Dự án bỏ hoang, dân không có đất cuốc cày

13/07/2023 - 06:09

PNO - Hàng chục ha đất được thu hồi để bàn giao cho các dự án với kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt vùng biên giới, tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng rồi, tất cả đều bỏ hoang, trong khi người dân “khát” đất sản xuất.

Hứa nhiều, làm chẳng bao nhiêu

Năm 2013, dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao có công suất 250.000 tấn nguyên liệu lá sả mỗi năm, được khởi công tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Dự án do Công ty TNHH Việt Nam Nam Đàn Vạn An làm chủ đầu tư, diện tích hơn 33ha, tổng đầu tư 217 tỉ đồng. Nhưng sau khi khởi công, suốt 10 năm qua, hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp được thu hồi vẫn đang để hoang nơi vùng biên giới. 

Ông Trần Văn Lịnh - 53 tuổi, trú thôn Thủy Chung, xã Thanh Thủy - cho biết, người dân xã này từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao. Với những lời hứa như “rót mật vào tai”, kiểu như “khi dự án được triển khai, người dân có cơ hội được nhận vào nhà máy làm việc, sẽ có thu nhập cao hơn…”, ai cũng ủng hộ việc giao đất.

Xin cày đất dự án để trồng sắn không được, ông Linh đành mua trâu về chăn thả
Xin cày đất dự án để trồng sắn không được, ông Linh đành mua trâu về chăn thả

Ngoài nhường đất nông nghiệp, gần 20 hộ dân ở thôn Thủy Chung cũng đồng thuận di dời đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án. Chị Nguyễn Thị Vân - 44 tuổi, trú thôn Thủy Chung - cho biết, với những người trên 50 tuổi, không còn cơ hội vào làm việc trong nhà máy, khi di dời được Công ty Nam Đàn Vạn An hứa hỗ trợ từ 3-5 triệu đồng/người/tháng đến cuối đời.

Nhưng lời hứa này thực hiện chẳng bao lâu. “Mẹ chồng tôi 75 tuổi được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng, còn mẹ ruột 79 tuổi được hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng. Họ hỗ trợ khoảng hơn 1 năm thì dừng lại” - chị Vân nói.

Theo người dân, năm 2014, sau khởi công, phía công ty cho tuyển người trồng sả, hàng trăm người từ khắp nơi đổ về nộp hồ sơ xin việc. Bà con nhân dân tại xã biên giới Thanh Thủy ai cũng nghĩ mình sẽ có cơ hội làm việc ngay tại quê nhà, hoặc có thể mở các cửa hàng kinh doanh, buôn bán khi dân cư đông đúc. Nhưng rồi khung cảnh huyên náo đó chỉ diễn ra thời gian ngắn.

Đất bỏ hoang, nhưng dân "đụng vào" không được

Không có việc làm, đất sản xuất cũng chẳng còn, nhiều người dân xã Thanh Thủy đành phải khăn gói vào Nam, ra Bắc tìm việc làm. “Nhà có 4 sào đất trồng chè và sắn, đều đã giao cho dự án. Ngày đó chúng tôi cứ nghĩ nếu không làm công nhân thì cũng xin được vào làm bảo vệ. Giờ thì việc không có, đất cũng chẳng còn. Thanh niên lớn lên đều phải đi xa kiếm cái ăn” - chị Vân buồn rầu. 

“Thiếu đất sản xuất, nhiều người đánh liều khai thác đất của dự án để trồng các loại cây ngắn ngày. Nhưng cày bừa xong thì họ không cho trồng. Tiếc đất bỏ hoang bạt ngàn nên tôi mua cặp trâu về chăn thả để có việc làm” - ông Nguyễn Hữu Linh - 66 tuổi, trú xã Thanh Thủy - kể lại. 

Cách đó không xa, dự án Chợ đầu mối khu vực biên giới do Công ty cổ phần Tân Long làm chủ đầu tư với 13,5ha, tổng mức đầu tư hơn 860 tỉ đồng, cũng chung số phận. Sau hơn 10 năm thu hồi đất, đến nay dự án thành nơi chăn thả trâu bò. “Khi thu hồi đất, người ta hứa sẽ biến nơi này thành khu chợ sầm uất, nhộn nhịp. Thế mà giờ thành nơi chăn thả trâu bò như thế này đây. Dân nhiều lần kiến nghị, nếu không làm thì trả lại đất cho dân canh tác, nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - một phụ nữ chăn trâu trên dự án Chợ đầu mối khu vực biên giới - nói.

Ông Hà Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy - cho biết, cả 3 dự án lớn có tổng diện tích gần 300ha được triển khai trên địa bàn xã đều đang bỏ hoang. Riêng dự án xây dựng khu tái định cư Khe Mừ không tác động đến kinh tế địa phương, 2 dự án còn lại từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của xã biên giới Thanh Thủy. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng và nhà đầu tư sớm triển khai dự án để tránh lãng phí tài nguyên đất. 

Theo ông Hà Hồng Thái, với dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao, phía chủ đầu tư cho rằng vì vùng này không phù hợp với cây sả nên họ đã chuyển sang một loại cây khác. Còn ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho biết, dự án đã được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho điều chỉnh sang trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao. Thủ tục đã được tỉnh phê duyệt, còn lúc nào làm thì… phụ thuộc vào nhà đầu tư! 

Năm 2011, cửa khẩu Thanh Thủy được nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia với mục tiêu biến khu vực này thành nơi sầm uất về mọi mặt. Cùng với đó là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (Lào) đi qua cửa khẩu Thanh Thủy cũng được Chính phủ 2 nước đồng ý nghiên cứu xây dựng. “Dự án Chợ đầu mối khu vực biên giới nhằm “đón đầu” sự phát triển. Nhưng do khu vực biên giới chưa sôi động như kỳ vọng nên chủ đầu tư không còn mặn mà triển khai dự án” - ông Hà Hồng Thái thông tin.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI