ĐBQH: Phim trên mạng đầy khuất tất, khuyết tật, không thể hậu kiểm

25/05/2022 - 19:24

PNO - ĐBQH Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm, với những khuất tất, khuyết tật của phim trên không gian mạng, không nên hậu kiểm.

 

Dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi đề nghị phải phân loại phim trước khi phát hành trên mạng
Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đề nghị phải phân loại phim trước khi phát hành trên mạng

Phim trên mạng phải được phân loại

Chiều 25/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Về việc phân loại phim, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phân loại phim theo độ tuổi người xem được nhiều quốc gia áp dụng. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định về hiển thị phân loại phim. Theo đó, chia làm 6 loại phim, gồm: loại P (phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi), phim 18+, phim 16+, phim 13+, phim loại K (được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ), phim loại C (phim không được phép phổ biến). Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, đa số ý kiến đồng tình với phương án tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của chủ thể phổ biến phim, tăng cường công cụ kiểm soát đối với trẻ em. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh...

Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, phương án giao chủ thể phổ biến phim thực hiện tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta hiện nay. Đây là xu hướng chung trên thế giới, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. 

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, khả thi của phương án tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng, Dự thảo Luật được thiết kế lại, quy định cụ thể, chặt chẽ về các chủ thể được phép phổ biến phim. Cụ thể, chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có đăng ký kinh doanh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, chủ thể phổ biến phim phải tự phân loại phim theo tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim. Chủ thể phổ biến phim cũng có thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại theo quy định.

Tranh cãi hậu kiểm phim trên mạng

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lo lắng việc hậu kiểm có thể khiến phim trên không gian mạng đi lại tự do, ảnh hưởng tới tư tưởng, nhận thức của giới trẻ

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lo lắng việc hậu kiểm có thể khiến phim trên không gian mạng "đi lại tự do", ảnh hưởng tới nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ

Cũng liên quan tới phát hành phim trên mạng, dự thảo luật đã chỉnh lý, chọn quy định hậu kiểm đối với hình thức phổ biến phim này. Trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, phổ biến phim, gỡ bỏ phim vi phạm, biện pháp quản lý phim, phổ biến phim trên mạng để tạo cơ sở cho công tác hậu kiểm. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi tại Quốc hội, chiều 25/5.

ĐBQH Tô Ái Vang chia sẻ: “Đối với một xã hội số, một không gian mạng mênh mông, không biên giới như hiện nay, tôi nghĩ quy định tiền kiểm là bất khả thi và không phù hợp với thông lệ quốc tế".  Đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra nội dung phim. Việc phân loại hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật.

Ngược lại, ĐBQH Phạm Trọng Nhân lại cho rằng, việc hậu kiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo đó, việc để các nền tảng này "tự do đi lại trên mặt trận văn hóa" đã gây nên những tổn thương không hề nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội trong thời gian qua. "Kể từ khi xâm nhập thị trường Việt Nam, Netflix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước từ phim "Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta" đến "Bà Ngoại trưởng" và gần đây nhất là "Bill Gates", ĐB trích dẫn và khẳng định, nếu không tiền kiểm thì người xem, đặc biệt là giới trẻ sẽ tiếp thu những kiến thức sai lệch. 

Không dừng lại ở đó, các nền tảng xuyên biên giới này còn kiếm lợi bất chính khi doanh thu hàng ngàn tỷ đồng từ cung cấp dịch vụ nhưng chưa đóng một đồng tiền thuế tại nhiều nước sở tại trong đó có Việt Nam.

"Với những khuất tất, khuyết tật vô cùng độc hại cho xã hội như trên, nhưng phổ biến phim trên không gian mạng không phải trải qua quy trình chặt chẽ để được cấp phép phân loại phim như hệ thống rạp hay các điểm chiếu phim công cộng thì liệu đã đảm bảo nguyên tắc, đảm bảo sự bình đẳng cạnh tranh công bằng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh?", ông đặt vấn đề.

Ông cũng chia sẻ, với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Tuy nhiên, không thể lấy khó khăn để lý giải cho quy định hậu kiểm bởi hiện các công đoạn tiền kiểm đều được số hóa và được thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng.

"Giữa nỗ lực phải thể chế hóa cùng trách nhiệm của ngành và những lý giải hậu kiểm như trên của tờ trình thì đâu sẽ là giải pháp để bảo vệ ngọn đèn văn hóa trong hành trình soi đường cho quốc dân đi", ông trăn trở. 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI