Bệnh 'sính bằng cấp' nặng lắm rồi!

20/08/2018 - 06:16

PNO - Ở góc độ tâm lý, không học sinh nào không thích có bằng cấp cao; các bậc phụ huynh cũng luôn mong con mình được học cao, hiểu rộng.

Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra ngày 17/8 có bài Nâng chuẩn giáo viên mầm non: Cần chú trọng thực chất phê phán chủ trương nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng là chạy theo bằng cấp. Sau bài báo, bạn đọc Dũng Chương đã gửi đến cho chúng tôi bài viết dưới đây. 

Benh 'sinh bang cap' nang lam roi!
Hình minh họa.

Ở góc độ tâm lý, không học sinh nào không thích có bằng cấp cao; các bậc phụ huynh cũng luôn mong con mình được học cao, hiểu rộng. Thế nhưng, đáng trách là trước căn bệnh “sính bằng cấp” đang ngày càng trầm trọng, ngành giáo dục với vai trò quản lý, chẳng những không có biện pháp điều chỉnh mà lại còn chiều chuộng tâm lý lệch lạc ấy khi phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đại học (ĐH) luôn áp đảo so với các bậc đào tạo thấp hơn.

Ví dụ năm 2018, cả nước có tổng cộng gần 926.000 thí sinh dự thi thì đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) được phân bổ gần 700.000 chỉ tiêu. Nếu tính cả số thí sinh chọn con đường du học, ước tính hàng vạn em mỗi năm và những em chọn con đường vào đời lao động kiếm sống ngay, thì số thí sinh vào trường nghề để được huấn luyện thành thợ quả là ít ỏi.

Có lần, tôi chứng kiến một cô giáo cấp III la rầy học sinh của mình qua điện thoại khi học sinh gọi điện nhờ tư vấn về chuyện em chọn học nghề hàn để vào đời. Theo ý của cô giáo, việc vào ĐH bây giờ không khó, học sinh chỉ cần cân nhắc chọn một số trường vừa phải để đăng ký xét tuyển, cơ hội đậu rất lớn. Tôi phê phán quan điểm này thì cô ấy bảo, giáo viên chủ nhiệm nào cũng làm như vậy, vừa được cho học sinh lại vừa được thành tích cho mình, cho trường. Thậm chí, nhà trường còn tìm đủ mọi cách cho học sinh đỗ ĐH, kiểu như “học sinh không thi nổi khối A thì tư vấn cho các em chuyển sang thi khối C”, mà không quan tâm đến sở trường và sự yêu thích. 

Tai hại nhất là khâu tuyển dụng và sử dụng cũng đang chạy theo bằng cấp, nhất là các đơn vị Nhà nước. Nếu soi kỹ, tôi dám chắc ở bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng sẽ có những vị trí việc làm sử dụng lao động bất hợp lý, kiểu như sử dụng lao động có trình độ ĐH, thạc sĩ cho những công việc giản đơn. Ngược lại, có những lao động làm việc rất tốt nhưng lại không được tuyển dụng vì… không có bằng ĐH. 

Như vấn đề mà Báo Phụ nữ TP.HCM đã đề cập, nuôi dạy trẻ mầm non là một công việc rất cụ thể nên đòi hỏi người giáo viên phải giỏi kỹ năng và có nhiều kinh nghiệm. Để giỏi kỹ năng, giáo viên cần phải được huấn luyện và trao truyền kinh nghiệm. Nhưng Bộ GD-ĐT lại đề xuất giải pháp “nâng chuẩn trình độ từ trung cấp lên CĐ”. Cách làm này thực chất cũng là chạy theo bằng cấp.  

Trước đó, có địa phương một dạo còn đặt chỉ tiêu phấn đấu 100% cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương; cấp trưởng, phó các doanh nghiệp nhà nước phải có bằng tiến sĩ.

Trong môi trường giáo dục ĐH, chuyện các trường ĐH phải đi thuê mướn, thậm chí “mượn” danh tiến sĩ của người khác nhằm làm tăng tỷ lệ tiến sĩ, trong khi nhiều tiến sĩ không làm việc tại trường, nhiều vị có ở trường nhưng không có khả năng đóng góp chuyên môn.

Trước tình trạng này, lẽ ra các trường cần được khuyến khích tìm kiếm, thu hút và phát huy những người có năng lực thật thì cuối năm ngoái, Bộ GD-ĐT lại trình dự án đào tạo 9.000 tiến sĩ với lý do: tỷ lệ giảng viên ĐH trình độ tiến sĩ nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực. Tức là cũng vẫn chạy theo bằng cấp. 

Hậu quả của việc đam mê bằng cấp là sự dư thừa lao động có bằng cấp cao nhưng lại thiếu lao động có tay nghề giỏi. Trong quý IV/2017 nước ta có 215,3 ngàn người có trình độ ĐH trở lên và 78,8 ngàn người trình độ CĐ thất nghiệp.   

Tôi từng trò chuyện với một giáo sư người Thuỵ Sĩ. Ông cho biết có hai người con, một theo lĩnh vực khoa học tự nhiên và một làm nghề nấu ăn. Việc chọn nghề phụ thuộc vào ý thích và khả năng của các con và ở Thụy Sĩ người ta cảm thấy vui khi con mình chọn nghề đầu bếp. 

Còn ở ta, sẽ chẳng có một thầy cô hay một vị giáo sư nào có mong mỏi cho con học nghề, làm thợ. Bạn tôi, một cô giáo trung học tỏ ra không tự tin khi nói về đứa con học hệ CĐ. Con của giới quan chức, cả quan chức giáo dục, thì đố tìm thấy có ai cho con đi học nghề. 

Dũng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI