Đất bỏ hoang để cỏ mọc song địa phương vẫn thiếu đất xây trường

02/03/2023 - 14:54

PNO - Quận 12 có 14 khu đất không sử dụng, khu thì bỏ hoang cỏ mọc, khu cho thuê sử dụng không đúng mục đích nhưng địa phương vẫn thiếu đất xây trường…

 

Thực tế này được bà Võ Thị Chính - Phó chủ tịch UBND quận 12 nêu ra tại Hội nghị thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học trên địa bàn TPHCM do UBND TP tổ chức sáng 2/3. 

Theo tính toán, đến năm 2025, quận 12 dự kiến sẽ có 132.895 dân số trong độ tuổi đi học, cần 3.987 phòng học. Như vậy, giai đoạn 2023-2025 quận cần bổ sung thêm 1.113 phòng học mới đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.  

Bà Võ Thị Chính- Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, địa phương có 14 khu đất bỏ hoang nhưng không thể thu hồi
Bà Võ Thị Chính - Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết, địa phương có 14 khu đất bỏ hoang nhưng không thể thu hồi

Bà Võ Thị Chính khẳng định, dự kiến đến năm 2025 quận không thể đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, bởi việc tăng thêm hơn 1.000 phòng học nữa để đủ chỉ tiêu là rất khó khả thi với quận. Tốc độ tăng dân số cơ học trên địa bàn quận rất lớn, mỗi năm trung bình quận tăng thêm hơn 4.000 trẻ vào lớp 1… Thậm chí chỉ tiêu đạt 240 phòng học cũng không thể đạt được vì vướng nhiều thứ về các vấn đề liên quan đến đầu tư công, thủ tục phức tạp; quỹ đất xây trường học ít nhưng lại bị khống chế phòng học, tầng học. 

“Ngoài quỹ đất sạch quận có rà soát các khu đất do cơ quan xí nghiệp, công ty nhà nước quản lý nhưng để trống không sử dụng. Hiện quận có kiến nghị thành phố thu hồi 14 khu đất thuộc diện này song kiến nghị rất nhiều năm nay nhưng hiện tại vẫn chưa được chủ trương thu hồi lại. Nếu như có quỹ đất này để đầu tư xây dựng trường học thì sẽ giảm rất nhiều áp lực” - bà Chính chia sẻ.

Lãnh đạo quận này nêu ví dụ, địa bàn quận có khu đất là Trung tâm sâm dược liệu (Bộ Y tế) nằm kế bên trường học, mà trường đang xuống cấp trầm trọng. Địa phương đã xây dựng trường mới và đề xuất thu hồi khu đất này để mở rộng trường cũ nhưng khó khăn trong khi khu đất này thì bỏ hoang, chỉ trồng vài cây sả… “14 khu đất, có cái thì bỏ hoang, khu thì cho thuê lại không đúng mục đích sử dụng nhưng đề xuất thu hồi thì khó”- bà Võ Thị Chính băn khoăn.

Thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học đến năm 2025, đến nay Hóc Môn là địa phương xếp “chót bảng” về số phòng xây dựng được khi mới đạt 211 phòng. Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu - Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn chia sẻ, tốc độ tăng dân số trên địa bàn huyện quá nhanh do vậy vấn đề giáo dục rất căng. Trong giai đoạn 2020-2025 huyện có 16 dự án trường học song đến nay mới đạt được 7/16 dự án. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 có thêm 17 trường song cũng chưa được ghi vốn…

“Hóc Môn có 4 xã thiếu trường lớp song khu vực thị trấn thì lại dư lớp. Huyện đề xuất chủ trương là từ mật độ dân số tính bậc học, từ đó tính ở địa bàn nào để đầu tư, đồng thời đề xuất thành phố tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có năng lực phù hợp được đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; kiến nghị tận dụng thêm tầng cao công trình để tăng diện tích sân chơi, tăng hệ số sử dụng đất…”- bà Lê Thuỵ Mỵ Châu kiến nghị.

"Không đánh trống bỏ dùi"

Trước khó khăn về trường lớp của các địa phương, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị các địa phương phải tổng rà soát lại nguồn lực cơ sở vật chất, biện pháp; cân nhắc tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục…

Đặc biệt, ông cho biết, giai đoạn 5-10 năm trước thành phố có rất nhiều dự án khu đô thị mới, theo quy hoạch đều có đất dành cho giáo dục, y tế. Như vậy địa phương cần rà soát lại và có tiếng nói mạnh mẽ, xem những quy hoạch đó có được tôn trọng hay không. Đất giáo dục đang được dùng làm gì để có phương án tốt nhất. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, đất giáo dục phải phục vụ giáo dục cho người dân chứ không phục vụ cho một nhóm người
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, đất giáo dục phải phục vụ giáo dục

“Thực tế nhiều nơi con em công nhân người lao động ở ngay trong các khu đô thị nhưng lại không có điều kiện học mặc dù khu đó có trường học song lại là trường quốc tế, học phí lên đến cả tỉ đồng. Địa phương, ngành giáo dục phải xem lại điều này, có ý kiến mạnh mẽ khách quan vì lợi ích người dân. Đất giáo dục là phải phục vụ giáo dục, mục đích chính là phục vụ mọi người dân chứ không phải là một nhóm đối tượng nào đó…”- Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý các địa phương cần phải quan tâm đến cấu trúc, kiến trúc khi xây trường, chăm chút từng dự án để tận dụng công năng sử dụng, diện tích, làm sao xây trường phải ra trường, tránh việc xây khối hình hộp chữ nhật mà không có bố cục, cấu trúc, kiến trúc. 

Liên quan đến việc đầu tư cho các dự án giáo dục, ông kể lại câu chuyện khi đi kiểm tra thực tế tại Trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao huyện Bình Chánh. Trường mới xây dựng song giai đoạn 1, giai đoạn 2 không thể triển khai được vì không được cấp vốn trung hạn. Giai đoạn 2 là sân vận động, đường chạy…

“Điều đáng nói là trong khi trường được giao nhiệm vụ đào tạo 3 môn là bóng đá, điền kinh, võ thuật mà bóng đá thì không có sân, điền kinh thì không có đường chạy…  Có phải là đang đánh trống bỏ dùi, trường năng khiếu thể dục thể thao song không khác gì trường phổ thông bình thường vì chỉ có lớp học.. Như vậy vẫn chưa quan tâm đúng mức đầy đủ.  Đầu tư giáo dục phải thật kỹ lưỡng, chỉn chu”- ông đặt vấn đề.

Để thực hiện được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức giao nhiệm vụ cho các quận huyện rà soát lại quy mô số lượng chất lượng của các cơ sở giáo dục, đối chiếu mục tiêu, phối hợp ngành giáo dục và các sở ngành liên quan xây dựng lộ trình cụ thể đạt mục tiêu ở từng cấp học, khối học, phân bổ từng địa bàn.

Với các địa bàn có quy mô nhỏ như quận trung tâm thì phải tính toán khoảng cách vật lý để có những quy hoạch liên phường chứ không nên cứng nhắc đánh giá theo địa giới hành chính, không phù hợp thực tế sẽ gây khó khăn.   

Ông cũng đề nghị các địa phương cần tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án có nhu cầu sử dụng đất giáo dục; Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư lĩnh vực giáo dục, tăng cường nguồn lực xã hội phát triển giáo dục; Đề xuât giải pháp đặc thù huy động nguồn vốn ngoài ngân sách phát triển giáo dục…

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, tính đến tháng 12/2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học đã đạt 294 phòng. Trong đó, đã có 12/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu gồm: quận 4 (286), quận 8 (292), quận 12 (235), quận Bình Thạnh (297), quận Gò Vấp (205), quận Tân Bình (288), quận Tân Phú (255), quận Bình Tân (288), huyện Bình Chánh (260) và huyện Hóc Môn (211). Về xây dựng kế hoạch đến năm 2025 dự kiến còn 3 quận vẫn chưa đạt chỉ tiêu gồm: quận 4 (289), quận 12 (240) và quận Gò Vấp (220).

Tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học không đồng đều giữa các cấp học, tỷ lệ thực hiện cấp tiểu học và THCS đạt thấp, tập trung tại TP Thủ Đức (khu vực quận Thủ Đức cũ) và một số quận, huyện như: quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. 


Minh Linh

 

 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI