Thiệt hại dây chuyền từ nạn xả rác tràn lan - Bài cuối

Để rác không phải là thứ... vứt đi

30/05/2022 - 06:58

PNO - Hiện nay, rác thải ở Việt Nam vẫn chỉ là rác. Trong khi ở các nước, rác là nguồn tài nguyên quý giá.

Phải biến rác thành tài nguyên

Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho rằng, nếu không muốn rác bị vứt, bị xả bừa bãi ra đường phố, kênh rạch, phải biến rác thành nguyên liệu có giá trị thông qua việc đẩy mạnh tái chế. Khi người dân nhận thức được rác không phải để vứt đi mà đó là một nguồn lợi, họ cũng sẽ thay đổi cách ứng xử với rác. 

Cũng theo tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, ở TPHCM, hầu như chưa có nghiên cứu bài bản hay chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành nghề tái chế rác thải. Do đó, UBND TP.HCM cần nhanh chóng quy hoạch không gian phát triển công nghiệp tái chế song song với mô hình thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn đối với một số loại phế liệu. Ở nhiều quốc gia, mô hình kinh tế tuần hoàn là giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động tái chế ngay từ khi hình thành sản phẩm thông qua các quy định về thiết kế sản phẩm, tái chế sản phẩm.

Mặc dù đã có bảng cấm và quy định mức phạt nhưng nhiều người vẫn lén lút đổ rác bừa bãi,  khiến các công nhân vệ sinh phải thường xuyên dọn dẹp. Ảnh chụp sáng 26/5/2022 trên đường  Nguyễn Văn Linh khu vực giáp ranh giữa Q.8 và H.Bình Chánh, TP.HCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Mặc dù đã có bảng cấm và quy định mức phạt nhưng nhiều người vẫn lén lút đổ rác bừa bãi, khiến các công nhân vệ sinh phải thường xuyên dọn dẹp. Ảnh chụp sáng 26/5/2022 trên đường Nguyễn Văn Linh khu vực giáp ranh giữa Q.8 và H.Bình Chánh, TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Lý - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng - cho rằng, 20 năm trước, Hàn Quốc cũng bị tình trạng quá tải rác thải như Việt Nam hiện nay. Nhưng đến nay, hầu hết bãi chôn lấp rác ở Hàn Quốc đã dừng hoạt động do phần lớn lượng rác thải sinh hoạt đều được tái chế để tiếp tục sử dụng. 

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, chính quyền TPHCM cần xây dựng đầy đủ quy định và cơ sở hạ tầng để thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn. Nếu phân loại tốt, lượng rác vô cơ sẽ được tái chế, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa làm giảm lượng rác thải cần xử lý xuống ít nhất 30%. Lượng thức ăn thừa vốn chiếm 60 - 70% rác thải hiện nay cũng có thể chế biến thành biogas. Việc xử lý tốt đầu ra của rác sẽ thúc đẩy người dân có ứng xử tốt với rác, phân loại rác để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này. Muốn vậy, cần xây dựng hệ thống tái chế, tái sử dụng và xử lý rác hoàn hảo, nhưng phải xác định đây là quá trình lâu dài, bền bỉ.

Theo UBND TPHCM, trong năm nay, ngành vệ sinh môi trường sẽ thu 100% giá dịch vụ thu gom tại nguồn và 40% phí vận chuyển. Những năm tiếp theo sẽ tăng lên 60%, 80%, cho đến 2025 thu đủ 100% chi phí thu gom tại nguồn và 100% chi phí vận chuyển.

 

Theo bà Võ Thanh Huỳnh Anh - Phó phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ đầu năm 2022) quy định, mức thu phí rác thải tính theo khối lượng thực tế, đúng với nguyên tắc “ai xả rác nhiều phải trả tiền nhiều”.

Trong năm nay, sở sẽ triển khai đồng thời việc phân loại rác tại nguồn và thu phí thu gom rác theo khối lượng. Loại rác có thể tái chế sẽ không bị tính phí nhằm khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, phân loại càng triệt để thì phần rác bị thu phí càng ít đi. Người dân có thể bán, cho, hoặc đổi quà từ các đơn vị thu gom, buôn bán phế liệu, tái chế… đối với phần rác tái chế.

Trước mắt, cần làm tốt công tác thu gom 

Trước thực trạng xả rác bừa bãi, ông Phùng Chí Sỹ cho rằng, không nên chỉ trách người dân, bởi công tác thu gom rác vẫn chưa hiệu quả. Không ít người dân để rác trước nhà lâu ngày mà không được thu gom, sợ mất vệ sinh nhà mình nên tìm cách “đẩy” sang nhà bên cạnh hoặc vứt ra xa nơi mình ở. 

Theo kế hoạch của UBND TPHCM, đến hết tháng 10/2019, hệ thống dân lập phải hoàn thành việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác nhưng đến nay, mới chuyển đổi được khoảng 30%. Đó là do chi phí để chuyển đổi phương tiện quá cao so với năng lực tài chính của các đơn vị thu gom rác dân lập. Do đó, UBND TPHCM vừa nhất trí gia hạn việc chuyển đổi này đến năm 2025.

Theo ông, các địa điểm tập kết rác trong các khu dân cư chưa sạch sẽ khiến dân ngại đến đó đổ rác, phương tiện thu gom rác quá thô sơ khiến rác rơi vãi ra môi trường. Do đó, cần chuyển đổi trang thiết bị thu gom rác, chuyên môn hóa đơn vị thu gom, có các quy định chặt chẽ giữa người dân với đơn vị thu gom về giờ giấc, địa điểm. 

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết: việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt đang do hai hệ thống đảm trách: hệ thống công lập gồm công ty môi trường đô thị và các công ty dịch vụ công ích quận, huyện thu gom khoảng 40% lượng rác; hệ thống dân lập thu gom 60%. Hệ thống thu gom rác dân lập hiện có khoảng 4.000 công nhân, 2.160 phương tiện bao gồm xe ba gác kéo, xe lam, xe tải nhẹ, thùng 660 lít, xe tự chế… Phương tiện thu gom rác của hệ thống dân lập hầu hết thô sơ, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. 

Để nâng hiệu quả thu gom rác, UBND P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức chủ động rà soát và yêu cầu chủ công trình xây dựng phải ký hợp đồng chuyển giao tất cả rác thải phát sinh từ công trình cho đơn vị thu gom; yêu cầu các chủ đường dây rác dân lập thu gom rác theo thời gian quy định, không lấy thêm tiền gom rác so với hợp đồng. Đối với trường hợp phát sinh rác thải cồng kềnh, chủ “dây rác” phải thỏa thuận với người dân về chi phí phát sinh, với phương châm “có rác là phải thu gom”. 

Ở phường này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc thù (như cơ sở buôn bán trứng, kinh doanh thực phẩm) phải có hợp đồng chuyển giao rác thải với các đơn vị thu gom, nhằm hạn chế tình trạng đổ thực phẩm thừa, hư hỏng vào cống thoát nước và môi trường công cộng.

UBND Q.Phú Nhuận cũng tổ chức ngày hội thu gom rác cồng kềnh. Theo đó, mỗi phường trong quận có một điểm để người dân mang rác cồng kềnh đến tập kết, sau đó dịch vụ công ích quận thu gom. Người dân không chỉ được miễn chi phí xử lý rác mà còn được đổi quà khi đăng ký gom rác qua một ứng dụng công nghệ (app). UBND P.10, Q.Phú Nhuận còn tổ chức xe hỗ trợ người dân vận chuyển rác cồng kềnh từ nhà đến nơi tập kết. 
 

Lãng phí 10 tỷ đồng/ngày do không phân loại rác

Theo số liệu của VECA - một đơn vị phát triển ứng dụng thu gom rác thải - mỗi ngày, TPHCM tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại nhưng ngành vệ sinh môi trường chỉ thu gom được hơn 1.000 tấn giấy (40%) và 500 tấn nhựa (hơn 26%). Ước tính, số phế liệu có thể tái chế được bị thất thu (bị bỏ lẫn trong rác thải) tương đương 10 tỷ đồng/ngày.

Dạy cho trẻ về trách nhiệm bản thân

Khi đi trên đường, ta sẽ thấy nhan nhản hành vi xả rác bừa bãi: Trẻ em ném que kem hay chai nước, người lớn vô tư quăng túi ni-lông. Khi làm điều đó, họ không suy nghĩ gì cả.

Tôi cho rằng, giáo dục chưa tốt, chưa đầy đủ đã dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Ở các nước, đặc biệt là ở Nhật Bản, trẻ em được dạy về văn hóa, đạo đức và hành vi trong xã hội. Do đó, đến Nhật Bản, ta sẽ cảm nhận ngay sự sạch sẽ. Để làm được điều này, họ đặt nặng việc đầu tư về giáo dục hơn kiểm soát hành vi. Còn ở Singapore, để dẹp nạn xả rác, họ xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm khắc để “cưỡng bức hành vi”, buộc mọi người phải cân nhắc trước mỗi hành động.

Nền giáo dục của chúng ta không dạy về giá trị cốt lõi và trách nhiệm bản thân. Chú trọng giáo dục hai điều này, sẽ làm thay đổi nhiều thứ chứ không chỉ là hành vi xả rác. Để ngăn ngừa các hành vi xấu, cần dạy kỹ năng sống để học sinh nhận biết và thay đổi thói quen. Trẻ con hành động theo thói quen và khi lớn lên, thói quen này sẽ trở thành hành vi. Để dẹp nạn xả rác, cần thay đổi phương pháp giáo dục, đồng thời có một hệ thống chế tài đủ mạnh.

(Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý, từng phụ trách giáo dục ở Trường Nội trú IVS)

 

Tăng “phạt nguội” đối với hành vi xả rác

Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định về xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 và 2 của điều 20 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Theo quy định trên, hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 đến 4 triệu đồng. Ngoài ra, theo khoản 4, điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định.

Chế tài hành vi xả rác bừa bãi có, nhưng việc thực thi vẫn còn chưa nghiêm. Do đó, ở bất kỳ tỉnh, thành phố nào cũng xuất hiện những đống rác do người dân đổ bậy. Ở các thành phố lớn, tình trạng này nghiêm trọng hơn do mật độ dân số quá cao, nhịp độ sinh hoạt, sản xuất lớn.

Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang cố gắng áp dụng song song việc tuyên truyền và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, cốt lõi trong vấn đề này vẫn là ý thức của mỗi người. Để nâng cao hiệu quả xử phạt, theo tôi, cần đẩy mạnh việc “phạt nguội” qua camera đối với các hành vi vi phạm về môi trường.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM)

Sơn Vinh (ghi)

 

Minh Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI