Đâu là giới hạn cho phụ huynh?

23/12/2020 - 11:11

PNO - Nhiều câu chuyện hành xử khiến giáo viên sợ phụ huynh, nhất là những phụ huynh bênh vực con một cách mù quáng, gây tổn hại mối quan hệ lẽ ra cần khắng khít để giáo dục trẻ.

Hôm 21/12, cô L.Y.A., giáo viên (GV) lớp 1/3 Trường tiểu học Lưu Hữu Phước (Q.8) có bản tường trình về việc bị phụ huynh đe dọa gây bức xúc dư luận.

Cô kể, trong giờ ra chơi sáng 18/12, học sinh (HS) T. không ra sân chơi mà vào lớp nhảy lên bàn ghế. Cô sợ xảy ra tai nạn nên bảo bé ra khỏi lớp nhưng bé lại cứ chạy trở vào nên đã lớn tiếng la bé.

Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh lẽ ra phải khắng khít     Ảnh minh hoạ (giaoducthoidai.vn)
Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh lẽ ra phải khắng khít                      Ảnh minh hoạ (giaoducthoidai.vn)

Trưa hôm đó, cô nhận được điện thoại của phụ huynh HS này với những lời lẽ thô tục. Buổi chiều, vì buồn phiền nên cô chỉ ngồi giữ lớp, không dạy học, cũng không mở đèn, quạt. 

Chiều đó, cô lại nhận được điện thoại của phụ huynh hỏi cô sao đánh HS. Lời qua tiếng lại và phụ huynh chửi thề, dọa đánh nên cô cúp máy và chở con chạy vào trường vì sợ. Cô vừa chạy đi thì gặp hai phụ nữ chạy theo đến trường và bảo vệ phải ngăn lại.

Cô viết tường trình gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.8 và ban giám hiệu để nhờ bảo vệ. Câu chuyện mà cô tường trình khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người đặt câu hỏi từ khi nào mối quan hệ, cách hành xử giữa phụ huynh và GV lại “loạn” đến vậy?

Còn các GV cho rằng, chính những quy định hiện nay đang làm vai trò GV ngày càng mờ nhạt và thu hẹp. Cũng từ đó, xã hội dựa vào quy định để o ép GV. Học trò lì, thầy cô không được to tiếng; trò sai, thầy cô cũng phải nhẫn nhịn. Vậy là thầy cô sợ, tự đặt ra giới hạn cho mình. Nhiều GV đúc kết làm GV như làm dâu trăm họ, lại là nghề nguy hiểm như hiện nay.

Cô K., GV bậc THCS tại Q.1 kể, đầu năm học, cô gặp một trường hợp tương tự. Trước giờ kiểm tra, có bảy HS xin đi vệ sinh. Bốn HS vào lớp nhanh, ba em khác phải có bạn trong lớp ra kêu mới vào. Vì lo lắng không kịp giờ nên cô la HS, yêu cầu ba em xin lỗi cô và cả lớp.

Thế rồi, có một phụ huynh trong số ba HS gọi điện cho GV chủ nhiệm nói cô giáo đối xử này nọ với HS. Sau khi nắm tình hình, GV chủ nhiệm khuyên phụ huynh phải cảm ơn GV bộ môn vì đã dạy các em biết nhận lỗi… Sau đó, phụ huynh có đến giải thích là do con “méc” không đúng sự thật.

Nhưng vấn đề của câu chuyện không chỉ nằm ở HS thiếu trung thực mà còn ở cách hành xử của phụ huynh, nuông chiều bênh vực con một cách mù quáng. 

Thực tế, rất nhiều phụ huynh “khoán” con cho trường. Con ngoan giỏi hiếm khi nào khen thầy cô nhưng gặp chuyện liền “xử” ngay.

Một GV ở Q.1 chua chát thừa nhận, ai đi dạy cũng sẽ gặp những phụ huynh thương con đến hại con. Nỗi đau của thầy cô rồi cũng sẽ được khỏa lấp bởi những phụ huynh và HS dễ thương khác nhưng chính cách hành xử của phụ huynh vô tình dạy con trở thành đứa trẻ không có kỷ luật. 

Trưa 22/12, bà Hồ Dìa Tim, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Hữu Phước (Q.8), cho biết: sự việc xảy ra xuất phát từ sự lo lắng của cô, dẫn đến lớn tiếng với HS. Sau khi trao đổi với hai bên thì câu chuyện đã rõ. Phụ huynh thừa nhận có nói chuyện lớn tiếng, bỗ bã. Điều này có thể làm cô sợ nên tắt điện thoại. Việc cô cúp máy càng khiến phụ huynh bức xúc nên mới chạy đến nhà hỏi cô cho ra lẽ, thì không ngờ cô sợ quá bỏ chạy vào trường.

Ngay khi xảy ra vụ việc, phó hiệu trưởng đã có mặt để trấn an cô giáo, và trao đổi qua điện thoại với phụ huynh. Phụ huynh khẳng định không có ý định hành hung cô giáo và đã xin lỗi nhà trường, đồng thời mong muốn được chuyển lớp cho con. 

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Q.8 cho hay: Trường có báo cáo sự việc về phòng. Trong câu chuyện này cần rút kinh nghiệm nhắc nhở cả hai phía. GV và phụ huynh đều có cái sai và hiểu lầm nhau và không lắng nghe nhau. Hiện, trường đồng ý chuyển lớp cho HS để tránh cô trò lấn cấn về sau, nhất là khi bé mới chuyển từ mẫu giáo lên lớp Một.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI