Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức mới

18/03/2022 - 06:23

PNO - Hầu hết doanh nghiệp ở TPHCM đã khôi phục hoạt động sản xuất trở lại như khi chưa có dịch COVID-19 nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn về giá nguyên vật liệu, nguồn lao động, vốn...

Hoạt động đạt 100% công suất

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony - cho biết công suất hoạt động của doanh nghiệp (DN) đã đạt 100%. Công ty có thêm một số hợp đồng xuất khẩu mới nhưng một số đối tác cũ cũng cắt giảm đơn hàng nên không có biến động về sản lượng. 

Bà Lý Thanh Phong - CEO Công ty TNHH 3D Hub Global - cho hay công ty bà gia công hàng cho các thương hiệu lớn như New Balance, Adidas, Walmark, Nike. Đơn hàng từ các thương hiệu này đang dần ổn định dù số lượng chưa thể nhiều bằng trước khi có dịch COVID-19.

Sau một thời gian thiếu hụt nhân lực, đến nay, Công ty kềm Nghĩa Sài Gòn đã có được 95% số lao động. Công nhân ở hầu hết các bộ phận phải tăng ca nhưng cũng chỉ giúp giải quyết được khoảng 80% số đơn hàng xuất khẩu cũ. Lượng đơn hàng xuất khẩu mới của công ty đảm bảo sản xuất đến hết quý III/2022. 

Theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội DN khu công nghiệp và khu chế xuất TPHCM - đến nay, có khoảng 350.000 công nhân đang làm việc trong 18 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao của TP.HCM, đạt gần 90% tổng số lao động cần có. Tỷ lệ DN hoạt động trở lại đạt gần 100%, lượng đơn hàng đạt khoảng 70 - 80% so với trước khi có dịch. 

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cho biết công ty ông nhận được đơn hàng để sản xuất đến hết quý II/2022, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước: “Đơn hàng may mặc tăng cao là do các đối tác trên thế giới đang có niềm tin lớn vào DN Việt Nam với các điểm mạnh như thích ứng nhanh, chuyên nghiệp, nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị ổn định”.

Hoạt động của các doanh nghiệp tại TP.HCM đã được khôi phục tuy nhiên họ đang gặp rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng mạnh. (Ảnh chụp tại Công ty may DONY) - ẢNH: T.HOA
Hoạt động của các doanh nghiệp tại TPHCM đã được khôi phục tuy nhiên họ đang gặp rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng mạnh. (Ảnh chụp tại Công ty may DONY) - Ảnh: T.Hoa

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - thông tin hiện có hơn 59% DN ổn định doanh thu so với năm trước; đặc biệt, có 21% DN tăng doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, có tới 51% DN bị giảm hoặc không có lợi nhuận, bị lỗ. Chi phí để thực hiện các mô hình “một cung đường, hai điểm đến” hoặc “ba tại chỗ” mà UBND TPHCM yêu cầu tuân thủ khi có dịch đã bào mòn lợi nhuận của hầu hết DN trong năm qua. Dù vậy, DN vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động, thu nhập không giảm. Hiện có 74% DN trả lương bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng. 

Đau đầu với tình trạng vật giá leo thang 

Ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành Nhà máy Sản xuất kềm Nghĩa Sài Gòn - dự báo tình hình kinh doanh của các DN sắp tới sẽ rất khó khăn do vật giá leo thang. DN buộc phải tăng thu nhập cho người lao động để bù vào mức trượt giá. Hiện giá xăng dầu, sắt thép, bao bì, vận chuyển đều tăng mạnh nhưng đối tác nước ngoài không chấp nhận đàm phán tăng giá với lý do các đơn hàng khác của họ ở Nga, Pakistan vẫn giữ nguyên giá. 

“Xung đột Nga - Ukraine có thể khiến các đơn hàng từ Nga dịch chuyển sang Việt Nam. Chúng tôi muốn tăng số nhân công để đón đầu các đơn hàng nhưng hiện rất khó tuyển. Nếu thu nhập ở TP.HCM không đủ sống do vật giá tiếp tục leo thang thì người lao động sẽ dịch chuyển về quê” - ông Trần Minh Tú nhận định và mong muốn Nhà nước có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá các nguyên vật liệu. 

Ông Phạm Quang Anh mong Chính phủ có giải pháp bình ổn giá xăng để giữ ổn định giá các mặt hàng khác. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá nguyên vật liệu ở Trung Quốc, Ấn Độ chỉ tăng khoảng 5% nhưng ở Việt Nam lại tăng lên 20 - 30% khiến các DN Việt Nam khó giải thích xuôi tai các đối tác. Các đối tác hiện nay cũng gặp không ít khó khăn do phí vận chuyển tăng cao gấp 300% so với trước, xung đột Nga - Ukraine khiến tiến độ vận chuyển đơn hàng chậm hơn, làm trễ tiến độ kinh doanh, ảnh hưởng đến việc đặt đơn hàng mới. 

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Tân Quang Minh - nói: “Chúng tôi vừa giải quyết được vấn đề thiếu lao động thì phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu. Hiện để mua được nguyên vật liệu, chúng tôi phải chấp nhận giá rất cao, có loại tăng giá hơn 40% nên rất khó có lợi nhuận. Trước mắt, DN phải nội địa hóa một số loại nguyên vật liệu để có giá rẻ hơn, rút ngắn thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ được 12%, còn lại vẫn phải nhập khẩu”. 

Hiện nay, số công nhân mắc COVID-19 (F0) và số tiếp xúc gần với F0 (F1) tăng nhanh. Các DN vẫn tổ chức để các công nhân F1 đi làm, chỉ những công nhân F1 ở chung nhà với F0 mới tạm nghỉ việc nhưng điều này cũng gây xáo trộn nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, TPHCM nên cho phép F0 đi làm như tỉnh Long An đã áp dụng. Đặc điểm của biến chủng Omicron là lây nhanh nhưng cũng khỏi bệnh nhanh, bệnh hiếm khi chuyển nặng nên không cần thiết để F0 nghỉ làm.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, có nhiều chỉ số đáng báo động mà chính quyền TPHCM và các cấp, các ngành cần lưu tâm và có chính sách hỗ trợ DN. Dịch COVID-19 đẩy giá thành sản xuất bình quân tăng lên 47% trong khi giá bán ra chỉ tăng 17%. Chưa kể, nhiều sản phẩm mất thị trường, trị giá hàng tồn kho tăng lên 30% so với bình quân các năm trước. Hiện chi phí vận chuyển, kho bãi, xuất khẩu đang lấy đi 70% lợi nhuận của DN. Trong khi đó, việc gia hạn thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng (VAT) có thời hạn quá ngắn, ít hiệu quả; chính sách giảm lãi vay ngân hàng và cơ cấu lại nợ đã được ban hành nhưng chỉ 9% DN được tiếp nhận có hiệu quả; việc giảm thuế VAT xuống còn 8% vẫn chưa được hướng dẫn thấu đáo khiến DN còn lúng túng khi áp dụng. 

Cũng theo ông Nguyễn Phước Hưng, hiện có một số chính sách thuế mới chưa phù hợp với DN. Chẳng hạn, Nghị định 126 (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế) quy định “tổng số thuế thu nhập DN đã tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập mà DN phải nộp theo quyết toán năm” trong khi hầu hết DN thường có doanh thu cao vào cuối năm và không thể dự báo trước doanh thu quý IV. Việc DN phải lập báo cáo thông tin về giao dịch liên kết theo Nghị định 132 (về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết) khiến DN phải tốn thêm chi phí hành chính, kinh doanh một cách không cần thiết. 

“Các DN cũng mong muốn các cơ sở ngoại giao triển khai công cụ trực tuyến, hỗ trợ tư vấn giải pháp cho DN khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các thị trường khác. Ở góc độ du lịch, cần có những chương trình xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Mỹ; nên tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại các tiểu bang của Mỹ. Chúng ta cần đưa các giá trị văn hóa vào hoạt động du lịch, có nhiều đường bay thẳng vào Mỹ (hiện mới chỉ có hai đường bay của Vietnam Airlines và Bamboo Airways) để tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực” - ông Nguyễn Phước Hưng nói. 

Theo khảo sát mới đây của HUBA, số DN thiếu vốn kinh doanh chiếm 44%, thiếu mặt bằng kinh doanh chiếm 14%, thiếu lao động phù hợp chiếm 53%, hạn chế chuỗi cung ứng chiếm 51%, thiếu thông tin thị trường chiếm 19%, khó đáp ứng yêu cầu về thuế chiếm 19%, chi phí không chính thức chiếm 36%... Cũng theo khảo sát trên, có 64% DN kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất; 70% kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tiền vay, lãi suất vay; 40% mong muốn được hỗ trợ tiền điện, phí viễn thông; 55% muốn được Chính phủ hỗ trợ người lao động; 23% muốn được hỗ trợ xuất khẩu; 26% muốn được hỗ trợ đất đai, nhà xưởng... 

TPHCM tập trung vào các chính sách phục hồi kinh tế trong ba năm tới

Theo kế hoạch triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 của Sở Công Thương TPHCM, các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng và đảm bảo lưu thông hàng hóa được đặc biệt chú trọng. Trong đó, tập trung các chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính để hỗ trợ vốn cho DN, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa. Với thị trường nội địa sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, kết hợp thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tạo sự chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả. Đối với thị trường xuất khẩu sẽ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng phát triển nhanh dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và thúc đẩy phát triển dịch vụ. Trọng tâm là phát triển dịch vụ logistics, cung cấp dịch vụ tài chính, đẩy mạnh liên kết vùng… Tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI