Đau lòng cảnh điều dưỡng bị dọa đánh

22/12/2018 - 06:00

PNO - Đang cấp cứu cho một bệnh nhi ngưng thở, nữ điều dưỡng bị một ông bố nóng nảy yêu cầu phải cứu cho được con ông, nếu không cô sẽ bị đánh. Theo một nghiên cứu, có tới hơn 72% điều dưỡng bị bạo lực nơi làm việc

Sáng 21/12, tại hội nghị Khoa học kỹ thuật Điều dưỡng mở rộng lần thứ 13 do Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tổ chức, các điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã chia sẻ về những tình huống bị bạo lực do người nhà bệnh nhi gây ra. 

Bị dọa đánh vì không kịp khám cho bệnh nhi bị sốt

Dau long canh dieu duong bi doa danh
Điều dưỡng của BV Bình Dân (TP.HCM) chăm sóc cho bệnh nhân nặng 

Nữ điều dưỡng làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tâm sự: Cách đây không lâu, một bệnh nhi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng ngưng thở và sốt 38 độ C. Lúc đó, các bác sĩ lo cấp cứu bệnh nhi ngưng thở nên ông bố sốt ruột và quát tháo: “Mày có khám cho con tao không thì bảo”.

Sau đó, người đàn ông còn dọa nạt và định hành hung với nữ điều dưỡng. Nhiều tháng sau đó, nữ điều dưỡng làm việc trong trạng thái lo sợ, ai nói to cũng giật mình, không còn tâm trí để làm việc.

“Nghề điều dưỡng bạc bẽo, muốn bỏ cho rồi. Nhiều lúc, em thấy nghề của mình làm ơn mắc oán. Chăm sóc mà còn bị bệnh nhân đánh thì làm sao còn hài lòng với công việc của mình?” - một điều dưỡng khác của Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

Theo kết quả nghiên cứu năm 2017 của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 300 điều dưỡng đang làm việc có đến 218 người (chiếm 72,7%) từng bị bạo lực nơi làm việc. Trong số này, bạo lực lời nói 69,7%; bạo lực thể chất 332,6%. 

Dau long canh dieu duong bi doa danh
Điều dưỡng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) chăm sóc cho bệnh nhân. Trong năm 2018, một nữ điều dưỡng của bệnh viện bị người nhà bệnh nhân đâm vào vai.

Bạo lực nơi làm việc khiến điều dưỡng bị trầm cảm

Bệnh viện Nhi Trung ương thống kê, sau khi bị bạo lực có đến 92,7% điều dưỡng bị ảnh hưởng đến tâm lý. Trong đó, có đến 43,6% điều dưỡng có biểu hiện trầm cảm; 84,9% có biểu hiện thất vọng; 92,7% có biểu hiện lo lắng; 89,4% ca bị stress…

Sau khi bị bạo lực nơi làm việc, 76,1% điều dưỡng nói rằng bị giảm hiệu suất làm việc; 22,9% nghỉ làm; 41,7% bị chấn thương…

Một nam điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cảm thấy tuyệt vọng khi bị người nhà hành hung: “Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, không còn yêu nghề, công sức và tâm huyết mình bỏ ra mà bệnh nhân không hiểu. Thực sự cảm thấy chán nản, muốn bỏ nghề. Nếu được thay đổi nơi làm việc thì chắc sẽ tốt hơn”.

Tiến sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, những điều dưỡng sau khi bị bạo lực thường mệt mỏi, chán nản công việc, phải nghỉ làm nhiều ngày.

Dau long canh dieu duong bi doa danh
Những nữ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM)

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, chi phí điều trị từ thể chất đến tinh thần cho một điều dưỡng khi bị tấn công vào khoảng 31.643 USD (tương đương 718 triệu đồng). Theo phân tích của Bộ Lao động Mỹ, có đến 60% người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bị tấn công và hầu hết là do chính bệnh nhân gây ra.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI