Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Làm lại 'Bến không chồng' để nhớ một làng quê đã mất

13/11/2017 - 12:55

PNO - Gần hai mươi năm trước, chính anh là đạo diễn (kiêm diễn viên đóng vai Vạn) cho bộ phim điện ảnh cùng tên, chuyển thể từ 'Bến không chồng'.

Nhìn những hàng cây nghiêng bóng xuống Hồ Gươm, anh hỏi: “Em có thấy những cái cây kia khác nhau thế nào không?”. Câu hỏi khiến người đối diện ngẩn đi một đỗi, không phải vì cố tìm những lý giải cho cây, mà là nhận ra có một Lưu Trọng Ninh rất khác - một Lưu Trọng Ninh tình cảm, tinh tế, sâu sắc, giàu cảm xúc trước vạn vật, trước cái đẹp lẫn cái bi của đời sống.

Dao dien Luu Trong Ninh: Lam lai 'Ben khong chong' de nho mot lang que da mat

Hình ảnh một làng quê Bắc bộ xưa sẽ xuất hiện trong Thương nhớ ở ai

 Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

Tôi muốn tái hiện lại hình ảnh một làng quê đã mất. Khi VFC đặt hàng phim về đề tài nông thôn, tôi từng nghĩ sẽ thử làm phim về con người Nam bộ, với những bối cảnh miền Tây sông nước ngày xưa, đã định chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhưng các tác phẩm của chị đều đã được mua bản quyền. Quay về với Bến không chồng, tôi không muốn dẫm lên lối mòn nên quyết định mở rộng phạm vi làng Đông trong văn học thành một làng quê Bắc bộ trong phim, với những thân phận người phụ nữ chịu nhiều thăng trầm, bi kịch, cho dù họ có chồng hay không.

Anh đã nhìn ngắm mọi thứ bằng sự rung cảm của một người nghệ sĩ, để khi đặt cái tôi của mình vào từng tác phẩm, anh đã truyền cho khán giả những cảm xúc chân thật, sâu lắng mà da diết về thân phận con người - như cách anh đã nhìn thấy “hàng trăm cái cây đều có số phận riêng, chúng như đang thủ thỉ cùng với nước. Cũng như bao người ta gặp trên những con phố dài hay ngõ nhỏ đều chất đầy những lo toan trong mắt. Con người, có mấy ai thanh thản được đâu”.

Cuối cùng, bộ phim Thương nhớ ở ai (34 tập) đã lên sóng, sau gần ba năm hoàn tất phần ghi hình. Chỉ sau vài tập đầu, khán giả đã nhìn thấy ở đó một không gian rất xưa, với những phận người trong bối cảnh đã lùi xa hàng thập niên. Những độc giả của tiểu thuyết Bến không chồng (Dương Hướng) hơn 15 năm trước đã được gặp lại Hơn, Vạn, Hạnh, Nghĩa, Nhân… của làng Đông.

Gần hai mươi năm trước, chính anh là đạo diễn (kiêm diễn viên đóng vai Vạn) cho bộ phim điện ảnh cùng tên, chuyển thể từ Bến không chồng. Chỉ khác là năm 1999, toàn bộ bối cảnh trong phim điện ảnh là thật. Bây giờ, có đến gần 2.000 phân cảnh đã được làm kỹ xảo để tái tạo không gian xưa cho bản truyền hình Thương nhớ ở ai

Dao dien Luu Trong Ninh: Lam lai 'Ben khong chong' de nho mot lang que da mat

Nhân vật Vạn do Lưu Trọng Ninh đảm nhận năm xưa giờ thuộc về nam diễn viên trẻ Lâm Vissay, vai chính - Hơn được trao cho Hồng Kim Hạnh. 20 năm cho một câu chuyện, với anh vẫn đầy cảm xúc. Điện ảnh chú trọng vào chi tiết đắt, còn truyền hình tập trung khai thác số phận nhân vật. Quay bốn tháng, làm kỹ xảo ròng rã gần ba năm mà anh nói lúc quay, lúc dựng đều cảm thấy nghèn nghẹn.

“Tôi đã kể về họ bằng tất cả ký ức, cảm nhận, chia sẻ của mình về thân phận người phụ nữ ở làng quê Bắc bộ. Kịch bản phim đã đi rất xa so với các nhân vật trong tác phẩm văn học. Nỗi đau của làng đi từ chiến tranh đến hòa bình, mất mát, hy sinh chồng lấn lên những đau đớn về nhân tình thế thái… Có những nỗi đau có thể khiến người xem thương đến tận cùng. Cái bi cũng chính là cái đẹp và ở “bến không chồng” ấy, tình yêu thật sự đã làm rạng rỡ, đổi thay mọi thứ” - Lưu Trọng Ninh tâm sự.

Bến không chồng hay Thương nhớ ở ai đều là những tác phẩm khiến người xem chờ đợi, trong từng mốc thời gian, bối cảnh sống khác nhau. Mà không chỉ hai phim này, những bộ phim khác gắn tên Lưu Trọng Ninh đều hoặc là tạo dư luận, hoặc khởi đầu cho một trào lưu, thể loại phim. Như từ Hoa cỏ may, Dốc tình, Đi về phía mặt trời… của 10 năm trước đã bắt đầu cho dòng phim lãng mạn phát triển sau này.

Trailer Thương nhớ ở ai:

 

Lưu Trọng Ninh nói anh là người làm phim tự do, cũng không thích trói buột mình vào những khuôn khổ - thích gì làm nấy. Thế mà anh cũng có phim liên tục. Phần ba của phim Hoa cỏ may cũng vừa lên sóng. Trước đó, anh cũng từng gây chú ý với phim điện ảnh Khát vọng Thăng Long. Giờ xong Thương nhớ ở ai, anh lại âm thầm chuẩn bị cho dự án phim chuyển thể từ Truyện Kiều, mà lại làm song song bản truyền hình và điện ảnh.

“Có thể sẽ là hai ê-kíp khác nhau. Có thể nói đó là phim quan trọng nhất cuộc đời tôi” - Lưu Trọng Ninh bộc bạch. Làm phim về Kiều cũng là di nguyện của bố anh - nhà thơ Lưu Trọng Lư - lúc cuối đời. Lưu Trọng Ninh nói anh đã chuẩn bị rất lâu, đối mặt với thử thách bối cảnh, phương tiện kỹ thuật lẫn nhân lực, tìm diễn viên cho phù hợp vai Kiều…

Có thể, sau lần dốc sức làm tổng đạo diễn cho dự án ý nghĩa nhất đời mình này, anh sẽ không làm phim nữa…

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI