Đông Nam Á chứng kiến ngày chết chóc khi số ca nhiễm và tử vong tăng cao

02/07/2021 - 19:10

PNO - Ngày 2/7, Thái Lan báo cáo số ca tử vong kỷ lục trong ngày thứ ba liên tiếp với 61 trường hợp, giữa lúc các nước láng giềng chật vật ứng phó COVID-19.

Thái Lan hiện ghi nhận 2.141 trường hợp tử vong vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 cũng báo cáo 6.087 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm lên 270.921 trường hợp tính đến 2/7.

Người dân nhận vắc xin Sinovac của Trung Quốc ở Bangkok, Thái Lan
Người dân tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc ở Bangkok, Thái Lan

Tượng tự Campuchia báo cáo 32 trường hợp tử vong do COVID-19, mức tăng kỷ lục hàng ngày. Hiện tổng số ca bệnh tăng vọt lên 52.350 người, với 660 trường hợp tử vong. 

Một thành viên quân đội Campuchia tiêm phòng cho người dân ở vùng cảnh báo đỏ, trong bối cảnh đợt bùng phát COVID-19 mới nhất đe dọa thủ đô Phnom Penh
Một thành viên quân đội Campuchia tiêm phòng cho người dân ở vùng cảnh báo đỏ

Trong một bài phát biểu hôm 1/7, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo: "Một làn sóng lây nhiễm thứ ba sẽ đến nếu không có hành động kịp thời. Hiện nay đang có một đợt bùng phát mới do biến thể Delta gây ra, không chỉ ở Campuchia, mà trên toàn thế giới".

Cậu bé ôm một con mèo khi chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong quá trình kiểm tra hàng loạt tại một trường học ở Jakarta, Indonesia, ngày 2/7
Cậu bé ôm một con mèo khi chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trường học ở Jakarta, Indonesia, ngày 2/7

Trong một nỗ lực để ngăn chặn lây nhiễm, các biện pháp "khẩn cấp" sẽ được Indonesia áp dụng từ ngày 3-20/7, bao gồm các hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc di chuyển và đi lại bằng đường hàng không, lệnh cấm nhà hàng ăn uống và đóng cửa các văn phòng không thiết yếu.

Đối mặt với một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất ở châu Á, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới gần đây đã chứng kiến ​​số ca nhiễm bệnh tăng kỷ lục, ngày 1/7 khi ghi nhận 24.836 trường hợp mắc và 504 trường hợp tử vong do COVID-19.

Một nhân viên y tế trong trang bị bảo hộ cá nhân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từ một bé gái tại một trường học ở Jakarta, Indonesia
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một bé gái tại một trường học ở Jakarta, Indonesia

Indonesia sẽ tăng chi tiêu cho trợ cấp xã hội và chăm sóc sức khỏe để đối phó với sự gia tăng đột biến của ca nhiễm COVID-19, cũng như giảm bớt tác động vào nền kinh tế sau những hạn chế chặt chẽ hơn.

Indonesia đang tăng gấp ba lần nguồn cung cấp oxy cho các bệnh viện khi dữ liệu cho thấy biến thể Delta chiếm hơn 60% các trường hợp nhập viện. Các bệnh viện ở Jakarta và trên toàn đảo Java đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu, khiến Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo rằng đất nước này đang ở bờ vực của thảm họa.

Người nhà của bệnh nhân COVID-19 xếp hàng để nạp đầy bình oxy ở khu vực Manggarai, Jakarta
Người nhà của bệnh nhân COVID-19 xếp hàng để nạp đầy bình oxy ở khu vực Manggarai, Jakarta

Chính quyền Myanmar đã áp dụng các biện pháp lưu trú tại nhà đối với thành phố lớn thứ hai của đất nước - Mandalay – từ ngày 2/7, khi các trường hợp nhiễm COVID-19 không ngừng gia tăng, giữa lúc nhiều nhân viên y tế đình công để phản đối chính quyền.

Người dân tại hai thị trấn ở khu vực phía nam Bago đã thức dậy với những hạn chế mới, cấm nhiều hơn một người rời khỏi nhà không vì lý do y tế. Không có khung thời gian nào được đưa ra cho các quy tắc mới.

Các nhà chức trách Myanmar đã báo cáo hơn 1.500 trường hợp nhiễm mới hôm 1/7, tăng khoảng 100 trường hợp mỗi ngày vào đầu tháng Sáu. Myanmar đã ghi nhận 3.347 trường hợp tử vong liên quan đến vi rút SARS-CoV-2, mặc dù số liệu thực có khả năng cao hơn.

Các nhân viên y tế khiêng quan tài của một nạn nhân COVID-19 ở Tedim, bang Chin, Myanmar
Các nhân viên y tế khiêng quan tài của một nạn nhân COVID-19 ở Tedim, bang Chin, Myanmar

Sự lây lan của COVID-19 ở các quốc gia Đông Nam Á đã làm lộ ra những lỗ hổng trong việc triển khai tiêm chủng tại các nước đang phát triển khi nguồn cung vắc xin khan hiếm, ảnh hưởng đến những người lao động nhập cư dễ bị tổn thương.

Các quốc gia giàu có đã hứa cung cấp thêm nguồn lực và vắc xin cho các quốc gia nghèo hơn để chống chọi với sự gia tăng mới. Nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo những nỗ lực này không đủ để tiêm chủng cho phần lớn dân số thế giới - cách duy nhất để thực sự chấm dứt đại dịch.

Nhân viên y tế chuẩn bị liều vắc xin CoronaVac tại Bangkok vào ngày 22/6
Nhân viên y tế chuẩn bị liều vắc xin CoronaVac tại Bangkok vào ngày 22/6

Tấn Vĩ (theo Reuters, CNA, Guardian, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI