"Diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”: Đề cao phẩm giá trong giải quyết “sang chấn tâm lý” sau dịch

06/10/2021 - 09:16

PNO - Không chỉ những người từng mắc bệnh, những người dân bình thường, mà cả đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên cũng sẽ gặp phải những sang chấn tâm lý sau dịch bệnh. Để giải quyết vấn đề này, ngoài những giải pháp cụ thể về mặt tâm lý còn cần đến những giải pháp tổng thể hợp lý.

Lo hội chứng tâm lý “cựu chiến binh”

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết, lo lắng lớn nhất của ông là các nhân viên y tế trong bối cảnh “hậu dịch”. Qua công tác tham vấn trị liệu cho cả bác sĩ lẫn điều dưỡng, ông thấy ai cũng có dấu hiệu căng thẳng sau quá trình “gồng mình”, “lý trí hóa” để “chiến đấu” với dịch bệnh. Họ căng thẳng vì lo âu có thể lây nhiễm dịch bệnh cho người nhà, nhất là trường hợp có người thân già yếu hoặc con nhỏ. Vấn đề thứ hai (của tất cả nhân viên y tế) là không biết bao giờ dịch mới thực sự kết thúc để có thể trở lại cuộc sống bình thường. Căng thẳng kéo dài còn vì không được nghỉ ngơi, sinh hoạt bình thường, như ngồi chung mâm, chơi đùa với người thân… 

“Tôi lo rằng, sau khi dịch đã tương đối được kiểm soát, các bệnh viện dã chiến dần không còn, các y bác sĩ trở về với cuộc sống và công việc bình thường họ sẽ dễ rơi vào tình trạng “hậu sang chấn”, tương tự như “hội chứng tâm lý của các cựu chiến binh”. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân của họ” - tiến sĩ Điệp nói và cảnh báo: điều này cũng sẽ xảy ra cho cả các nhóm tình nguyện viên, lực lượng bảo vệ dân phố và công an.

Không chỉ người dân bình thường mà cả y bác sĩ cũng vướng các vấn đề tâm lý sau dịch
Không chỉ người dân bình thường mà cả y bác sĩ cũng vướng các vấn đề tâm lý sau dịch

Theo ông Ngô Xuân Điệp, lãnh đạo các cấp, gần nhất là lãnh đạo các bệnh viện, cần quan tâm vấn đề này. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài chính, lương bổng, cần phải quan tâm hỗ trợ tinh thần. Bởi, một lời khen, sự quan tâm, sự công bằng của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. “Ai ra chiến trường cũng cần được thừa nhận. Sự thừa nhận có thể làm vơi đi, thậm chí tan biến sự mệt mỏi. Đó là cách nâng đỡ tâm lý hết sức cần thiết. Dù chuyên viên tâm lý có làm gì cũng không bằng một lời thừa nhận, lời khen ngợi hoặc một câu động viên từ cấp trên. Chỉ cần được nêu tên thôi, người ta đã cảm thấy nhẹ nhõm” - tiến sĩ Điệp phân tích.

Cũng cần lưu ý, trong khen thưởng phải công bằng giữa người đóng góp ít, nhiều. Nếu cứ “cào bằng” sẽ tạo ra những rạn nứt tâm lý nghiêm trọng hơn. Tiến sĩ Điệp cho rằng, trong tháng Mười, thời điểm bình thường mới sẽ thích hợp để đưa ra những khen thưởng kịp thời. Và vào cuối năm cũng nên có thêm sự ghi nhận lần nữa.

Hãy khơi dậy “quặng mỏ tự nhiên” trong mỗi con người

Với người dân, cũng có những sang chấn rất rõ. Có thể thấy mâu thuẫn nội tại giữa nhận thức các biện pháp giãn cách xã hội là điều cần thiết cho công ích nhưng họ lại dễ bị cảm xúc, thói quen làm cho bộc phát, tức giận. Cũng có thể thấy rõ sang chấn ở những trường hợp mất mát người thân trong đại dịch. 

Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tú, Đại học Ottawa (Canada), cho rằng: về mặt tâm lý, sau đại dịch người dân thường có ba phản ứng: hoặc là sẽ phản kháng, nếu “còn sức”; hoặc là sẽ bất động, nếu không còn sức trước những mất mát; hoặc là bắt đầu tránh né vấn đề tâm lý của mình. Để khắc phục điều này, tiến sĩ Tú nhấn mạnh vai trò của các nhà báo, nhà giáo dục, đặc biệt các nhóm giáo dục cộng đồng nhằm chữa lành ký ức cho họ trước tiên. Và theo bà, sự trợ giúp tâm lý cần tránh vội vàng, đốt cháy các giai đoạn, mà cần đồng hành can thiệp từng giai đoạn, đúng thời điểm. Được như vậy, người sang chấn tâm lý sẽ trở thành con người tuyệt vời theo nghĩa họ biết rằng bản thân mình đã có thể “bật dậy” một cách phi thường.

Giải pháp đối với các nhóm giáo dục cộng đồng, nhà trường và truyền thông, theo tiến sĩ Tú, nên bắt đầu từ những ý tưởng tích cực, bởi trong mỗi người đều có “quặng mỏ tự nhiên” cho phép người ta có khả năng bật dậy rất cao. Và sức mạnh tinh thần này nằm trong bốn yếu tố: thích nghi, ý nghĩa cuộc sống, niềm tin vào năng lực và sự lạc quan. “Cho dù là một người bi quan đến mấy cũng có lúc họ sẽ nhìn thấy mặt trời. Vậy thì vai trò của giáo dục cộng đồng, báo chí, nhà trường là hãy dành thời gian, không gian để hiện diện với họ một cách vô điều kiện. Giúp họ tìm thấy ý nghĩa mới của cuộc sống. Nhờ đó, có thể khơi được những “quặng mỏ tự nhiên” kia bật lên” - tiến sĩ Tú tha thiết.

Đối với Nhà nước, bà cho rằng có ba việc cần làm. Trước hết là phải tạo công ăn việc làm, bởi việc làm sẽ cho người ta nhân phẩm và sự tự tin. Thứ hai là chăm lo giáo dục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ trở lại trường học. Người lớn cũng cần những khóa học để có những kỹ năng, quan điểm giúp họ không thể trở thành nạn nhân tiếp theo của các “đại dịch” khác. Thứ ba, Nhà nước nên thực hiện những nghiên cứu bài bản, khoa học để đo lường, lượng giá các vấn đề xã hội, từ đó mới có thể đưa ra được những chính sách hợp lý nhất cho bình thường mới. 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”

Thành phố đang rất cần những ý kiến góp ý của người dân nhằm xây dựng một hệ thống các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước mắt và lâu dài một cách hiệu quả.

Báo Phụ Nữ TPHCM mở diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”. Rất mong đón nhận được những ý kiến, những bài viết của quý bạn đọc, các chuyên gia kinh tế, văn hóa, xã hội góp tiếng nói cho diễn đàn. 

Bài viết (tối đa 800 từ) xin gửi qua email: toasoan@baophunu.org.vn trước ngày 30/9/2021.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI