư gần nơi ở cũ

Trong kỳ họp thứ ba (diễn ra từ ngày 23/5 - 16/6), bên cạnh những nội dung quan trọng khác, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư đối với năm dự án đường bộ quy mô lớn, trong đó có dự án đường Vành Đai 3. Hiện các địa phương có đường Vành Đai 3 dự kiến đi qua đang chuẩn bị địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ có nhà bị giải tỏa trong dự án này. 

Tổng chiều dài dự án đường Vành Đai 3 qua địa bàn TP.HCM là 47,51km (trong ảnh: Một đoạn Quốc lộ 22 sau có đường Vành Đai 3 sẽ kết nối với tỉnh Long An, Bình Dương) - ẢNH: S.V.
Tổng chiều dài dự án đường Vành Đai 3 qua địa bàn TPHCM là 47,51km (trong ảnh: Một đoạn Quốc lộ 22 sau có đường Vành Đai 3 sẽ kết nối với tỉnh Long An, Bình Dương) - ẢNH: S.V.

Tại TPHCM, TP.Thủ Đức dự kiến có 228 hộ cần được TĐC. Địa phương này hiện còn 1.541 nền đất trong dự án khu TĐC Long Bình - Long Thạnh Mỹ (P.Long Bình, P.Long Thạnh Mỹ) và 228 căn hộ trong khu TĐC của dự án Khu công nghệ cao (P.Tăng Nhơn Phú A) để bố trí chỗ ở mới cho các hộ trên. 

452 hộ dân ở H.Bình Chánh có nhà bị giải tỏa sẽ được bố trí vào khu TĐC 30ha xã Vĩnh Lộc B và khu dân cư ở xã An Hạ, xã Phạm Văn Hai - nơi đang có sẵn 316 nền và 136 căn hộ. Do ở H.Hóc Môn không có khu TĐC tập trung nên 25 hộ bị giải tỏa sẽ được TĐC ở H.Bình Chánh. Trong khi đó, 36 hộ cần được TĐC ở H.Củ Chi sẽ được UBND huyện vận động nhận thêm 5% giá trị bồi thường, hỗ trợ để tự lo nơi ở mới.

100 hộ ở tỉnh Đồng Nai sẽ được bố trí TĐC tại H.Nhơn Trạch; 120 hộ ở tỉnh Long An sẽ được bố trí TĐC tại H.Bến Lức; 515 hộ ở tỉnh Bình Dương sẽ được hỗ trợ bằng tiền để tự lo nơi ở mới.

Đảm bảo sự công bằng 

Tiến sĩ Nguyễn Thiềm (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, trong mọi dự án, tỷ lệ đồng thuận của người dân sẽ cao và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ nhanh chóng nếu dân thấy được lợi ích chung của dự án và nhận được chính sách đền bù công bằng. Chính quyền TPHCM từng xây dựng đề án sử dụng đất đai với giải pháp thu hồi đất rộng hơn kế bên dự án hạ tầng để TĐC tại chỗ cho tất cả hộ bị thu hồi đất. Phần đất dư ra sẽ được quy hoạch, bán đấu giá để thu tiền phục vụ dự án hạ tầng. 

Đường Vành Đai 3 có tổng chiều dài khoảng 76,34km, gồm 47,51km qua TPHCM (TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, H.Hóc Môn và H.Bình Chánh), 11,26km qua tỉnh Đồng Nai, 10,76km qua tỉnh Bình Dương, 6,81km qua tỉnh Long An. Đường này góp phần hình thành mạng lưới giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ đó góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu của các địa phương trên. 

Thực tế, khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng (xây đường mới hoặc mở rộng đường cũ), giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước. Do đó, việc thu hồi đất hai bên đường không chỉ tạo quỹ đất để đấu giá nhằm tăng nguồn thu, đồng thời dùng chính quỹ đất đó để xây dựng nhà TĐC tại chỗ cho người dân. Thời gian qua, có tình trạng các hộ đang ở mặt tiền đường bị bố trí TĐC ở chung cư, các hộ ở trong hẻm “bỗng dưng” có nhà mặt tiền đường. Điều này tạo ra sự bất công.

Do đó, nên bố trí TĐC theo hướng người ở mặt tiền cũ được TĐC ở mặt tiền đường mới với diện tích tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm sau khi thực hiện dự án; người không ở mặt tiền đường được TĐC tại chỗ ở chung cư. Nếu áp dụng cách này vào dự án đường Vành Đai 3, người dân sẽ được đảm bảo quyền lợi và tỷ lệ đồng thuận sẽ cao hơn. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Thiềm, khi xây dựng phương án, chủ đầu tư cần cung cấp đầy đủ thông tin về dự án gồm công tác đền bù, GPMB, TĐC và lấy ý kiến từng hộ dân, tránh tình trạng tự đưa giải pháp, bị dân phản ứng rồi phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Cần thành lập một ban công tác, trong đó có đại diện người dân, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và chuyên gia để thực hiện công tác đền bù, TĐC nhằm đảm bảo công bằng, an dân. 

Sớm bàn giao mặt bằng “sạch” để thi công

Đường Vành Đai 3 dự kiến đi qua bốn địa phương gồm TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, ảnh hưởng hơn 3.800 hộ dân, trong đó gần 1.500 hộ cần được TĐC. TPHCM có gần 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng, với 741 hộ cần được TĐC. Chi phí GPMB của dự án là 41.600 tỷ đồng, trong đó đoạn qua TPHCM cần hơn 25.600 tỷ đồng. 

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, đơn vị chủ đầu tư dự án đường Vành Đai 3 tại TPHCM - cho biết ngay khi được Quốc hội thông qua chủ trương, các địa phương sẽ triển khai công tác GPMB mà không cần chờ hoàn tất các thủ tục liên quan. Công tác GPMB dự kiến sẽ hoàn tất vào quý II/2024 để có mặt bằng “sạch” thi công và hoàn thành cơ bản dự án trong năm 2025. 

Xin cơ chế đặc thù cho dự án

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho hay HĐND, UBND TPHCM sẽ trình Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù cho dự án, như tách riêng công tác bồi thường GPMB, TĐC thành các dự án thành phần, độc lập so với dự án xây dựng; đồng thời Quốc hội cho phép chỉ định thầu đối với khâu GPMB, gồm khảo sát, đo vẽ, bồi thường, xây dựng nhà TĐC. Nếu được Quốc hội thông qua, dự án sẽ có tám dự án thành phần, mỗi địa phương phụ trách một dự án thành phần GPMB và một dự án thành phần xây lắp. Đồng thời, việc chỉ định thầu cũng giúp rút ngắn thời gian hoàn thành khâu GPMB so với đấu thầu. 

Ông Trần Quang Lâm thông tin thêm, trong phương án bồi thường về giá, sở đã nghiên cứu tính đúng, tính đủ và có dự phòng phí (hơn 4.700 tỷ đồng) cho các khoản trượt giá, phát sinh. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang làm việc với các địa phương về kế hoạch sử dụng đất, quỹ nhà TĐC, đơn giá đất. Đặc biệt, sắp tới, UBND TPHCM sẽ tổ chức hội nghị về công tác bồi thường, GPMB để triển khai thực hiện dự án với sự tham dự của cả hệ thống chính trị nhằm chỉ đạo sâu sát, nhất quán việc phối hợp thực hiện các khâu để quyết tâm khởi công dự án vào cuối năm 2023. 

Đơn giá đền bù tiệm cận với giá thị trường

Công tác khảo sát, chuẩn bị, lên phương án đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc sớm hoàn thành khâu GPMB. Điểm thuận lợi là chính quyền TPHCM đã có kinh nghiệm tách GPMB thành dự án thành phần riêng, có thể triển khai ngay khi có chủ trương mà không cần chờ thủ tục của dự án thành phần xây lắp; khi bố trí vốn cho xây lắp là có mặt bằng “sạch” để khởi công ngay. 

Đặc biệt, tháng Hai vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành quy chế mới về phối hợp thực hiện trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC, trong đó có nhiều điểm mới như rút ngắn được thời gian, thủ tục đền bù GPMB, đồng thời đơn giá đền bù cũng tiệm cận với giá thị trường hơn. Khi triển khai dự án này, TPHCM cần theo sát công tác GPMB của ba tỉnh còn lại, tránh tình trạng chỗ này giải tỏa, chỗ kia vướng khiến dự án bị “cắt khúc”, mất đi tính liên kết vùng của tuyến đường vành đai này.

Tiến sĩ Dư Phước Tân 
(Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)


 Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI