Đe dọa giết người: Khó ngăn chặn

17/04/2013 - 10:57

PNO - Quá trình từ hành vi đe dọa đến giết người có khi chỉ trong gang tấc nhưng trong một số trường hợp cụ thể, đối tượng vẫn chưa bị xử lý

 Đặng Văn Khuyến (SN 1985) sau nhiều lần hành hung, đe dọa đã đã ra tay giết người yêu là chị Lê Thị Thúy Hằng. Vụ việc xảy ra ngày 13/4 tại quận Bình Thạnh - TPHCM khiến dư luận quan tâm. Thực tế, tình trạng đe dọa giết người đã và đang diễn ra phổ biến với các dạng: đe dọa nổ mìn, nhắn tin, đòi nợ kèm lời đe dọa giết...

Thiếu biện pháp ngăn chặn quyết liệt

Quá trình từ hành vi đe dọa đến giết người có khi chỉ trong gang tấc và thực tế có những vụ giết người đã xảy ra ngay sau khi đối tượng có hành vi đe dọa.

Với tội giết người, đối tượng sẽ bị pháp luật xử phạt rất nghiêm khắc bởi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, với hành vi này, đối tượng trong một số trường hợp cụ thể vẫn chưa bị xử lý do thiếu hiểu biết pháp luật, chủ quan; do nạn nhân và đối tượng đe dọa có quan hệ tình cảm hoặc vì một lý do nào đó khiến nạn nhân ngại hay không dám tố cáo.

“Một số trường hợp có hành vi đe dọa giết người vẫn chưa bị xử lý bởi người bị hại không thể ghi nhận lại lời nói, thái độ của đối tượng, không ai làm chứng nên việc truy tố trách nhiệm hình sự là rất khó. Hơn nữa, tội phạm này rất khó phát hiện, việc chứng minh tội phạm cũng gặp nhiều khó khăn” - thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM, chia sẻ.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TPHCM, dù pháp luật hình sự đã có quy định bảo vệ người bị đe dọa nhưng có những trường hợp, người thực thi pháp luật chưa có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn hành vi đe dọa giết người, bảo vệ người bị đe dọa. Cán bộ khi tiếp nhận nguồn tin của người bị đe dọa chưa đưa ra được biện pháp giải quyết cụ thể và thường làm cho người bị đe dọa cảm thấy hoang mang, lo lắng hơn, trong khi nguồn tin do người bị hại cung cấp cần phải được xử lý nhanh chóng và cần trấn an họ.

Thượng tá Lê Văn Hải, Phó Trưởng Công an quận 8 - TPHCM, cho biết thỉnh thoảng tiếp nhận đơn tố cáo của công dân về việc bị một số đối tượng dùng số điện thoại khuyến mãi nhắn tin khủng bố, đe dọa làm ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi mời đối tượng nghi vấn lên làm việc, họ không thừa nhận hành vi nhắn tin đe dọa. Vì vậy, việc xử lý những đối tượng này gặp khó khăn.

Dấu hiệu nhận biết tội đe dọa giết người

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, tại điều 103 Bộ Luật Hình sự, các dấu hiệu cơ bản của tội đe dọa giết người là người phạm tội phải có hành vi làm cho người bị đe dọa lo sợ. Hành vi này được thể hiện dưới dạng hành động như lời nói, cử chỉ, cách nhìn, mài dao, lấy súng, lên đạn, viết thư, nhắn tin… với mục đích đe dọa. Hành vi đe dọa phải làm cho người bị đe dọa thực sự tin là mình có thể bị giết. Tuy nhiên, yếu tố này là khó xác định. Thông thường, hành vi đe dọa thường được cố ý để lộ cho người bị hại biết hoặc người khác nhìn thấy và nói lại cho người bị hại biết. Chủ thể của tội đe dọa giết người là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Về phía người bị hại, phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe dọa của người phạm tội sẽ được thực hiện. Điều này phụ thuộc vào hoạt động tư duy của mỗi người. Chính thái độ tâm lý của người bị đe dọa là dấu hiệu buộc tội bị cáo. Việc xác định sự sợ hãi của người bị đe dọa phải căn cứ vào thái độ, các hoạt động của họ sau khi nhận được sự đe dọa, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, mối quan hệ giữa người phạm tội và người bị hại. Nếu trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng sự đe dọa đó sẽ được thực hiện thì sự lo sợ của người bị hại là có căn cứ.

Thẩm phán Vũ Phi Long nhấn mạnh trong trường hợp các đối tượng có những lời nói đi quá giới hạn, chuẩn bị hung khí, đề ra kế hoạch, phương thức, đang thực hiện và khả năng sẽ thực hiện việc giết người thì có thể bị truy tố về tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị hoặc phạm tội chưa đạt. Để phân biệt tội giết người và đe dọa giết người, phải dựa vào mục đích phạm tội. Theo đó, đối tượng của tội đe dọa tính mạng không mong muốn giết người, chỉ nhằm đe dọa, uy hiếp về mặt tâm lý, trong khi đối tượng của tội giết người mong muốn tước đoạt mạng sống người khác.

Ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh-TPHCM, nói khi bị người khác dùng lời nói, tin nhắn, hình ảnh đe dọa đến tính mạng thì nạn nhân phải nhanh chóng gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng (công an phường, quận) để được giúp đỡ, bảo vệ. Nạn nhân nên trực tiếp đến công an gần nơi cư ngụ để trình báo; trường hợp biết chính xác địa chỉ của kẻ đe dọa thì phải cung cấp cho công an nơi kẻ đe dọa sinh sống. Khi tố cáo bị đe dọa, nạn nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ (tin nhắn, hình ảnh, clip…) để tiện cho việc điều tra, xử lý. Trong một số trường hợp, viện kiểm sát cũng có thể tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân nhưng sau đó sẽ chuyển sang công an để điều tra, xác minh. Trên thực tế, nhiều người đã bị xét xử vì có những hành vi đe dọa giết người khác. Những trường hợp này thường bị xử với những mức án rất nghiêm khắc.

Nhiều nguời kêu cứu vì bị dọa giết

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, cho biết trong thời gian qua đã nhận được một số đơn thư tố cáo, kêu cứu về việc bị nhắn tin, gọi điện dọa giết hoặc tung thông tin không đúng sự thật lên các trang mạng xã hội. Trong những trường hợp này, sau khi tiếp nhận, sở sẽ phân công cho cán bộ phụ trách phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nội dung nạn nhân tố cáo. Đối với những trường hợp bị tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng, nạn nhân cũng có thể gửi đơn đến sở nhờ trợ giúp. Khi xác minh, nếu đúng sự thật thì sở sẽ làm việc với chủ quản trang mạng để gỡ bỏ những thông tin không đúng hoặc hình ảnh ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Theo Người Lao Động

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI