Đột quỵ không còn là 'bệnh của người già'

03/04/2019 - 10:00

PNO - Cuối tháng 3/2019, Bệnh viện Quốc tế City (CIH) đã cứu sống bệnh nhân 28 tuổi, bị tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ não) do xuất huyết não.

Trước đó một tháng, ca sĩ trẻ Đại Nhân cũng vào bệnh viện cấp cứu vì bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não. Căn bệnh nguy hiểm này không còn là “đặc quyền” của người cao tuổi.

Ngủ dậy “đơ” nửa người

Trong công trình nghiên cứu của một nhóm bác sĩ cho thấy: trong sáu tháng, Khoa Đột quỵ Bệnh viện 115 tiếp nhận đến 122 trường hợp là người trẻ bị đột quỵ não. Tiến sĩ - bác sĩ Trần Chí Cường - cố vấn chuyên môn Trung tâm Đột quỵ CIH-SIS Bệnh viện CIH - cảnh báo, ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ não, trong đó có khá nhiều trường hợp bị xuất huyết não khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bác sĩ Trần Chí Cường cho biết, ông vừa tiếp nhận bệnh nhân Lê H.N., 28 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM, được gia đình đưa vào Bệnh viện CIH cấp cứu vì nhức đầu và nôn ói liên tục. Vợ anh cho biết, anh bị tình trạng này đã bốn ngày. Cơn đau đầu tiên xuất hiện sau bữa ăn tối ở ngoài nên anh và gia đình nghĩ bị trúng thực. 

Dot quy khong con la 'benh cua nguoi gia'
Bệnh nhân Lê H.N. và vợ vui mừng vì được cứu chữa kịp thời và vừa xuất viện

Anh bị cơn đau đầu hành hạ từ 12g đêm đến sáng không sao ngủ được nên phải vào bệnh viện khám. Kết quả chụp CT não cho thấy anh N. bị xuất huyết não thái dương trái - não thất nghi vỡ dị dạng mạch máu não. Tiếp đó, anh N. được chụp mạch máu não bằng ứng dụng công nghệ cao - DSA và phát hiện anh bị xuất huyết do dị dạng mạch máu (AVM). Anh N. và gia đình ngỡ ngàng vì trước đó sức khỏe anh bình thường, không uống rượu, hút thuốc, chỉ có công việc áp lực.

Còn ca sĩ Đại Nhân kể, ngày 24/2, khi vừa ngủ dậy anh phát hiện tay, chân trái không thể cử động. Anh tưởng người bị tê và cố gắng cử động nhưng không được. Trong lúc anh cố gắng vận động thì té xuống giường. Anh định kêu người nhà thì phát hiện miệng lưỡi bị cứng, méo, nói chuyện rất khó khăn. May mắn người thân của anh phát hiện và đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Bác sĩ chẩn đoán anh bị tai biến mạch máu não (TBMMN).

Có những trường hợp người bệnh bị TBMMN rất nặng và tính mạng như chỉ mành treo chuông. Như trường hợp ông Đỗ Văn H., 42 tuổi, ở Q.5. Ông là doanh nhân, có thói quen hút thuốc lá 1,5-2 gói/ngày suốt 10 năm nay. Gần đây, lúc 2g sáng, người thân phát hiện ông không biết gì, bị méo mặt, xoay mắt và đầu niểng qua một bên, liệt nửa người trái và nói ú ớ.

Ông được cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lúc 3g30 sáng. Ông H. được khám, chụp CT và được chẩn đoán nhồi máu não vùng thân não, tắc động mạch đốt sống thân nền. Ông được chích thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và chuyển ngay lên phòng can thiệp. Nhờ được cứu trong giờ vàng (3g kể từ khi phát bệnh) ông H. hồi phục nhanh chóng. Ba ngày sau can thiệp, ông đã nói chuyện rõ, không còn yếu liệt chi.

Loại bệnh gây tử vong hàng đầu

Ca sĩ Đại Nhân vẫn nhớ cảm giác hoang mang với nỗi sợ “bị liệt nửa người”. May mắn, anh bị nhẹ và được phát hiện kịp thời nên sau hai ngày điều trị đã hồi phục. Anh đăng trên trang cá nhân lời cảnh báo: “Mọi người lưu ý khi gặp các triệu chứng mới ngủ dậy tay chân không cử động được, mặt bị cứng đơ thì nhập viện liền. Tai biến độ tuổi nào cũng có thể bị, nếu phát hiện sớm phải điều trị càng nhanh càng tốt”.   

Dot quy khong con la 'benh cua nguoi gia'
Điều trị đột quỵ tại BV Nhân dân 115 TP.HCM. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trước đây, khi nói bệnh TBMMN người ta thường nghĩ đến người cao tuổi. Nhưng hiện nay, bệnh lý nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong, tàn phế cao này ngày càng gia tăng ở người trẻ, trung niên. TBMMN có hai dạng: tắc/nghẽn mạch hoặc xuất huyết do vỡ mạch. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam (chiếm hơn 20% các trường hợp tử vong mỗi năm).

Ước tính mỗi năm, nước ta có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% tử vong, trong đó có không ít người trẻ tuổi. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng - Trưởng đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, đột quỵ nếu xảy ra thường rất nặng nề và hầu hết người bệnh vào bệnh viện trễ, không kịp “thời gian vàng” nên dễ gặp nguy hiểm tính mạng, cũng như nguy cơ tàn phế rất cao.

Bác sĩ Trần Chí Cường giải thích: “Lý do chính khiến người trẻ bị xuất huyết não là do dị dạng mạch máu. Ngoài ra, tăng huyết áp, tiền sử béo phì, ít vận động, cholesterol trong máu cao, áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến dễ bị xuất huyết não khi còn trẻ tuổi”.

Riêng từ trường hợp đau đầu, nôn ói tưởng bị trúng thực ở trên, nhưng là xuất huyết não thì bác sĩ Cường khuyên: “Đau đầu ở người trẻ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh hệ lụy chảy máu não có thể gây tử vong”. 

Thuốc lá có nguy cơ gây đột quỵ rất cao

Các yếu tố nguy cơ tim mạch chung như hút thuốc lá, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường… cũng là các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Riêng thuốc lá có nguy cơ rất cao gây đột quỵ. Ước tính người hút thuốc lá nhiều hơn 1 gói/ngày như trường hợp của ông H. - nguy cơ đột quỵ tăng gấp bốn lần, còn hút thuốc ít hơn có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với bình thường. Nếu ngưng hút thuốc từ hai năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm, ngưng được 5 năm thì nguy cơ trở về bằng với người không hút thuốc. 

Một số bệnh lý gây đột quỵ có tính gia đình như dị dạng mạch máu, túi phình mạch máu não, hoặc các bất thường tắc nghẽn mạch máu bẩm sinh… Nên khi người bệnh được chẩn đoán các bệnh này, người thân trong gia đình cũng nên được tầm soát các bệnh lý tương tự. 

Cần phòng bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc, hạn chế bia rượu, tập thể dục, giữ cân nặng…

Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI