Để con cho chồng nuôi là ác?

25/10/2019 - 10:14

PNO - Con trai chị mới năm tuổi đã phải thiếu mẹ. Thế mà bà nội với ba còn bơm vào đầu thằng bé ý nghĩ mẹ nó ác, nó là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi.

Anh chị có một con trai bốn tuổi. Anh có công việc ổn định, thu nhập khá ở công ty người quen. Còn chị sau khi sinh, con ba tuổi mới đi làm lại, giờ vẫn chỉ là nhân viên văn phòng bình thường.

Anh chị lại đang ở nhờ nhà nội, nên khi ly hôn, con trai theo ba, vì chị biết rõ mình không thể chăm sóc, nuôi nấng con chu đáo. Chưa kể thằng bé là đích tôn, dễ gì anh và bên nội chịu đưa con cho chị.  

De con cho chong nuoi la ac?
Ảnh minh họa

Một mình ở nhà trọ, chị đều đặn đến thăm con hằng tuần, chưa kể những ngày được về sớm, chị nhắn chồng xin được đón con. Thằng bé thấy mẹ thì mừng lắm, dọc đường về ríu rít không ngớt miệng.

Thời gian gần đây, chị thấy con không còn vui vẻ khi gặp mẹ. Hỏi gì con trả lời nấy, chứ không kể chuyện trường lớp như trước. Lúc cho con đi công viên chơi, chị thủ thỉ hỏi: “Con giận hay buồn gì mẹ vậy?”, và chết sững khi con trả lời: “Mẹ có thương yêu gì con đâu mà hỏi”.

Sau phút choáng váng, chị hỏi con sao nói vậy, một năm qua chị vẫn đến thăm con, chơi với con, mua đồ chơi, sách truyện cho con. Những ngày mưa, chị còn gọi điện hỏi ba nó có kịp đón con không để chị đón, đón về rồi con có bị ướt không.

Thằng bé bĩu môi: “Bà nội với ba nói, mẹ ác lắm, chẳng có người mẹ nào bỏ con hết, chỉ có mẹ thôi. Mẹ con Tí đó, cũng ba mẹ ly hôn, nhưng nó được sống với mẹ. Lớp con cũng có hai bạn sống với mẹ”.

Chị suýt bật khóc vì đau xót. Con trai chị mới năm tuổi, còn non nớt đã phải thiếu mẹ. Thế mà bà nội với ba còn bơm vào đầu thằng bé ý nghĩ mẹ nó ác, nó là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi.

Phải để con cho người khác nuôi, không riêng gì chị mà bất cứ người mẹ nào cũng đều không muốn. Nhưng vì hoàn cảnh nên chị phải xé lòng cắn răng, chỉ biết bù đắp bằng cách gần gũi con thường xuyên. Trong chuyện này, mẹ chồng và chồng cũ chị biết quá rõ, sao còn gieo tiếng ác cho chị? 

De con cho chong nuoi la ac?
Ảnh minh họa

Bạn chị còn lâm vào hoàn cảnh thê thảm hơn nhiều. Bạn cũng để con gái lại cho chồng, vì lương công nhân không đủ nuôi con, chưa kể bạn còn ở nhà trọ, tăng ca liên tục. Ly hôn xong, anh chồng mang con về quê sống với cha mẹ, tiện chăm sóc ông bà. 

Bạn muốn thăm con cũng chỉ một năm được hai lần. Con bé thấy mẹ thì thờ ơ, chỉ quấn quýt mấy món đồ chơi mẹ mua. Khi mẹ ôm ấp bồng bế thì nó giãy nãy như với người lạ. Bạn biết mình không ở gần con nên siêng gọi điện về chuyện trò, nhưng con bé vẫn không mấy mặn mà.

Hai năm ở vậy, có một người muốn đến với bạn, bạn cũng định đi bước nữa làm lại cuộc đời, nhưng cái danh “người mẹ ác” khiến bạn đành bỏ lỡ mối nhân duyên này. Gia đình chồng tương lai không chê bạn một lần đò, mà dè bỉu khi biết bạn “ném con cho chồng, thân son mình rỗi đi tìm hạnh phúc”. Họ nói, thứ đàn bà như bạn rước về chỉ mang họa, con cái liền khúc ruột còn đỏ hỏn mà còn bỏ được, thì những tình thân khác nặng mấy gam? 

Chẳng lẽ bây giờ chị và bạn phải sống chết đòi nuôi con, mặc con thiếu thốn, khổ sở, thiếu quan tâm thì mới được tiếng “mẹ hiền”? Gia đình tan vỡ, những đứa trẻ là nạn nhân trực tiếp, chưa đủ đáng thương hay sao mà chính người thân của chúng lại làm chúng tổn thương, và nuôi dưỡng thù hận với chính người sinh ra mình?

Cũng qua đổ vỡ, sao đàn ông lại có thể thong dong sống một mình, lập gia đình thêm một vài lần nữa, nhưng với phụ nữ, cái tiếng ác lại cứ mãi đeo mang? 

Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI