Đến hẹn lại... lạm thu!

25/08/2018 - 06:00

PNO - Chuyện lạm thu đã xuất hiện và được dư luận mổ xẻ từ 15 năm trước, nhưng đến nay “bệnh” không hề thuyên giảm mà “di căn” ngày càng khủng khiếp.

Den hen lai... lam thu!
Hai năm trước, Trường Tiểu học Đông vệ 2 (Thanh Hoá) đã nổi đình nổi đám với nạn lạm thu. Năm nay, căn bệnh này lại lặp lại.

Ngày tựu trường, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (TP.Hải Phòng) nhận được thư kêu gọi ủng hộ kinh phí để nhà trường mua sắm, sửa chữa, trang bị mới cơ sở vật chất với tổng số tiền lên đến 971 triệu đồng.

Tương tự, phụ huynh lớp Một tại Trường tiểu học Đông Vệ 2 (tỉnh Thanh Hóa) cũng nhận được giấy đóng tiền mua bàn ghế với mức 1,3 triệu đồng/học sinh.

Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT thành phố này phải tổ chức 31 đường giây nóng chống lạm thu. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, cứ đến đầu năm học là các sở GD-ĐT lại ra văn bản chỉ đạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chấn chỉnh lạm thu. Nhưng rồi việc thu ở nhiều nơi vẫn cứ… lạm! 

Một việc sai trái như thế, tại sao hiệu trưởng các trường vẫn làm? Họ được gì qua những việc làm sai trái ấy? Việc tìm ra câu trả lời sẽ không khó nếu cấp thẩm quyền tổ chức thanh tra một cách minh bạch việc tiêu các khoản tiền lạm thu đó. Thực tế cho thấy việc thanh lý xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị - cơ sở vật chất tại các trường hiện đang diễn ra theo chiều hướng “mua đắt - bán rẻ”, gây thiệt hại lớn cho tập thể nhà trường.

Tại một trường THPT ở TP.HCM, giáo viên từng chứng minh hiệu trưởng đã mua 150 bộ bàn ghế với giá 950 triệu đồng, gấp đôi giá thị trường. Ngoài ra, ông hiệu trưởng này còn “chuyển giá” 100 bộ bàn ghế từ sửa chữa thành mua mới. Mới năm ngoái, tại một trường THPT khác, giáo viên phát hiện trường mua hai chiếc máy sấy tay và đẩy giá từ 3,9 triệu đồng/cái lên 8,9 triệu đồng/cái... 

Dài dòng để thấy rằng, những khoản lợi lộc trong mua sắm ở nhiều trường học, ở nhiều địa phương là rất lớn. Khi lợi lộc quá nhiều thì người ta cũng tìm đủ mọi lý do để tiêu tiền, bất chấp đó là tiền ngân sách hay tiền xã hội hóa do phụ huynh đóng góp.

Đó là chưa kể, ở nhiều trường, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lại thường là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng, chứ không là người đại diện cho cha mẹ học sinh. Vì thế, lời giải cho bài toán lạm thu, theo tôi, nằm ở chỗ cần phải kiểm soát chặt chẽ việc tiêu tiền.

 Hoàng Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI