Đại học là lựa chọn khó khăn trong đại dịch

20/04/2021 - 06:49

PNO - Giữa đại dịch, không chỉ các sinh viên quốc tế gặp khó khi tìm nơi học, bản thân các học sinh cấp III tại những quốc gia có nền giáo dục phát triển cũng lo lắng vì không thể hoàn thiện hồ sơ cần thiết hay chuẩn bị kinh phí cho bậc học tiếp theo.

Nữ sinh Twyla Joseph (giữa, tóc xoăn) tham dự lớp trợ lý vật lý trị liệu ở Bellport, New York. Dù vậy, cô lo rằng sẽ phải chuyển ngành khác ít chi phí hơn vì không thể vào đại học - Ảnh: Time
Nữ sinh Twyla Joseph (giữa, tóc xoăn) tham dự lớp trợ lý vật lý trị liệu ở Bellport, New York. Dù vậy, cô lo rằng sẽ phải chuyển ngành khác ít chi phí hơn vì không thể vào đại học - Ảnh: Time

Thiếu vắng sinh viên quốc tế

Nhiều sinh viên quốc tế đã hoãn hoặc hủy kế hoạch học tập tại Canada kể từ khi có quyết định giới hạn các trường hợp nhập cảnh và yêu cầu du khách phải trả tiền kiểm dịch bắt buộc tại khách sạn từ tháng 2/2021. Denise Amyot, Giám đốc điều hành Tổ chức Các trường cao đẳng và học viện Canada, cho biết, hóa đơn khách sạn trị giá 2.000 USD bằng chi phí nửa học kỳ của nhiều sinh viên. Do đó, số lượng sinh viên quốc tế tại các trường cao đẳng Canada đã giảm 30% so với năm trước.

Bên cạnh đó, theo số liệu mới đây, 42% trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo ở Canada liên quan đến những người dưới 30 tuổi. Khu vực có tỷ lệ dương tính cao nhất là Ontario, với 28,9% ca nhiễm của bang tập trung quanh khu vực Đại học Western. Trong tháng Ba và Tư, các cụm dịch cũng xuất hiện tại một số trường, gồm: Đại học Waterloo, Đại học Queen, Đại học Brock, Đại học Western. Việc sinh viên thường sống chung với bạn bè hoặc ký túc xá khiến khu vực trường học là nơi dễ bùng phát dịch.

Tương tự, COVID-19 đã phá vỡ nền giáo dục đại học ở Úc, việc đóng cửa là thảm họa đối với các trường ngày càng phụ thuộc vào học phí của sinh viên quốc tế. Tương lai của sinh viên, cả trong và ngoài nước, đều rơi vào thế bấp bênh.

Hai sinh viên nghệ thuật, Hannah Moshinsky và Ruby Peer bước đi trong khuôn viên trường đại học Melbourne, nhưng chỉ nhằm tham quan thư viện. Họ thất vọng vì một năm sau khi COVID-19 buộc sinh viên phải học trực tuyến, vẫn không có lớp học trực tiếp nào được mở. Trường đại học lâu đời nhất bang Victoria tiếp tục phát huy “khuôn viên ảo” như một cách để “kết nối”, nhưng cũng như hai sinh viên nói trên, nhiều sinh viên khác tiếp tục chán nản với điệp khúc "học trực tuyến" chưa biết bao giờ kết thúc.

Ngưỡng cửa đại học khó càng thêm khó

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy quá trình nộp đơn vào đại học của Twyla Joseph (17 tuổi) sẽ không diễn ra theo kế hoạch là vào ngày 13/3/2020, khi kỳ thi đánh giá năng lực SAT bị hủy do các trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng tại Mỹ. Twyla Joseph, học sinh năm cuối Trường trung học Central Islip (New York) hiện chỉ biết mặt các giáo viên của mình qua lớp học trực tuyến. Trong năm tháng tạm nghỉ làm thêm, cô sử dụng gần hết số tiền tiết kiệm dành cho việc học đại học. 

Joseph giờ không chỉ lo lắng về việc liệu mình có đủ khả năng học đại học vào mùa thu năm nay hay không, mà còn cả việc liệu chương trình đại học có xứng đáng hay không, nếu những gì sinh viên sẽ làm là ngồi ở nhà và tham gia các lớp học trực tuyến. “Tôi thực sự băn khoăn, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nghỉ một năm, hoặc có thể là hai năm, cố đợi cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường? Tôi đã nghĩ, có lẽ mình không nên đi học đại học, nó không đáng”, cô nói.

Hàng triệu học sinh trên toàn nước Mỹ đang khốn khổ vì những quyết định tương tự. Ước tính từ khảo sát của Cục điều tra dân số Mỹ thực hiện thường xuyên từ ngày 19/8/2020, cho thấy khoảng 7,7 - 10 triệu người trưởng thành tại Mỹ đã hủy kế hoạch tham gia các chương trình sau trung học vì những hạn chế tài chính liên quan đến đại dịch. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu National Student Clearinghouse, số học sinh tốt nghiệp trung học ngay lập tức vào đại học hồi mùa thu năm 2020 giảm 6,8% so với năm 2019. Sự sụt giảm nghiêm trọng hơn ở các trường trung học tại khu vực nghèo, lên đến 11,4%. Đây là ví dụ mới nhất về việc đại dịch đang cản trở cơ hội giáo dục cho những học sinh dễ bị tổn thương nhất, có thể hạn chế các lựa chọn nghề nghiệp và tiềm năng kiếm tiền của họ. Khi ngày càng có nhiều người mất khả năng tiếp cận giáo dục đại học, đất nước sẽ cảm nhận hậu quả của lực lượng lao động ít trình độ hơn. 

Ngọc Hạ (theo Time, The age, CTV news)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI