Thiệt hại dây chuyền từ nạn xả rác tràn lan - Bài 1: Rác thải, nỗi ám ảnh của cư dân ven kênh

25/05/2022 - 17:34

PNO - LTS: Mỗi năm, UBND TPHCM phải chi từ ngân sách hàng chục tỷ đồng cho công tác vớt rác trên các tuyến kênh chính. Đó chỉ là một trong vô số những dẫn chứng về thiệt hại nặng nề do nạn xả rác gây ra.

Nhiều nơi ở TPHCM, rác thải ùn ứ, tù đọng trên kênh rạch khiến người dân sống cạnh đó chịu cảnh ô nhiễm triền miên. Mùa mưa đến, rác thải làm tắc nghẽn dòng chảy gây ngập úng, nước bẩn bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi, chuột bọ cũng được dịp sinh sôi.

Kênh vừa hồi sinh, liền bị rác “bóp nghẹt”
Buổi sáng cuối tuần, anh Tô Chí Hùng dắt con đi dạo ở công viên dọc kênh Hàng Bàng (Q.6). Ra đến nơi, anh liền vội vã dắt con về khi thấy nước kênh đen ngòm, mùi thum thủm xộc vào mũi. 

Anh Hùng lắc đầu: “Mấy bữa trước, tôi thấy nước kênh còn trong, nay thì trên kênh đầy rác. Mấy hôm nay, người ta thi công ở đoạn kênh phía trên, dòng chảy bị chặn nên ô nhiễm càng ghê hơn. Tôi nghĩ, có cải tạo bao nhiêu lần chăng nữa mà người ta vẫn xả rác thì kênh Hàng Bàng vẫn dơ, vẫn thúi”.

Rác ngập kênh Hàng Bàng (khu vực giáp ranh giữa Q.5 và Q.6, TP.HCM). Ảnh chụp chiều 21/5/2022 ẢNH: PHÙNG HUY
Rác ngập kênh Hàng Bàng (khu vực giáp ranh giữa Q.5 và Q.6, TPHCM). Ảnh chụp chiều 21/5/2022 Ảnh: Phùng Huy

Được biết, kênh Hàng Bàng dài 1,8km, chảy qua hai quận 5 và 6. Năm 2000, do kênh này quá ô nhiễm, UBND TPHCM đã quyết định lấp kênh để đặt cống hộp. Ngay sau đó, nhiều người đã xây nhà hai bên con kênh ô nhiễm này. Anh Tô Chí Hùng nhớ lại: “Khi lấp kênh, người ta giữ lại đoạn kênh ở hai đầu để dòng chảy vẫn thông thoáng nhưng hai điểm này luôn ngập rác nên ô nhiễm vẫn trầm trọng. Năm 2015, TPHCM đã khơi thông lại dòng kênh này. Song dòng kênh trong lại chưa được bao lâu thì rác thải lại ngập tràn”.

Sau trận mưa cuối tuần qua, rác trên rạch Xuyên Tâm theo nước chạm sàn phòng trọ của ông Nguyễn Văn Công (hẻm 27 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh). Căn phòng trọ được lót bằng ván gỗ tạm bợ, nằm thòi ra con rạch. Những ngày mưa lớn, rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước, theo các khe hở tràn vào phòng. Mùa này, từ phòng trọ của ông Công nhìn ra con rạch, rác thải nổi trắng xóa một vùng, bốc mùi hôi nồng nặc. “Rác này là từ phía đầu rạch chảy xuống, gặp chỗ cạn thì đọng lại chứ chúng tôi không dại gì xả rác để chính mình chịu ô nhiễm” - ông Công nói.
Cứ đến mùa mưa, người dân sống gần rạch Bàu Trâu (dài khoảng 3km, chảy từ Q.Tân Phú qua Q.6) cũng lo bị ngập do con rạch này bị rác chặn, không thể thoát nước. Bà Trần Thị Hà (Q.Tân Phú) than, mùa mưa thì ngập, mùa nắng thì hôi: “Thấy con rạch nhiều rác, người ta nghĩ đây là bãi rác nên mang rác bếp, xác động vật, chai, hộp nhựa ra vứt đầy mặt kênh. Trẻ con ở đây rất dễ bị các bệnh về hô hấp”.

Rác ngập kênh Hàng Bàng (khu vực giáp ranh giữa Q.5 và Q.6, TPHCM). Ảnh: Phùng Huy chụp chiều 21/5/2022 - Ảnh
Rác ngập kênh Hàng Bàng (khu vực giáp ranh giữa Q.5 và Q.6, TPHCM) chụp chiều ngày 21/5/2022. Ảnh: Phùng Huy 

Theo các chuyên gia, việc vớt rác trên kênh không đơn giản. Năm ngoái, ngành vệ sinh môi trường TPHCM đã thí điểm dùng máy vớt rác trên sông Vàm Thuật, kênh Tham Lương, mỗi ngày vớt được 40 tấn rác. Tuy nhiên, kinh phí cho việc này tốn khoảng 80 triệu 
đồng/ngày. 

Bạ đâu xả đó
Sáng sớm, nhiều người đang chạy xe chầm chậm trên đường Nguyễn Văn Linh để thưởng thức cảnh quan trên đường thì một tiếng “rầm” khiến họ giật mình. Đó là tiếng động do một chủ xe ba gác gây ra khi trút vội một đống xà bần ở ven đường rồi phóng xe đi. Chuyện đổ rác trộm trên đường Nguyễn Văn Linh diễn ra như cơm bữa.
Đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, nối từ Q.7 đến H.Bình Chánh. Đây là con đường được quy hoạch cảnh quan khá bài bản. Tuy nhiên, trên cung đường này, rác nhiều vô kể. Trên đoạn

Cảng vụ Hàng không Miền Nam từng nhiều lần gửi văn bản, đề nghị UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo kênh Hy Vọng để tránh tình trạng ngập sân bay trong mùa mưa. Kênh Hy Vọng là trục thoát nước chính của khu vực phía tây và phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm cả đường cất hạ cánh của máy bay, đường lăn và các đài, trạm quản lý hoạt động bay nhưng lòng kênh đang bị rác lấn, không đủ rộng để thoát nước nhanh. 

đường chạy qua H.Bình Chánh, chúng tôi thấy vô số bãi rác lớn nhỏ bên đường, cặp mé kênh, rạch. Thậm chí, nhiều bãi rác còn “mọc” lên trong các gốc cây ven đường. Để giảm thiểu ô nhiễm, người bán hàng rong dọc tuyến đường này thường đốt bớt rác thải nhựa, mùi nhựa xông lên khét lẹt. 

Chị Hà Thị Thu (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) than: “Nhà tôi ở cạnh bãi đất trống, ngày nào cũng có người đến đổ rác trộm lên bãi đất này. Rác xây dựng, xác động vật, rác rau củ quả lâu ngày cao thành đống. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần tổ chức thu gom nhưng sau một thời gian, đống rác mới lại chình ình ngay chỗ cũ”.
 

Rác thải gây tắc nghẽn dòng chảy của kênh, rạch vào mùa mưa (trong ảnh: Rác thải “bủa vây” một căn nhà ven rạch Xuyên Tâm, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - ảnh: sơn vinh
Rác thải gây tắc nghẽn dòng chảy của kênh, rạch vào mùa mưa (trong ảnh: Rác thải “bủa vây” một căn nhà ven rạch Xuyên Tâm, Q.Bình Thạnh, TPHCM) - ảnh: sơn vinh

Tại Q.8, hẻm 236 An Dương Vương (P.16, Q.8) là đường dẫn vào nhiều khu biệt thự sang trọng và chung cư An Dương Vương - Điện Lực. Nhưng ở ngay đầu hẻm, lại có một đống rác lớn kéo dài hàng chục mét vào bên trong hẻm. Chị Lương Thị Hòa - cư dân trong hẻm - cho biết một số người buôn bán ở khu chợ tự phát trên đường An Dương Vương thường vào đây đổ rác trộm, lâu ngày, rác chất thành đống.

Mới đầu mùa mưa nhưng con hẻm này đã lầy lội, nước bẩn từ trong đống rác chảy ra đường, bốc mùi hôi nồng nặc. “Còn chợ tự phát thì còn xả rác. Còn xả rác thì còn “hẻm rác” 236 An Dương Vương. Chỉ mong sao chính quyền sớm dẹp khu chợ tự phát để chúng tôi bớt khổ” - ông Lê Bảy (P.16, Q.8) nói.

Ở TPHCM, nhiều cây cầu cũng bị rác thải chiếm cứ, như cầu Bình Lợi, Tân Thuận, Nhị Thiên Đường, Chà Và. Chị Trương Thanh Thảo - ở gần cầu Chà Và, Q.5 - cho hay người dân sống gần cầu thường thấy các đối tượng chở theo bao rác lớn vứt ngay trên cầu hoặc bỏ dưới dạ cầu trên đường Võ Văn Kiệt. Gặp gió, mưa, số rác này bay hoặc trôi dần xuống kênh. Những ngày cuối tuần, nhiều tốp thanh niên thường ra ngồi ở bãi cỏ dọc đường Võ Văn Kiệt nhậu nhẹt, hát karaoke, sau đó để lại một đống rác bay tứ tung, một số bay xuống kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. 

TPHCM có khoảng 2.000km kênh rạch, trong đó có nhiều tuyến đang bị rác thải, lục bình, cỏ dại chặn dòng chảy. Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 25 dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch nhưng đang chờ cân đối nguồn vốn để thực hiện, trong đó có cả những dự án trọng điểm, thuộc nhóm ưu tiên, như kênh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh…  
(Còn nữa)

Sơn Vinh

Xử nghiêm hành vi lấn chiếm, xả rác xuống kênh rạch

Giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - cho rằng việc cải tạo kênh rạch ô nhiễm, khơi thông dòng chảy cho những con kênh bị san lấp hoặc lấn chiếm là việc làm cấp bách. Cùng với việc chỉnh trang kênh rạch, UBND TPHCM cần tính đến giải pháp quản lý kênh rạch để không bị tái ô nhiễm. 
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, pháp luật hiện hành cũng có các quy định về xử phạt hành vi xả rác bừa bãi nhưng chưa đủ mạnh để răn đe, một số nơi chưa áp dụng việc xử phạt này. Theo ông, cùng với tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, xả rác xuống kênh rạch; tăng cường giám sát như lắp hệ thống camera để phạt nguội các trường hợp vứt rác bừa bãi. Ngoài ra, ngoài phạt tiền, cần có chế tài bổ sung như phạt lao động công ích đối với các trường hợp tái phạm.

Chưa biết khi nào TP.Huế mới hết bãi rác tự phát 

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trương mở rộng TP.Huế về phía khu đô thị mới An Vân Dương và một phần của phường An Tây, An Cựu khiến hoạt động xây dựng tại đây diễn ra rầm rộ, khu vực nút giao đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Quốc Việt nối dài (thuộc P.An Đông, TP.Huế) cũng bị biến thành bãi chứa rác tự phát. 

Tại đây, xà bần, đất, gạch, xi măng nằm ngổn ngang. Nhiều đoạn, rác tràn ra cả lòng đường. Nhiều lần, người dân bắt quả tang cảnh đổ rác, liền báo cơ quan chức năng nhưng khi lực lượng chức năng tới nơi, các đối tượng đổ trộm rác đã cao chạy, xa bay.

Ở đoạn cuối đường Hồ Đắc Di, P.An Tây, thuộc khu quy hoạch mở rộng Đại học Huế, rác thải cũng được chất đống với đủ loại: bao bì, bàn ghế, am thờ, bê tông, cát, sỏi, gạch ngói vỡ, đá granite vụn, thạch cao, bít cả lối vào ký túc xá.

Bà Trần Thị Tường Vy - Chủ tịch UBND P.An Đông - cho biết các quy định xử phạt và mức phạt đối với trường hợp đổ trộm rác thải tăng nhưng lực lượng kiểm tra, giám sát lại đang thiếu và yếu: “Để giải quyết dứt điểm nạn đổ rác thải xây dựng không đúng nơi quy định, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát các tuyến đường có khả nghi. Đến nay, chỉ còn một số đống rác nhỏ bên đường Võ Nguyên Giáp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cử lực lượng giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Rác thải tràn ra lề đường đoạn cuối đường Hồ Đắc Di, nơi tiếp giáp giữa Trường đại học Luật và Trường đại học Kinh tế, thuộc Đại học Huế
Rác thải tràn ra lề đường đoạn cuối đường Hồ Đắc Di, nơi tiếp giáp giữa Trường đại học Luật và Trường đại học Kinh tế, thuộc Đại học Huế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, TP.Huế chưa có cơ sở xử lý chất thải xây dựng nên việc đổ trộm chất thải rắn thường xuyên diễn ra, nhất là vào ban đêm. Ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Chủ tịch UBND TP.Huế - thông tin chính quyền địa phương đã cử người kiểm tra, bắt quả tang một số chủ phương tiện đổ trộm rác và đã xử lý nghiêm. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng này, UBND thành phố giao cho Công ty TNHH một thành viên Long Tường một khu đất thuộc P.An Tây, TP.Huế để làm khu trung chuyển, tập kết rác thải xây dựng, sau đó đưa về khu xử lý chất thải xây dựng của công ty ở thị xã Hương Trà. 

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, ngành vệ sinh môi trường của tỉnh cũng đang xây dựng khu thu gom, xử lý rác thải tập trung ở xã Hương Bình, thị xã Hương Trà và mở rộng bãi rác ở xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy. UBND TP.Huế cũng yêu cầu các chủ công trình hợp đồng với đơn vị thu gom và công bố điểm thu gom rác thải xây dựng phát sinh từ các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đối với các công trình, dự án lớn, hồ sơ xây dựng phải có vị trí đổ thải. 

Ông cho biết thêm, việc thu gom rác thải sinh hoạt ở TP.Huế do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị cùng Công ty Hằng Trung thực hiện. “Lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra, xử lý nhưng nạn đổ trộm rác vẫn tiếp diễn. Hiện chúng tôi đã gắn camera giám sát ở một số khu vực để phạt nguội người có hành vi đổ trộm rác” - ông nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị TP.Huế lại cho rằng, công ty không có trách nhiệm thu gom rác thải xây dựng; trách nhiệm quản lý và xử lý rác thải xây dựng đổ trộm là của chính quyền các phường, xã.

Thuận Hóa 

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • LN 25-05-2022 19:45:40

    Chính quyền địa phương còn thờ ơ như hiện nay thì vấn nạn này không bao giờ kết thúc. Thời gian đầu thành phố nên bắt thêm camera, có lực lượng kiểm soát và xử phạt những người đổ rác bừa bãi. Tôi thấy có mấy hộ dân cư trú gần cầ Kênh Xáng, phía giáp với KDC Trung Sơn, chuyên mua bán dừa trái. Ghe thuyền tấp vô, xuống mỗi lần hàng mấy trăm trái dừa. Sau đó hàng đống hàng đống vỏ dừa cứ thế tống xuống kênh. Chuyện này diễn ra thường xuyên cả chục năm nay chẳng lẽ địa phương không biết!

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu