Điều dưỡng bệnh viện kiệt sức vì "gánh nặng kép"

10/05/2025 - 13:46

PNO - 44% điều dưỡng của khối lâm sàng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) bị kiệt sức từ mức trung bình tới cao.

Điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị hành hung - ảnh chụp từ clip
Điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị hành hung - Ảnh chụp từ clip

Ngày 10/5, tại Lễ Kỷ niệm ngày quốc tế điều dưỡng 12/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã công bố báo cáo tỉ lệ kiệt sức nghề nghiệp của điều dưỡng khối lâm sàng của bệnh viện.

Nghiên cứu được tiến hành năm 2024, với 300 điều dưỡng của khối lâm sàng. Theo nhóm nghiên cứu, căng thẳng trong công việc của điều dưỡng bệnh viện bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau ở cấp độ cá nhân và tổ chức, bao gồm cả năng lực chuyên môn.

Những thay đổi về thời gian làm ca có tác động đáng kể đến nhu cầu của điều dưỡng bệnh viện, từ đó gây căng thẳng trong công việc. Cuối cùng, làm tăng chi phí tổ chức do tăng doanh thu và giảm năng lực làm việc.

Hơn nữa, các kết quả bất lợi của căng thẳng công việc ở các điều dưỡng bệnh viện bao gồm vấn đề sức khỏe, thể chất, tinh thần, kiệt sức và tăng ý định luân chuyển. Điều này làm giảm hiệu quả công việc và giảm năng suất, hài lòng của bệnh nhân.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, 44% điều dưỡng có mức độ kiệt sức nghề nghiệp từ trung bình tới cao. Thời gian làm việc trên 8 tiếng/ngày làm tăng nguy cơ kiệt sức lên 3,2 lần. Vai trò trụ cột gia đình làm tăng nguy cơ kiệt sức lên 1,76 lần.

Tình trạng kiệt sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tương đương với một nghiên cứu tại bệnh viện Chấn thương chỉn hình TPHCM là 41,3% (2022) và thấp hơn so với nghiên cứu trên 85 đối tượng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng (75,2%).

72,7% điều dưỡng được điều tra là nữ giới. Theo đánh giá, nữ giới thường có mức kiệt sức cao hơn do áp lực công việc và vai trò gia đình. Trong ca trực họ cũng phải làm nhiều công việc chăm sóc bệnh nhân hơn nam giới.

Tính chất công việc chăm sóc người bệnh không kể ngày đêm nên đa phần nhân viên y tế phải tham gia trực đêm. Có 80% điều dưỡng phải trực đêm thường xuyên.

“Kiệt sức nghề nghiệp là vấn đề đáng lo ngại tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Thời gian làm việc kéo dài và vai trò trong gia đình là 2 yếu tố quan trọng liên quan tới tình trạng trên”, báo cáo nêu.

Tại Lễ kỷ niệm, ông Vương Ánh Dương - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, đội ngũ điều dưỡng luôn có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Tuy nhiên, vụ việc điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị hành hung khi đang làm việc là một sự việc đau lòng.

“Đội ngũ điều dưỡng các cấp cần được kiện toàn tổ chức từ cấp Trung ương, sở y tế đến các bệnh viện. Đội ngũ điều dưỡng cần được tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn, được cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế”, ông kiến nghị.

Ông Vương Ánh Dương khẳng định, hệ thống y tế hiệu quả, công bằng và nhân văn chỉ có thể được xây dựng vững chắc khi điều dưỡng được đặt ở vị trí trung tâm, được đầu tư đúng mức và tạo điều kiện phát huy toàn diện năng lực của mình.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI