Đề xuất quy hoạch hai bên đường Vành đai 3 thành khu đô thị hiện đại

10/06/2022 - 10:37

PNO - ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề xuất quy hoạch hai bên đường dự án vành đai của Hà Nội và TPHCM thành khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại...

 

ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất quy hoạch hai bên đường dự án vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 vùng Thủ đô thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại và phân phối để khai thác tiềm

ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất quy hoạch hai bên đường dự án vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 vùng Thủ đô thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại và phân phối để khai thác các nguồn lực

Không có lý do gì trì hoãn thêm

Sáng 10/6, Quốc hội đã thảo luận về hai “siêu dự án” đường vành đai tại Hà Nội và TPHCM. ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TPHCM là các tuyến đường không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước. Những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020, nhưng do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét. Chính vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.

Dù đều là đường cao tốc, song hai siêu dự án này theo ĐB đoàn Hà Nội, hoàn toàn khác với các tuyến đường cao tốc khác. Là cao tốc của vành đai nên khi tuyến đường này hình thành thì các khu vực lân cận quanh đường có thể tạo ra lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.

ĐB cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động và giá tăng lên rất nhiều lần. Do đó, nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Vì vậy, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Theo đó, nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà có cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Cũng theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.

Đề xuất ủy quyền cho UBND tỉnh, thành phố chỉ định thầu

Bày tỏ sự thống nhất với tờ trình của Chính phủ, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ ra, hai dự án đường vành đai đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước, có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.

Về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17m và 19,75m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp. Đại biểu cho rằng, điều này khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư, cần cân nhắc.

Là dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, ĐBQH đề xuất Chính phủ giao cho TPHCM và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.

Tương tự, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này. Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.

Mặt khác, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Ngoài ra, ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI