Thiệt hại dây chuyền từ nạn xả rác tràn lan - Bài 2:

“Mắt thần” chưa ngăn được người xả rác

27/05/2022 - 06:45

PNO - TPHCM đã lắp đặt hơn 23.000 camera để giám sát an ninh, giao thông và môi trường đô thị. Nhưng xem ra giải pháp này chưa thể ngăn chặn được nạn xả rác bừa bãi.

 LTS: Mỗi năm, UBND TPHCM phải chi từ ngân sách hàng chục tỷ đồng cho công tác vớt rác trên các tuyến kênh chính. Đó chỉ là một trong vô số những dẫn chứng về thiệt hại nặng nề do nạn xả rác gây ra.

Bài 1: Rác thải, nỗi ám ảnh của cư dân ven kênh​ 

Một người hốt, trăm người xả

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày, người dân TPHCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn. Trong đó, một lượng lớn bị xả ra đường phố, kênh rạch và các miệng cống, làm tắc nghẽn các đường thoát nước, góp phần gây ngập nặng hơn mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường.

Rác thải đổ bậy, chất đống trên vỉa hè đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn gần ngã tư Đinh Bộ Lĩnh  - Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh chụp sáng 23/5/2022 - ẢNH: H.N.
Rác thải đổ bậy, chất đống trên vỉa hè đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn gần ngã tư Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh chụp sáng 23/5/2022 - Ảnh: H.N.

Ông Lê Văn Thành - Phó chủ tịch UBND Q.7 - cho biết, từ năm 2021 đến nay, các ban, ngành, đoàn thể của quận đã tổ chức hơn 600 lượt ra quân tổng vệ sinh đường phố, vớt rác trên kênh, rạch. Trong đó, thanh niên đã tích cực nạo vét 26 nhánh kênh, rạch, góp phần giảm ngập cho nhiều khu dân cư. Tuy vậy, tình trạng đổ rác bừa bãi vẫn diễn ra.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.Gò Vấp cũng thường xuyên phối hợp với các phường và khu phố ra quân thu gom rác trên các tuyến đường, nơi công cộng, khu dân cư, trên kênh, rạch. Có khi trong một ngày, lực lượng hỗn hợp này thu gom được hơn 50 tấn rác, lục bình. Nhưng sau đợt ra quân, rác vẫn bị xả ra nơi vừa được dọn dẹp. 

Ông Bùi Văn Trường - Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM - cho biết, nạn xả rác bừa bãi ảnh hưởng rất xấu đến hệ thống thoát nước. Chẳng hạn, việc người dân xả rác lên cửa cống thoát nước làm bít cửa cống, nước mưa, nước triều không có chỗ thoát nên thời gian ngập bị kéo dài. Mùa mưa, xà bần, rác bị cuốn hết vào hệ thống cống thu gom, gây tắc nghẽn lòng cống khiến nước không thoát được.

Mặc dù công ty có bộ phận chuyên đi thu dọn rác trên miệng hố ga, vớt rác dưới lòng cống nhưng không thể làm xuể khi có quá nhiều rác bị xả ra đường mỗi ngày. Chưa kể, nhiều nhà hàng, quán ăn đổ trộm đồ ăn thừa, dầu mỡ xuống miệng cống thoát nước, đóng thành từng mảng lớn trong lòng cống, gây nghẽn dòng chảy và lâu ngày sẽ làm hư hỏng cống thoát nước. 

Cứ trước mỗi mùa mưa bão, công ty đều ra quân nạo vét, vớt rác ở các miệng hố ga và các cửa thu, cửa xả. Ngay lúc mưa to, nhân viên của các chi nhánh thoát nước vẫn phải thường xuyên đi khảo sát và vớt rác trước miệng hầm ga nhằm tăng khả năng thu nước ở các tuyến đường bị ngập. Hằng ngày, Xí nghiệp Vận hành bảo dưỡng trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè đều tổ chức vớt rác ở các lưới chắn rác trên hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa… Tuy nhiên, rất khó để vớt hết rác trong tình cảnh “một người hốt, trăm người xả” như hiện nay.

Mỗi năm TP.HCM phải chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác vớt rác trên sông, kênh, rạch (trong ảnh: Rác thường xuyên chảy dồn về hạ nguồn kênh Hy Vọng, đoạn giáp với đường Phan Huy Ích, Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: H.N.
Mỗi năm TPHCM phải chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác vớt rác trên sông, kênh, rạch (trong ảnh: Rác thường xuyên chảy dồn về hạ nguồn kênh Hy Vọng, đoạn giáp với đường Phan Huy Ích, Q.Tân Bình, TPHCM) - Ảnh: H.N.

“Mắt thần” bất lực

Cầu Thủ Thiêm 2 vừa được khánh thành vào dịp lễ 30/4 vừa qua thì ở đường dẫn phía TP.Thủ Đức đã xuất hiện một đống rác thải sinh hoạt. Do cầu mới mở nên có đông người dân kéo về tham quan, hàng rong cũng nở rộ. Người tham quan cầu ăn xong, tiện tay vứt hộp xốp, túi ni-lông, chai nhựa vào bãi đất trống gần chân cầu. 

Tương tự, phần đường dẫn cầu Thủ Thiêm 1 phía TP.Thủ Đức cũng có bãi rác lớn từ nhiều năm qua dù ở đây có camera và bảng cấm đổ rác. Ông Nguyễn Văn Kiên - Chủ tịch UBND P.Thủ Thiêm - cho biết, phường đã nhiều lần ra quân dọn dẹp vệ sinh, tuyên truyền đến người dân, xử phạt người buôn bán hàng rong nhưng không thể giải quyết dứt điểm nạn xả rác. Có những đợt, chính quyền vừa ra quân dọn sạch rác vào buổi tối thì sáng hôm sau, rác lại xuất hiện. 

Các đối tượng đổ trộm rác thường thay đổi giờ giấc liên tục, có khi vào giờ nghỉ trưa, có khi nửa đêm. Thậm chí, có tình trạng người dân ở khu vực khác thuê xe ba gác chở rác đến đây đổ trộm. Theo ông Kiên, P.Thủ Thiêm có nhiều khu đất trống, đang chờ triển khai các dự án. Những nơi này dễ dàng trở thành nơi hứng rác. Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt cũng khó khăn do lực lượng của phường mỏng. Vì vậy, UBND phường phải cho dùng tôn che chắn các bãi đất trống, mở rộng hệ thống camera theo dõi, giám sát.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức - cũng cho biết, các lực lượng xung kích của phường vẫn thường xuyên ra quân dọn dẹp những nơi phát sinh rác thải; kiểm tra, xử lý tình trạng xả thải bừa bãi. Tuy vậy, ở những nơi có xe chạy liên tục như cầu, đường thì rất khó kiểm tra. Chẳng hạn, dưới chân cầu Bình Lợi hoặc dọc tuyến đường sắt trên đường Kha Vạn Cân, hiện vẫn còn nhiều điểm tập kết rác do người dân lén đổ, gây mất vệ sinh và mỹ quan. 

Ông Lâm Quân Minh Vương - Chủ tịch UBND P.Đông Hưng Thuận, Q.12, phường đầu tiên ở TPHCM lắp camera để giám sát việc xả rác của người dân - cho biết, việc lắp camera mang lại hiệu quả bước đầu trong việc ngăn chặn người dân xả rác bừa bãi. Năm 2015, UBND phường đã cho gắn sáu camera giám sát trên cầu Chợ Cầu (nằm giữa Q.12 và Q.Gò Vấp).

Đến nay, toàn phường đã gắn gần 400 camera; trong đó, có những khu phố gắn hơn 100 camera, phần lớn kinh phí do người dân đóng góp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng người dân vãng lai vứt rác bừa bãi, công tác truy thông tin gặp khó khăn. Một số đối tượng vứt rác vào giữa đêm, đeo khẩu trang nên khó nhận diện.

Theo ông Trần Văn Thạch - Phó Chủ tịch UBND P.Đa Kao, Q.1 - UBND phường đã tổ chức xe loa tuyên truyền, phát tờ rơi, phát động chương trình “15 phút mỗi tuần vì thành phố văn minh, sạch đẹp”, đồng thời thường xuyên phối hợp cảnh sát khu vực, tổ tự quản ra quân tuần tra, xử lý hành vi vi phạm môi trường. Dù vậy, số vụ xử lý còn hạn chế do người vi phạm thường là người từ nơi khác đến, lợi dụng chỗ tối, khuất để lén đổ rác thải, xà bần.

Mỗi năm TPHCM chi hơn 700 tỷ đồng để vớt rác

Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, mỗi năm thành phố phải chi hơn 3.400 tỷ đồng cho công tác thu gom xử lý rác và duy tu hệ thống thoát nước. Trong đó, có gần 700 tỷ đồng chi cho việc quét rác và hơn 700 tỷ đồng để vớt rác trên sông, kênh, rạch.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, lượng rác thải nhựa tồn đọng trong môi trường ở TPHCM khoảng 73 triệu tấn và qua đợt đại dịch COVID-19 đã tăng thêm khoảng 25%. Theo tiến sĩ Thuận với gần 90 triệu tấn rác thải nhựa đang tồn tại, TPHCM rất khó để giải bài toán này.

Mỗi năm TP.HCM phải chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác vớt rác trên sông, kênh, rạch  (trong ảnh: Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn thuộc Q.3, TP.HCM)  - Ảnh: H.N.
Mỗi năm TPHCM phải chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác vớt rác trên sông, kênh, rạch (trong ảnh: Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn thuộc Q.3, TPHCM) - Ảnh: H.N.

Có camera nhưng khó phạt nguội

Tính đến nay, các địa phương ở TPHCM đã lắp đặt hơn 23.000 camera giám sát an ninh, kết hợp giám sát giao thông, vệ sinh môi trường đô thị. Việc gắn camera có tác dụng tốt trong việc điều chỉnh hành vi của người dân nhưng chính quyền các địa phương chưa thể phạt nguội qua camera mà chủ yếu theo dõi camera để xác định các địa điểm và các đối tượng đổ rác trộm để có biện pháp xử lý. 

Qua theo dõi camera, lực lượng chức năng P.17, Q.Gò Vấp đã xác định được nhiều đối tượng thường xuyên chạy xe máy chở lượng lớn rác sinh hoạt cá nhân đổ trên nhiều tuyến đường, từ đó bố trí lực lượng theo dõi, bắt quả tang, lập biên bản, xử phạt. Tuy nhiên, đây không phải là hình thức dùng camera để “phạt nguội” hành vi xả rác. Nhiều đối tượng xả rác vào ban đêm, đeo khẩu trang nên khó ghi hình, nhận dạng; đa số người vi phạm thường tranh cãi, không chịu thừa nhận hành vi.


 Minh Linh

(còn nữa)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI