Diễn đàn “Phát triển TPHCM thông minh, sáng tạo”

Điểm xuất phát của tư duy phát triển bền vững từ văn hóa cộng đồng

10/02/2020 - 08:20

PNO - Diễn đàn “Phát triển TPHCM thông minh, sáng tạo” của Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng - người sáng lập Trường doanh thương Trí Dũng - tâm đắc với chủ đề hoạt động của năm 2020 do Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM nêu ra là đẩy mạnh hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Người Nhật học để làm, ta học để lấy bằng cấp

Phóng viên: Thưa ông, phải chăng lâu nay, chúng ta đã bỏ lửng vấn đề văn hóa?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng: Xây dựng văn hóa là xây dựng nhận thức cho đến ý thức kết nối có trách nhiệm của cộng đồng. Nghệ thuật, mỹ thuật… là môi trường quan trọng để nhận thức, ý thức của con người phát triển, từ đó cùng chung tay xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn qua những hành động cụ thể hằng ngày. Sống là sự kết nối văn hóa của con người trong xã hội. Có thể nói, trong một thời gian dài, chúng ta đã thiếu quan tâm đến việc tổ chức xây dựng văn hóa cộng đồng.

* Sinh sống, học tập và làm việc hơn nửa thế kỷ tại Nhật Bản, ông thấy kinh nghiệm của họ đối với vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Họ chỉ hơn mình là chịu học. Họ học tập, nghiên cứu, cải tiến thường xuyên mọi việc từ gia đình đến doanh nghiệp, xã hội. Từ nhiều năm, chúng tôi đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo giới thiệu hệ thống tư duy KAIZEN và chương trình “Khám phá Nhật Bản” cho nhiều doanh nghiệp, đoàn thể trong nước. Người Nhật “học để làm”, ta “học để lấy chứng chỉ, bằng cấp”. Thế hệ trẻ hiện nay như mất định hướng cuộc sống, thiếu ý thức chuyên nghiệp. Họ chọn học ngành mà họ nghĩ là có nhiều tiền, quên xét đến việc mình có phù hợp hay không. Hậu quả là nhiều người thường làm những việc không liên quan đến chuyên môn được đào tạo. Chúng ta vẫn chưa có thống kê về sự thiệt hại to lớn này của xã hội.

Từ lâu, tôi đã nêu ý kiến rằng, muốn làm cái gì liên quan đến phát triển thì phải có mô hình, không thể cứ nói chung chung theo thành tích nhiệm kỳ. Dù ta không đồng ý chế độ thời Pháp thuộc, nhưng vẫn phải nhìn nhận họ đã để lại những di sản văn hóa rất tốt. Gần nửa thế kỷ qua, chúng ta gần như chưa xây dựng được công trình văn hóa đặc trưng nào cỡ như trụ sở UBND TPHCM, Bưu điện TPHCM, nhà thờ Đức Bà để làm di sản văn hóa cho tương lai.

Tôi bỏ ra hơn 30 năm cùng công sức, tiền của để làm một mô hình điểm về khu phức hợp văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, phát huy khoa học công nghệ, đó là Vườn Minh Trân - vườn ươm giấc mơ Việt Nam, không gian sinh thái sáng tạo cho mọi lứa tuổi để phát triển. Nhiều bạn đứng từ quan điểm kinh tế e ngại khó khăn, cho đây là việc mơ hồ.

Vốn là chuyên gia phát triển, tôi nghĩ việc xây dựng mô hình này vì tính văn hóa của nó, chưa cần bàn đến các giá trị khác, đơn giản chỉ là góp phần giảm áp lực cây xanh và không gian văn hóa cho một thành phố đang đối diện với các hệ quả của “phát triển nóng”. Tôi nghĩ đây là việc xã hội rất cần mà ít ai quan tâm.

Với gần 1ha đất giữa TPHCM, nhiều người sẽ làm kinh tế, xây cao ốc văn phòng, chung cư, nhưng ông Dũng đã quyết tâm xây dựng Vườn Minh Trân - vườn ươm giấc mơ Việt Nam, không gian sinh thái sáng tạo cho mọi lứa tuổi - để phát triển - Ảnh: Quốc Ngọc
Với gần 1ha đất giữa TPHCM, nhiều người sẽ làm kinh tế, xây cao ốc văn phòng, chung cư, nhưng ông Dũng đã quyết tâm xây dựng Vườn Minh Trân - vườn ươm giấc mơ Việt Nam, không gian sinh thái sáng tạo cho mọi lứa tuổi - để phát triển - Ảnh: Quốc Ngọc

* Là chuyên gia được ăn học trong thời chiến tranh, sau đó vận động Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam khi đất nước hòa bình cho đến nay, theo ông, trong việc xây dựng và phát triển quốc gia nói chung và TPHCM nói riêng, cần bỏ đi tư duy lạc hậu nào?

- Tôi cho rằng, không phải người Nhật hơn người Việt mà có chăng là người Nhật tích cực xây dựng tư duy để phát triển hơn mình. Phải thừa nhận rằng, hoạt động nghiên cứu của chúng ta rất yếu kém, chủ yếu là giải quyết ngay từng việc tưởng như tốt đẹp nhưng tổng thể lại nhiều bất cập. Có người bạn nước ngoài nhận xét ta “thừa thợ vẽ, thiếu họa sĩ”.

Không có cách nào khác, để phát triển, phải học, phải tham khảo từ nhiều nguồn, nhiều nơi. Thực tế, doanh nghiệp của chúng ta lớn, nhỏ đều có những cái hay riêng nhưng ít giao lưu, hợp tác, chia sẻ, kết nối để phát triển. Nhiều giám đốc các doanh nghiệp bây giờ dành thời giờ đi nhậu, ít dành thời giờ ngồi lại để cùng góp sức xây dựng, phát triển ngành nghề. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất của mình tự nhập nguyên liệu, rồi tự hào mình giỏi vì tìm được nguồn nhập giá rẻ.

Người Nhật có cách tư duy khác. Các doanh nghiệp liên kết lại, bỏ vốn ra lập hẳn một công ty chuyên lo về nguyên liệu cho tất cả. Khi nhập với số lượng lớn hơn, chắc chắn giá phải rẻ, lợi nhuận lên cao, chính công ty đó lại tái đầu tư nghiên cứu để không chỉ đi mua nguyên liệu mà còn tìm cách làm ra nguyên liệu tốt hơn.

Sáng tạo là biến cái mơ hồ thành hiện thực

* “Năm văn hóa” 2020 có làm ông băn khoăn về văn hóa quản lý hiện nay không, thưa ông?

- Đầu xuân Canh Tý, Vườn Minh Trân tổ chức tọa đàm “Sáng tạo để phát triển”. Nhiều người trẻ là kiến trúc sư, nhà thiết kế, doanh nhân… rất năng động và có nhiều sáng kiến, nhưng để quy tụ tất cả lực lượng ấy trở thành một lực lượng phát triển thành phố, cần quá trình tổ chức và bắt đầu với nhận thức vai trò của ngành công nghệ ý tưởng là chủ đạo, và Nhật Bản là một đối tác quan trọng. Hoạt động của ngành kinh tế tri thức này rất cần một chính sách đặc biệt.

Tôi có nói chuyện với lãnh đạo ngành hải quan về việc đơn vị làm nghiên cứu thì cần hỗ trợ các chính sách thuế quan, thậm chí phải có chế độ vượt qua những rào cản vì lý do thương mại. Đôi khi, có những cái mình cấm, nhưng qua khả năng nghiên cứu có thể làm ra những cái mới có thể xuất khẩu được. Lãnh đạo ngành hải quan lắng nghe, nhưng cơ chế không cho phép. Văn hóa quản lý của ta vẫn còn nhiều mặt cần nghiên cứu.

Sáng tạo không chỉ đơn giản là làm ra cái mới. Theo tôi, sáng tạo chính là chuyển việc bị cho là mơ hồ, không thể làm hoặc rất khó làm trở thành hiện thực, tạo ra giá trị thặng dư cao cho xã hội.

Tôi lập ra mạng lưới kết nối Nhật Bản - Việt Nam JAVINET là nhằm chuyển giao những điều ta rất cần như kỹ thuật, chuyên viên, nguồn lực, mô hình phát triển, kinh nghiệm để sử dụng tất cả những nguồn lực đó cho mục tiêu phát triển của chúng ta. Là chủ tịch JAVINET, tôi đã tổ chức đưa chuyên gia Nhật Bản ở nhiều lãnh vực đến Việt Nam để giao lưu, chuyển giao công nghệ, hợp tác cùng phát triển.

 

Hoạt động văn hóa dân gian trong các dịp tết Việt tại Vườn Minh Trân - Ảnh: Quốc Ngọc
Hoạt động văn hóa dân gian trong các dịp tết Việt tại Vườn Minh Trân - Ảnh: Quốc Ngọc

* Với chủ đề hoạt động của năm 2020 là “đẩy mạnh hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, chúng ta có thể làm ngay được gì, thưa ông?

- Tôi rất đồng tình nếu nói rằng đây là năm xuất phát để bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về vấn đề văn hóa. Văn hóa là cái lâu dài. Đừng làm như cách làm trước đây là treo biển khu phố văn hóa nhan nhản. Tôi nghĩ, cần phát hiện ngay những mô hình cụ thể, hỗ trợ để xây dựng thành điển hình, nhân rộng ra cho xã hội.

* Đại dịch viêm đường hô hấp do vi-rút Corona đang hoành hành, ông thấy lộ ra những vấn đề nào về chiều sâu văn hóa mà chúng ta cần thay đổi?

- Đeo khẩu trang trước hết nên là một thói quen bình thường chứ không phải cứ có dịch cúm mới thực hiện. Đeo khẩu trang không phải chỉ bảo vệ cho mình mà còn cho người khác. Trên phương tiện công cộng, ở nơi đông người thì một người ho, hắt hơi bên trong khẩu trang của mình vẫn tốt hơn. Vấn đề vệ sinh công cộng, an toàn thực phẩm, sức khỏe của dân chúng nói chung vẫn là đề tài luôn cần nhận được sự quan tâm cao nhất. Với những nỗ lực của ngành y tế hiện nay, tôi hy vọng chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này.

Nhật cũng bị ảnh hưởng nhưng nói chung ở đó, họ luôn trong tư thế sẵn sàng, bị bệnh là đi khai báo ngay. Bình thường, họ cũng đã có những thói quen bảo hộ, vệ sinh tốt. 

* Xin cảm ơn ông. 

 

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM: Chính quyền làm gương về văn minh đô thị qua những việc cụ thể

Tại buổi làm việc đầu năm với UBND Q.2 về triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2020, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - đề nghị UBND các quận, huyện cần có kế hoạch cụ thể triển khai chủ đề năm 2020 “đẩy mạnh hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

Ông nói: Quan điểm chung phải làm sao cho văn hóa được thể hiện ở tất cả các cơ quan, đơn vị và địa phương. “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa, nói tắt là năm văn hóa, phải được thể hiện trong tất cả các cơ quan, đơn vị, ai cũng hiểu, ai cũng biết và ai cũng có thể làm. Chúng ta lựa chọn, xác định công việc cụ thể để mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi địa phương đều phải triển khai thực hiện và thực hiện mang tính khả thi chứ không cần phải nói cái gì lớn lao hết. Ta làm cái gì gần nhất, đơn giản, vừa sức, sát dân.

Văn minh đô thị không ở đâu xa. Văn hóa đường phố thì phải có đường, có phố chứ không phải cả thành phố chỗ nào cũng toàn là hàng rong. 

Rác cũng vậy. Sau các hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thì phải tổ chức tự thu gom rác ngay. Phòng họp cũng không rác. Sau các cuộc họp, phần ai nấy gom về. Ăn cơm ở căng-tin thì tự mỗi người phải dọn. Các cuộc cắm trại, lễ hội ngoài trời cũng phải có phần chương trình người tham gia tự giác gom rác, tốt nhất là dọn rác ngay từ khi thải ra. Văn minh đô thị chính là những việc làm hết sức cụ thể như thế.

Chúng ta xác định, trong xây dựng văn hóa, sự chuyển biến của cộng đồng dân cư mới là mục tiêu quan trọng và đó là kết quả để đánh giá tính hiệu quả. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước, Mặt trận, đoàn thể phải làm được thì mới lan tỏa dần vào dân cư”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng: Người Nhật chưa bao giờ xóa bỏ tết cổ truyền

Tôi xin nói ngắn gọn thôi, người Nhật không bỏ ăn tết mà chỉ là dời ngày âm sang ngày dương và vẫn duy trì truyền thống, phong tục, nét văn hóa của tết. Chủ trương Minh Trị Duy Tân đến nay đã 152 năm, nhưng họ vẫn duy trì văn hóa truyền thống, tất nhiên cũng luôn có những điều chỉnh phù hợp với thực tế cuộc sống.

Tết là một sinh hoạt không thể thiếu của văn hóa gia đình Việt Nam. Nói đến tết, tôi lại nhớ đến hình ảnh đứng kế bên bàn máy may của mẹ, ngắm nhìn bà may quần áo mới trong niềm vui sướng được mặc quần áo mới mẹ may trong dịp tết. Đó là văn hóa, là sự tiếp nối thế hệ. Phong tục làm cho con cái nhớ tới cha mẹ, nhớ tới ông bà, tổ tiên. Tiếc là ngày nay, văn hóa tết Việt bị mờ nhạt trong cuộc sống đô thị.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhân - giảng viên Trường đại học RMIT: Vi-rút Corona, văn hóa và đường phố không rác

Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm để giảm thiểu sự lây lan của vi-rút Corona và tất cả các loại vi-rút. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức liên quan đến sức khỏe đề xuất những điều đơn giản như mọi người nên ngừng khạc nhổ nơi công cộng và tạo thói quen rửa tay mọi lúc.

Mọi người - từ nhiều nền văn hóa, không riêng gì ở Việt Nam - khi ho hoặc hắt hơi, thường lấy bàn tay che lại. Thế nhưng, cách tốt hơn là nên ho vào khuỷu tay hoặc cánh tay phía trên. Nếu bạn ho vào tay và không rửa tay, bạn có thể vô tình phát tán vi-rút vì bàn tay dễ tương tác hơn, dễ sờ, động chạm vào các vật thể, thức ăn, bề mặt hơn.

Công việc của tôi chủ yếu trong hoạt động bảo vệ môi trường, chống xả rác. Xả rác là vấn đề môi trường nhức nhối. Hoa Kỳ đã từng phải đối mặt với vấn nạn xả rác khủng khiếp những năm 1960-1970. Thực tế thì nhiều quốc gia cũng có vấn đề này. Sau đó, đã có một số người tập hợp lại, làm việc cùng các tập đoàn, tổ chức phi chính phủ, ngành giáo dục và chính phủ… Tất cả đã cùng nhau để giáo dục ý thức công chúng về các tác động tiêu cực của việc xả rác. Bây giờ, bạn không thấy nhiều rác trên đường phố Mỹ nữa.

Cũng cần nhớ rằng, nhiều tổ chức ở nhiều nước phát triển vẫn tập trung vào vấn đề xả rác. Hoa Kỳ có Keep America Beautiful (thành lập năm 1953), Vương quốc Anh có Keep Britain Tidy (1954), Úc có Clean Up Australia Day (1989). Các tổ chức này vẫn tồn tại, cho thấy chúng ta phải liên tục giáo dục mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác.
Ở cấp độ cá nhân, tôi nghĩ người Việt Nam là những người rất sạch sẽ. Tôi nhớ mẹ tôi đã dạy tôi kỹ năng kỳ cọ khi đi tắm. Ở Việt Nam, mọi người giữ nhà của họ rất sạch. Vậy, chúng ta chỉ cần nâng cao suy nghĩ đó rằng sự sạch sẽ cũng nên dành cho các khu phố, thành phố, đất nước và cuối cùng là hành tinh của chúng ta. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI