Dịch COVID-19 đang kéo tiến độ dự án metro Bến Thành - Suối Tiên chậm lại

18/03/2021 - 13:42

PNO - Hết năm 2020, tổng tiến độ metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt 82%, không hoàn thành mục tiêu 85% đề ra.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) vừa có báo cáo UBND TPHCM về đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với các dự án đường sắt đô thị đến thời điểm tháng 3/2021.

Gói thầu mua thiết bị chậm 15% tiến độ vì dịch COVID-19

Theo MAUR, đối với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đến hết năm 2020, tiến độ thi công đạt khối lượng tổng thể 82%, không đạt so với mục tiêu xác định là 85%.

Tiến độ metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chỉ đạt 82% tổng khối lượng dự án vì ảnh gưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Trường Nguyên
Tiến độ metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chỉ đạt 82% tổng khối lượng dự án vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: Trường Nguyên

Cụ thể, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố đạt 81,5%; gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 90,8%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) 90%; gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 65%.

Trong số các gói thầu này thì CP1a, CP1b và CP2 đạt hoặc vượt tiến độ ít còn CP3 chậm hơn so với mục tiêu 15%.

Về nguyên nhân, MAUR cho rằng, việc các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ của các gói thầu.

Một số công tác thiết kế, thi công các hạng mục phức tạp, đặc thù cần phải được các chuyên gia nước ngoài của các tổng thầu thực hiện nhằm đảm bảo tối đa chất lượng thi công cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn, tiêu chí nước ngoài áp dụng cho dự án.

Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 65%
Đoàn tàu metro số 1 đầu tiên được đưa về Việt Nam trễ 6 tháng so với kế hoạch vì dịch COVID-19 - Ảnh: Trường Nguyên

Từ tháng 6/2020 đến tháng 10/2020, có 2 chuyên gia Nhật Bản phụ trách việc nâng hạ và bốc dỡ đoàn tàu đầu tiên không thể nhập cảnh vào Việt Nam. Đến nay, đoàn tàu đầu tiên cũng đã được nhập về Việt Nam vào tháng 10/2020, việc vận chuyển ước tính chậm 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Công tác lợp mái nhà ga Tân Cảng phải được các chuyên gia của nhà thầu thực hiện do sử dụng các vật liệu đặc biệt và kỹ thuật thi công phải được đảm bảo tuân thủ tối đa tiêu chí do nhà cung cấp vật liệu lợp mái đưa ra. Đến nay, công tác này đã thi công hoàn tất vào cuối năm 2020, thay vì hoàn thành vào tháng 10/2020.

Đối với gói thầu CP3, công tác mua sắm, sản xuất, vận chuyển từ nước ngoài, lắp đặt theo dọc tuyến, công tác thử nghiệm, vận hành thử do nhà thầu thực hiện… bị chậm trễ. Hiện nay, vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, khối lượng của gói thầu này được thực hiện ở nước ngoài tương đối thấp.

Đến ngày 25/11/2020, đơn vị Tư vấn chung báo cáo, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với tiến độ triển khai dự án (chủ yếu liên quan gói thầu CP3), cảnh báo khả năng tiến độ thực tế hoàn thành của metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên phải sau năm 2021 chứ không như dự kiến vào quý 4/2021.

Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) chậm tiến độ 15% vì chuyên gia cùng thiết bị gặp khó khăn vì dịch bệnh
Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) chậm tiến độ 15% do khó khăn vì dịch bệnh - Ảnh: Trường Nguyên

Hiện nay, nhiều nước như Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc… (nơi mà vật liệu, thiết bị của dự án metro số 1 được sản xuất và chuyển về Việt Nam phục vụ thi công) tiếp tục áp dụng cách ly, hạn chế đi lại khiến việc nhập thiết bị và chuyên gia nhập cảnh gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, đơn vị tư vấn chung dự kiến thời gian chậm trễ của các gói thầu xây lắp là từ 4-6 tháng, gói thầu mua sắm thiết bị trễ từ 6-8 tháng.

Xem xét sử dụng nguồn vật liệu, nhà thầu trong nước

Dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục phức tạp, thời gian dỡ bỏ cách ly ở các nước liên quan đến dự án metro số 1 sẽ kéo dài nên MAUR làm việc với phía nhà thầu và tư vấn chung để thuê bên thứ ba độc lập tham gia các cuộc thử nghiệm, kiểm tra nhà máy, sử dụng nhân sự của bên thứ ba tại các nước sở tại nhằm hạn chế tối đa việc di chuyển trong mùa dịch.

MAUR đề xuất với UBND TPHCM dùng vật tư, thiết bị trong nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tạm thay thế sự phụ thuộc nước ngoài.
MAUR đề xuất với UBND TPHCM dùng vật tư, thiết bị, nhân công trong nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tạm thay thế sự phụ thuộc nước ngoài trong thời điểm dịch -  Ảnh: Trường Nguyên

MAUR cũng yêu cầu nhà thầu xem xét các phương án sử dụng nguồn vật tư, thiết bị, nhân sự trong nước hoặc các nhà thầu phụ trong nước đạt tiêu chí kỹ thuật của dự án để có thể tạm thay thế phần nào việc phụ thuộc vào thiết bị, vật tư từ nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, có thể yêu cầu nhà thầu xem xét phương án thử nghiệm, sử dụng, nhập khẩu thiết bị cung cấp từ các chi nhánh ở những nước mà tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát phần nào như ở châu Á hoặc khu vực Đông Nam Á… để cung cấp cho dự án.

Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI