Doanh nhân Tôn Nữ Xuân Quyên: Những chiếc bút nhỏ xinh và hình ảnh, Văn hoá của người Việt

02/10/2022 - 18:19

PNO - Từ những vỏ sò, vỏ trai bỏ đi, qua đôi tay khéo léo và sự sáng tạo của người thợ thủ công, Tôn Nữ Xuân Quyên nối bước gia đình hồi sinh nghệ thuật khảm trai ngàn năm tuổi của người Việt xưa để tạo nên những chiếc bút nhỏ xinh.

Kế thừa tinh hoa 

Tôn Nữ Xuân Quyên chứng kiến ba mẹ khởi nghiệp từ khi cô còn rất nhỏ: từ căn gác xép 20m2 trong hẻm nhỏ ngoằn ngoèo với sáu người thợ cần mẫn mài cắt từng chiếc vỏ sò, trai, ốc để làm ra những chiếc nút áo xà cừ cho đến khi thành xưởng lớn với quy mô 10.000m2, đội ngũ thợ thủ công lành nghề lên đến hơn 150 người, dựng nên thương hiệu Tôn Văn chuyên sản xuất nút áo cho các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Dior, Burberry, Ralph Lauren… Cũng từ đó, Quyên ấp ủ giấc mơ tạo ra sản phẩm quà tặng vừa phát huy được tay nghề người thợ, vừa khiến họ tự hào.

Doanh nhân  Tôn Nữ Xuân Quyên
Doanh nhân Tôn Nữ Xuân Quyên

“Mỗi chiếc bút BluSaigon ra đời đều gắn liền với những làng nghề lâu đời ở Việt Nam như khảm trai, sơn mài, mộc mỹ nghệ, giấy dó... Vì thế, hơn cả một chiếc bút, đó là giá trị lịch sử của người Việt” - Quyên chia sẻ và nói thêm: “Tôi hy vọng mỗi chiếc bút vừa là món phụ kiện đẹp vừa là tuyên ngôn thời trang, có thể trở thành quà tặng quốc gia của Việt Nam. Đó sẽ là người bạn đồng hành đáng tin cậy với lời nhắc rằng bạn là duy nhất, giống như những vân ốc độc bản trên chiếc bút đồng thời là sợi dây kết nối thế hệ - kỷ vật có thể trao cho con cháu sau hàng thập niên”.

Giấc mơ của cô gái từng tốt nghiệp đại học loại ưu ngành tài chính - kinh doanh này không dừng ở việc kế thừa một phần di sản của cha - “vua nút áo” Tôn Thạnh Nghĩa - để tạo nên bản sắc Việt trong những sản phẩm thủ công tinh xảo từ những phế phẩm bỏ đi của trai, sò, ốc, góp phần vào hành trình bền vững toàn cầu. Giấc mơ ấy còn chất chứa hy vọng có thể xóa đi định kiến màu mè, kém sang trọng về hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và vươn lên chiếm lĩnh một phần thị trường quà tặng phân khúc cao cấp, đặc biệt ở mảng bút.

Hiện tại, BluSaigon có năm dòng bút với nhiều loại mực, mỗi dòng có tên riêng. Mỗi chiếc bút của BluSaigon mất 24-72 giờ, trải qua hơn 20 công đoạn để hoàn thành. Tất cả công đoạn cắt, mài, ráp, khảm… đều được làm hoàn toàn thủ công. Nhờ sự gia công tỉ mỉ và sự khác nhau của những đường vân, xà cừ trên lớp vỏ, mỗi chiếc bút gần như là độc bản. Khoen bút, giắt bút được mạ vàng, bạc hoặc bạch kim theo công nghệ Ý, đảm bảo sản phẩm không bị ô-xy hóa, trong khi ngòi bút được gia công tại Đức - quốc gia hàng đầu về các sản phẩm bút cao cấp, mực được chọn từ những hãng sản xuất hàng đầu tại Nhật và Ý.

Mỗi chiếc bút BluSaigon đều là hàng thủ công
Mỗi chiếc bút BluSaigon đều là hàng thủ công

“Với thâm niên 25 năm sản xuất nút ngọc trai, nguồn nguyên liệu là thế mạnh của chúng tôi. Vỏ sò, ngọc trai chủ yếu được nhập khẩu ở các nước khác nhau tùy từng màu. Chẳng hạn màu hồng, cam từ sông Mississippi (Mỹ); màu nâu, tím từ Indonesia; màu đen có ở đảo Tahiti (Pháp); màu trắng từ Australia; màu bào ngư tại New Zealand. Ở Việt Nam, chúng tôi chỉ có thể tìm được các vỏ ốc màu nâu và tím”.

Ấp ủ trên của Quyên hoàn toàn có cơ sở khi hiện nay, sau bốn năm phát triển, mỗi tháng, BluSaigon tung ra thị trường khoảng 3.000 chiếc bút, chiếm lĩnh 20% thị trường bút cao cấp Việt Nam, bên cạnh các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Montblanc, Parker, Sailor, Dupont.S.T… BluSaigon còn liên tục đạt nhiều giải thưởng khởi nghiệp danh giá.

Quyên nói, tất cả mới chỉ ở bước khởi đầu vì cô là tân binh trong lĩnh vực này và còn rất nhiều việc phải làm để đưa sản phẩm ra thế giới.

Tất cả công đoạn cắt, mài, ráp, khảm… đều được làm hoàn toàn bằng tay
Tất cả công đoạn cắt, mài, ráp, khảm… đều được làm hoàn toàn bằng tay

Tự tạo áp lực cho bản thân 

Phóng viên: Nhiều người chọn kế nghiệp gia đình khi cha mẹ có công việc kinh doanh thành công, chị thì không. Lý do ở đây là gì?

Doanh nhân Tôn Nữ Xuân Quyên: Áp lực người kế thừa hoàn toàn không xuất hiện trong gia đình tôi. Tuy nhiên, khi không có áp lực, tôi lại thấy mình sống không có mục tiêu nên đã tự tạo áp lực cho mình từ nhỏ. Người ta hay nói “nghèo vượt khó” còn tôi hay bị đùa là “giàu vượt sướng”. Ba tôi thường nói, phải tự tạo áp lực cho bản thân vì đó là động lực để phát triển.

Tôi nghĩ ba mẹ khởi nghiệp từ số 0, thế hệ tôi được sinh ra từ số 10 thì phải nỗ lực vươn đến 100, 1.000 hoặc nhiều hơn. Lớn lên cùng vỏ ngọc trai suốt hơn 20 năm, di sản tinh thần tôi sở hữu chính là tình yêu mãnh liệt với vỏ ngọc trai Việt Nam, từ quá trình khởi nghiệp gian nan của gia đình. Tôi còn có sự gắn bó với các nghệ nhân khi chứng kiến họ kết hôn, sinh con đẻ cái rồi nhìn thấy con cái họ lớn lên trong khuôn viên công ty. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm tiếp tục mang đến cho họ cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, cha mẹ tôi và tôi thuộc về hai thế hệ khác nhau nên cách quản lý không tương đồng, tôi quyết định thành lập BluSaigon.

Cha mẹ cho tôi 4 tỷ đồng, 3/4 trong số đó gồm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, nhân sự có kinh nghiệm, R&D (nghiên cứu và phát triển). Với số tiền mặt ít ỏi, tôi phải suy nghĩ nát óc để có thể vừa marketing, tìm nhân sự vận hành, vạch chiến lược và mở showroom đầu tiên.

* Ý tưởng làm bút đến với chị như thế nào?

- Tôi chọn bút xuất phát từ sở thích viết và đọc sách. Tình cờ, một dịp, cha tôi muốn tìm một món quà mang thương hiệu quốc gia dành tặng cho vị bác sĩ người Nhật đã có hơn 20 năm tham gia mổ hàm ếch cho trẻ em Việt Nam. Thời điểm đó, ông không tìm được món quà đáp ứng mong muốn. Khi thấy các thương hiệu lớn làm được và tại Việt Nam chưa có nhà sản xuất tạo ra dòng bút cao cấp, cha con tôi lên ý tưởng thử sức với một thương hiệu bút có thể trở thành quà tặng quốc gia. Những sản phẩm đầu tiên nhận được nhiều lời khen, tôi lấy đó làm động lực để tạo ra những mẫu mới.

* Là quà tặng quốc gia nhưng không ít dòng bút của BluSaigon lại được đặt tên nước ngoài. Vì sao vậy?

- Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những sản phẩm cao cấp, bền vững, kể câu chuyện về văn hóa Việt, tôn vinh tài hoa nghệ nhân và bản sắc làng nghề truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, chúng tôi học hỏi nhiều từ các sản phẩm nước ngoài, tính Việt trên mỗi cây bút chưa nhiều nên việc gán tên Việt là chưa phù hợp. Dù vậy, những tên gọi như Hermes, Liah, Zeus… được đặt cho những dòng bút khá thân thuộc với nhiều người Việt. Từ tháng Chín này, chúng tôi giới thiệu ra thị trường một số bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các địa danh, câu chuyện/nhân vật lịch sử như “Tả Thanh Thiên”, “18 đời vua Hùng” hay “Nam Phương Hoàng hậu”.

Hướng đến phân khúc cao cấp hơn và để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, mỗi chiếc bút của BluSaigon trong tương lai đều sẽ được đánh số như một dấu nhấn độc bản. Một số dòng bút sẽ được sản xuất với số lượng giới hạn, bán với giá vài chục đến vài trăm triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng dành cho việc sưu tầm. Hiện tại, đảm nhận khâu thiết kế cho chúng tôi là một nhà thiết kế người Pháp. Bạn biết đấy, nói về độ xa xỉ và khắt khe của hàng cao cấp thì gu thẩm mỹ của người Pháp đủ sức chinh phục thế giới.

* Trong các cuộc trò chuyện cùng những cá nhân dấn thân với sản phẩm văn hóa truyền thống, câu chuyện tôi thường được nghe là khó khăn trong việc thuyết phục những nghệ nhân lành nghề đổi mới để phù hợp hơn với yêu cầu thời đại. Chị có gặp phải tình trạng này?

- Như đã chia sẻ, nhiều nghệ nhân gắn bó với chúng tôi từ 10 đến hơn 20 năm. Họ cũng được truyền lửa và đam mê công việc sáng tạo, làm ra những sản phẩm đẹp. Khi cả hai phía cần nhau, chúng tôi dễ dàng cộng hưởng để sáng tạo. Trách nhiệm của tôi là định hướng nghệ thuật, truyền cảm hứng và tạo ra môi trường an toàn, trân trọng sản phẩm của họ.

Để thu hút thế hệ kế cận, chúng tôi tối giản hóa và chia nhỏ quy trình sản xuất, đưa công nghệ vào hỗ trợ. Việc sản xuất được chia thành nhiều công đoạn khác nhau, tương tự việc bạn gỡ từng nút thắt. Công đoạn đơn giản dành cho lao động phổ thông, công đoạn phức tạp hơn được dành cho những nghệ nhân dày kinh nghiệm. Nhờ vậy, chúng tôi linh hoạt trong sản xuất và hướng đến sản xuất hàng loạt mà vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Học cách tha thứ cho bản thân trước những lỗi lầm ngớ ngẩn

* Người Việt vốn có tâm lý chuộng hàng ngoại. Với các sản phẩm cao cấp, hàng Việt gần như ít khả năng cạnh tranh. Đây có phải là rào cản lớn nhất của chị và cộng sự khi làm BluSaigon?

- Đúng vậy. Thoạt đầu, chúng tôi chỉ quan tâm kỹ thuật cũng như chất liệu mà quên chú trọng đến cảm xúc khách hàng trong khi việc định giá một sản phẩm đến từ những giá trị khách hàng cảm nhận được từ các khâu: thiết kế sản phẩm, trưng bày tại showroom, bán hàng, làm website… đến cách vận hành, dịch vụ sau bán hàng... Có những thiết kế mình thấy đẹp nhưng khách hàng không nghĩ như vậy. Giai đoạn đầu bán một chiếc bút giá cao là thử thách. Có thời điểm, chúng tôi buộc phải hạ giá.

Rào cản thứ hai đến từ bản thân tôi. Để bán được sản phẩm cao cấp, đòi hỏi phải hiểu khách hàng trong khi tôi không xài đồ hiệu, cũng không am hiểu về các thương hiệu xa xỉ. Do đó, tôi phải bứt mình khỏi những hạn định trước đó bằng cách học về định vị thương hiệu cao cấp sao cho phù hợp với giá trị và nguồn lực tài chính của mình.

Bên cạnh đó, tôi cũng tăng cường đào tạo nội bộ, giúp đội ngũ nâng cao thẩm mỹ, hiểu thêm về khách hàng. Các nghệ nhân học tính thẩm mỹ quốc tế đồng thời gắn liền với bản sắc Việt. Sau gần hai năm lúng túng, những vướng mắc này đang dần được tháo gỡ.

Bên gia đình nhỏ
Bên gia đình nhỏ

* Hai lần khởi nghiệp thất bại trước đó mang đến cho chị những kinh nghiệm nào trong lần khởi nghiệp này?

- Lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi thuộc lĩnh vực tài chính, ngay trên đất Mỹ, nhưng buộc phải đóng cửa sau sáu tháng vì… tôi không dám gọi cho khách hàng. Trở về Việt Nam, mang tâm lý của cô sinh viên tốt nghiệp loại ưu tại Mỹ, tôi muốn khẳng định bản thân sẽ thành công dù ở bất kỳ lĩnh vực nào. Do đó, tôi quyết định dấn thân với ý tưởng nhượng quyền cơm kẹp và phải gồng lỗ suốt bảy năm.

Dù vậy, tôi không chọn bỏ ngang mà gắn bó trọn vẹn với công ty cho đến khi bán lại. Tôi nghĩ rằng vận hành công ty có lợi nhuận thì đơn giản hơn vận hành công ty lỗ vì bạn phải luôn sáng tạo, tìm nhiều cách để tôi luyện ý chí và giữ sự lạc quan cho đội ngũ. Điều khiến tôi vui nhất chính là mình đã không bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những đức tính lớn nhất tôi học được từ cha mình - dám thử, dám làm và chấp nhận sai, thay vì ngồi im một chỗ và mãi đắn đo.

Hơn nữa, lần khởi nghiệp này cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, từ quản trị nhân sự, vận hành, cách “giáo dục” khách hàng khi thị trường còn mới cho đến kinh nghiệm từ đàm phán hợp đồng thuê mặt bằng, giá cả, tuyển dụng, quy trình sản xuất, marketing, sale tại Việt Nam… Tôi biết cách tạo động lực cho bản thân hơn. Từ một người dễ tính, tôi trở nên kỷ luật hơn, biết tha thứ cho bản thân trước những lỗi ngớ ngẩn hay hối tiếc về những quyết định đã qua.

Xuân Quyên và cha - ông Tôn Thạnh Nghĩa - tại chương trình Shark tank
Xuân Quyên và cha - ông Tôn Thạnh Nghĩa - tại chương trình Shark tank

* Với giấc mơ đưa bút BluSaigon ra thế giới, chị đã hiện thực hóa đến đâu?

- Hiện sản phẩm của chúng tôi đã bán tại một số thị trường Âu, Mỹ và xuất hiện trên sàn Amazon hai năm nay. Tuy vậy, thị trường nước ngoài chưa phải là trọng điểm của chúng tôi ở thời điểm này bởi mỗi chiếc bút đều là hàng thủ công, sản xuất cần đảm bảo chất lượng hơn số lượng. Tôi soi bút rất kỹ trước khi giao cho khách: không được có dấu vân tay trên bút, ngòi bút viết phải mượt, không được có bất kỳ vết xước nhỏ nào… Từng có lô hàng xuất đi nhưng khi phát hiện độ chênh giữa ngòi bút và đầu bút dù khoảng cách chưa đến 1mm, tôi vẫn cho thu hồi. Tôi muốn sản phẩm của mình khi đến tay khách hàng phải là sản phẩm tốt nhất bởi đó không chỉ là giá trị, uy tín của thương hiệu mà còn là hình ảnh, văn hóa của người Việt.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Thư hiên (thực hiện) 
Ảnh: Tony Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI